Tuổi thơ bất hạnh
Trước khi vào phòng tắm, Bạch công tử lột chiếc nhẫn kim cương có giá trị hơn 3000đ để trên bàn. Tắm xong, từ phòng tắm bước ra, cậu tư Phước thấy người đẹp đang ướm thử chiếc nhẫn trong tay và ngắm nghía.
"Vừa tay em quá. Em đeo luôn đi, anh tặng em đó", Bạch công tử lấy lòng người đẹp mà không một chút đắn đo. Thời ấy, vàng chỉ 60đ/lượng và chiếc nhẫn kim cương ấy có giá trị bằng 50 lượng vàng.
Người đẹp được Bạch công tử săn đón chiều chuộng kia là cô Ba Trần Ngọc Trà, một người được mệnh danh là hoa khôi của đất Nam kỳ.
Cô Ba Trần Ngọc Trà (ảnh Internet)
Cô Ba Trà sinh năm 1906, quê ở Cần Giuộc (Long An). Cô có một tuổi thơ bất hạnh, từ lúc lên 5 cô đã bị cha nghi ngờ là sản phẩm do sự thiếu chung thủy của người vợ nên đã giận dỗi đến thổ huyết mà chết. Cha cô vừa liệm xong, bà nội cô quá đau xót trước sự ra đi của con trai cũng đột ngột qua đời.
Từ đó, người bác của cô lấy cớ cô không phải là cháu ruột đã liên tục sỉ vả khiến mẹ cô chịu không nổi phải bế cô về bên ngoại. Từ những cú "sốc" đó, mẹ cô suy sụp tinh thần và nhiều lần trút giận lên con gái. Những trận đòn chí tử, những lời mắng nhiếc không thương tiếc đã hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của cô để đến khi lớn lên cô nhìn đời bằng đôi mắt lạnh lùng.
Người chồng đầu tiên của cô Ba Trà khi cô bước vào tuổi 14 là một quan Ba (đại úy) người Pháp. Một năm sau, vị quan Ba này được lệnh về nước đã bỏ cô ở lại không đoái hoài tới. Cô trở về ở với mẹ, đi bán nước trên những chuyến tàu hỏa Sài Gòn - Phan Thiết.
Lúc này mặc dù lam lũ mưu sinh nhưng nhan sắc cô đã lộ hẳn ra khiến nhiều chàng trai ngẩn ngơ. Trong số các chàng trai đó, có con của một hào phú đất Phan Rang. Anh này không kiềm lòng được trước sắc đẹp của Ba Trà nên đã nhờ người hỏi cưới. Mẹ cô đồng ý. Như thế mới 15 tuổi cô Ba đã trải qua 2 đời chồng.
Sống với người chồng thứ 2 được chừng 2 năm, cô Ba phải bỏ đi vì tính lăng nhăng của chồng. Rồi cô đến với bác sĩ Trần Ngọc Án và làm vợ ông khi bước vào tuổi 18.
Qua các tài liệu còn lưu truyền, sắc đẹp của cô Ba thuộc vào hàng "nghiêng nước khuynh thành". Cô rất đẹp. Chỉ cần nhìn thấy cô, từ những chàng trai vốn là thiếu gia nhà giàu đến các văn nhân, chính khách đều mong muốn có được cô trong tay.
Cô Ba Trà và Công tử Bạc Liêu (ảnh Internet)
Làm vợ bác sĩ Án không lâu, cô Ba chấp nhận cuộc sống phóng khoáng. Không là vợ của riêng ai, cô Ba càng ngày càng giao du rộng, lấn sâu vào cờ bạc đỏ đen để rồi sau những cuộc tình được đặt trên nền tảng tiền bạc vật chất, cô trở về với bàn tay trắng lúc cuối đời.
Nhan sắc là nhất thời. Tiền bạc vốn là phù du. Giá trị vĩnh cửu vẫn là tình cảm chân thật của mỗi người. Thế nhưng nếu ai cũng hiểu được điều đơn giản này thì chắc không có những câu chuyện để đời ...
Tiền của như bụi đất – tình nghĩa mới thiên thu…
Bạch công tử gặp cô Ba Trà vào thời điểm cô đang ở đỉnh cao. Tiền bạc có người dâng, nhan sắc được trời cho, cô là nữ hoàng của các sòng bạc đỏ đen. Để được gần với cô, Bạch công tử đã đưa cô về Cần Thơ chơi và đã xảy ra câu chuyện chiếc nhẫn kim cương.
Chuyện chiếc nhẫn của Bạch công tử tặng cô Ba Trà đến tai Hắc công tử (Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy). Hắc công tử liền tặng cô một chiếc nhẫn tương tự nhưng có giá trị gấp đôi chiếc nhẫn của Bạch công tử.
Cả hai chiếc nhẫn có giá trị hàng trăm lượng vàng đó đều không nằm lâu trên tay cô Ba. Chúng đã được bán đi và tiền thu về cô Ba nướng vào cờ bạc đỏ đen. Nhiều lần cô phải phủi tay đứng lên. Rồi không lâu sau đó, những món quà của những tay hào hoa đa tình khác hiến dâng. Chúng cũng không trụ lâu ở cô và cũng thanh thản ra đi. Cô không vui khi thắng bạc vạn và cũng không buồn khi thua cháy túi.
Có thể nói, cô Ba Trà không là người tình của riêng ai mặc dù ai cũng tự nhận cô là người tình của mình trong đó có chàng Bạch công tử. Chuyện kể lại, chỉ nhờ vào sắc đẹp, cô Ba Trà đã làm nhiều người điên đảo.
Sau khi "thua cuộc" ở Đông Pháp lữ quán, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì các Hắc, Bạch công tử vì mê cô đã cùng nhà triệu phú trẻ tuổi họ Lương đã bỏ tiền ra để cô trả nợ. Một căn phố lầu sang trọng được họ xây dựng thành tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô mang tên Nguyệt Tiên cung.
Chính từ Nguyệt Tiên cung này, nhiều tay nhà giàu ở khắp nơi đổ về và chỉ trong chốc lát tất cả đều trở về tay không. Tiền cũng hết mà tình cũng chẳng có.
Cô Ba Trà qua hình vẽ (ảnh internet)
Cô Ba Trà không thể nhớ được mình đã "ban bố" chút tình cho bao nhiêu người đàn ông. Nhưng trong một lần tự bạch, cô xác nhận chỉ có một lần yêu. Đó là người chồng thứ 2 đã ăn ở với cô trong thời gian 2 năm trời. Nhưng vì tính lăng nhăng nên cô đã bỏ để rồi cô cũng lao vào con đường lăng nhăng còn khủng khiếp hơn.
Nhan sắc theo năm tháng cũng tàn phai. Các đại gia, các công tử dần dần lảng tránh cô và cuộc sống cô về cuối đời càng bi đát hơn. Về sau có người gặp cô làm công cho một tiệm ăn ở Chợ Lớn. Nhưng rồi, không còn ai nhớ ai biết đến cô nữa, thậm chí không biết cô mất vào năm nào. Gần đây, khi đọc những dòng nói về cô trên trang mạng Pháp Luật Xã hội chúng tôi mới biết cô Ba Trà chết ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn trong cô đơn và nghèo khổ.
Để kết luận, chúng tôi xin ghi lại nhận xét của học giả Vương Hồng Sển, người đã sống cùng thời, từng si mê nhan sắc của cô Ba Trà, đã viết trong cuốn "Sài Gòn tả pí lù" như sau: "... những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất Huê (hoa-PV) khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc".
Và chính cô Ba Trà cũng đã từng nói: Tiền của như bụi đất – tình nghĩa mới thiên thu…"
(còn tiếp)