Xưa kia, các vị sứ giả mỗi lần vâng mệnh vua sang giao hảo với các nước lân bang, ngoài việc chính là thực hiện các sứ mệnh ngoại giao còn dành nhiều thì giờ cho việc ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về nơi mình đến. Nhờ vậy, ngày nay đọc các loại từ bút ký, hồi kí đến nhật kí sứ trình của các nhà ngoại giao phương Bắc để lại, chúng ta có thể hình dung được không khí và một số nét sinh hoạt khá sinh động của Thăng Long nói riêng và Đại Việt nói chung…
Có vị chỉ lưu lại dăm bữa nửa tháng trong trạm Hoài Viễn bên kia sông Cái, nơi chuyên tiếp đón và trú ngụ của các phái bộ ngoại quốc. Vị ấy cứ như thổ công Thăng Long, cái gì cũng ghi tỷ mẩn mà lại xác thực, dẫn chứng vân vi thư tịch từ cổ chí kim.
Chẳng hạn, ông ta ghi chép về tháp Báo Thiên (hay còn gọi là Tháp Đại Thắng Tư Thiên) ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên như sau: Tháp xây năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057), trên một gò đất cao cạnh hồ Lục Thủy, gồm 12 tầng, cao vài chục trượng. Đỉnh tháp đúc bằng đồng, trong chùa Báo Thiên còn có một quả chuông đúc hết 12.000 cân đồng với bài minh do vua Lý Thánh Tôn làm. Tháp cao sừng sững, đứng từ rất xa đã trông thấy…
Một vị khác lại ghi: Vào mùa hạ, khi hòa hợp các vị thuốc Bắc nên để ngà voi bên cạnh thì có thể giải được tà khí. Hoặc chuyện hoang truyền, dân miền núi Giao Châu cột răng voi thành hình chữ thập, lấy cây sơn du xâu vào nhau, thả xuống nước thì thủy thần chết, chỗ vực sâu nổi lên thành gò. Thậm chí, nhờ một vị khác giải nghĩa, chúng ta mới hiểu: chữ "cà cuống" chính là "Đà cuống" (do Triệu Đà nói dối).
Triệu Đà ở Nam Việt dâng cống cho vua Hán một loài côn trùng ăn thơm ngon, không biết gọi là gì, bèn gọi bừa là "quế đố" (con mọt ở cây quế). Thực ra con vật này sống dưới đất ruộng, dân gian diễu cợt gọi cái con "quế đố" ấy là "Đà cuống", sau đọc chệch thành “cà cuống”.
Rồi nữa, thời trước, có một cụ bà đã ngoài chín mươi nhăm, bỗng mọc răng trở lại. Từ năm bảy mươi, cụ bà đã rụng hết cả hai hàm răng, mấy năm gần đây, tự nhiên thấy ngứa lợi rồi nước bọt cứ ứa ra đầy miệng. Đột nhiên một sáng kia, tỉnh dậy, cụ bà thấy răng mọc trong miệng. Đến nay, cả hai hàm răng đã mọc đủ, trắng tinh, nhai thức ăn cứng không kém gì răng thanh niên.
Các vị sứ giả kiêm học giả không chỉ quan tâm đến việc triều chính như chuyện: mùa xuân tháng 2, Long Chương Thiên tự thứ ba, hoàng tử Minh Nhân Vương sinh, đó là người em cùng mẹ của Thái tử Càn Đức (con trai Nguyên phi ỷ Lan). Hay, nhân chuyện Châu Đăng dâng hai con voi trắng nên đổi niên hiệu thành Thiên Huống Bảo Tượng thứ nhất… Mà còn ghi chép tỷ mỷ cả chuyện giao thương, buôn bán và luật lệ hoàng triều.
Thư tịch cổ còn ghi: Người Việt thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền. Phép thủy chiến và đóng thuyền đi biển của cha ông họ từ xưa đã khá quy củ, thấu đáo. Đại để là trông vào hướng gió mà điều khiển buồm lái. Còn thuyền đi biển thì lắp hai bánh lái ở đầu và đuôi nhờ vậy gió thổi Đông mà chạy Tây, gió thổi Nam mà chạy Bắc.
Sách Hán thư chép: Giao Chỉ ở gần biển có nhiều tê giác, voi, đồi mồi, châu ngọc, vải… Người Hoa thường đến buôn bán, phần nhiều được giàu có. Nhà Hán giao thương rộng rãi với các nước Nam Hải, Thiên Trúc, An Tức, Đại Tân. Các nước từ phương Nam lên, từ phương Tây muốn đến cảng chính Quảng Châu đều phải đi đường biển qua Giao Chỉ. Các mặt hàng trao đổi chủ yếu có tơ lụa, hương liệu, hồ tiêu, vàng ngọc, đồ thủy tinh, gốm sứ…
Sau này, suốt thời Ngụy-Tần, Nam Bắc triều, Tùy, Đường, các thương lái và sứ thần Gia Va, Tích Lan, Đại Tân vẫn tiếp tục theo đường biển qua lại giao dịch, buôn bán với Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vì vùng này có nhiều cảng biển tốt, thuận tiện cho việc trú ngụ tránh bão gió, lấy nước ngọt, ngoài ra còn có các sản phẩm quý hiếm như ngà voi, sừng tê, san hô, hồ tiêu, trầm hương, vải bông, lụa, giấy, đường phèn…
(Còn nữa)