TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Đệ nhất hoa khôi Sài Gòn ’chia mảnh tình gặm chơi’

Thứ sáu, 27/04/2012 10:10

Được mệnh danh là “Ngôi sao Sài Gòn”, “Hoa Khôi Nam Kỳ”, sắc đẹp của cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) đã trở thành niềm mơ ước của tất cả người Sài Gòn, lục tỉnh. Thế nhưng, cô Ba Trà chỉ thích chia cho mỗi ngưòi một mảnh tình gặm chơi đỡ buồn.

Hai đời chồng khi mới 15 tuổi

Nổi tiếng xinh đẹp khắp đất Sài Gòn năm xưa, cô Ba Trần Ngọc Trà cũng đồng thời nổi tiếng về danh sách những mối tình dài bất tận của mình. Và những cuộc tình ấy bắt đầu từ khi tuổi đời của cô Ba còn rất trẻ. Sau khi cha Trà và bà nội mất để lại nghi ngờ về sự chung thủy của mẹ, cô Ba Trà, khi đó mới lên 5 tuổi phải trở về sống cùng với mẹ ở quê ngoại. Ngày Trà lên 9 tuổi thì bà ngoại mất.  Mẹ Trà đem con từ quê ngoại Cần Giuộc lên Sài Gòn, ở gần chợ Bến Thành trong một hẻm nhỏ đường D'Espagne, chính là đường Lê Thánh Tôn ngày nay để sinh sống. Hằng ngày, mẹ Trà đi bán hàng rong trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Phan Thiết còn Trà đi bán chả giò. Cuộc sống của hai mẹ con khó khăn khi phải kiếm tiền lo ăn ở từng bữa một.

Cô Ba Trà

Đến năm Trà được 14 tuổi, nhan sắc đã bắt đầu rõ nét hơn. Đôi mắt to đen, làn da mịn màng dù cuộc sống nhiều vất vả khiến không ít người phải ngỡ vàng vì vẻ đẹp ngây thơ, thiếu nữ ấy. Để cuộc sống bớt khó khăn, mẹ Trà đã đem gả con cho một quan ba người Pháp tuổi đã trên 30. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, người quan ba này về nước và không mang theo Trà. 15 tuổi, Trà trở về sống với mẹ sau khi đã có một đời chồng và tiếp tục làm nghề bán hàng rong. Thế nhưng, cũng chính trong lúc bán hàng rong mà Trà đã gặp được người con trai đầu tiên mà cô yêu. Đó chính là Toàn, con trai của một tỷ phú người Hoa sống tại Sài Gòn. Bố Toàn là người Hoa, đã có một đời vợ bên Trung Quốc, khi sang lập nghiệp trên đất Việt ông lấy thêm 3 người vợ nữa trong đó có một người phụ nữ ở đất Quy Nhơn. Đó chính là mẹ của Toàn. Do mẹ và bố Toàn sống ở Phan Rang lại chuyên nghề mua bán hải sản đắt tiền như yến sào, vi cá, bào ngư với chi nhánh đặt tận Chợ Lớn nên Toàn thường xuyên đến Sài Gòn. Trong một chuyến đi đến Sài Gòn, Toàn tình cờ gặp Trà đang bán hàng rong ở ngoài đường. Ngay lập tức, Toàn bị vẻ đẹp của Trà chinh phục. Toàn tìm hiểu được về cuộc sống và chỗ ở của Trà. Từ đó, công tử của gia đình giàu có thường xuyên viết thư tình, gửi người mang đến cho Trà.  Mỗi lần nhận được thư của Toàn, Trà đều đưa cho mẹ đọc. Mẹ Trà cũng dò hỏi ra được thân thế của Toàn nên có ý chấp nhận. Bị vẻ đẹp của Trà hớp hồn nên trong một thời gian rất ngắn, Toàn đã vô cùng si mê cô gái này và quyết định bảo bố mẹ mang sinh lễ đến hỏi Trà về làm vợ. Được sự đồng ý của mẹ Trà, một lần nữa, Trà lại cưới chồng. Lấy được Trà, Toàn vô cùng sung sướng vì đã có một người vợ xinh đẹp. Về phía Trà thì cô cũng hạnh phúc hơn do đã thoát được cảnh đói nghèo.  Hơn nữa, trong cuộc sống chung, Trà cũng dần có tình cảm với Toàn và ngày càng thêm yêu chồng mình. Thế nhưng, người ta vẫn bảo “cả thèm chóng chán”, cái gì có được thì không khiến người ta si mê nữa. Trong trường hợp của Trà và Toàn cũng vậy. Là con nhà giàu, muốn gì được nấy, nên chỉ sau 2 năm cưới Trà, Toàn đã không còn quá tha thiết với người vợ xinh đẹp của mình nữa. Thậm chí, Toàn còn ra ngoài, tìm kiếm những nguồn vui thú mới. Việc có những người con gái bên ngoài của Toàn khiến Trà khổ tâm và cũng ghen tuông bởi lúc này, Trà đã có tình cảm khá sâu đậm với chồng mình. Nhiều lần khuyên răn rồi chăm sóc, chiều chuộng chồng nhưng Toàn vẫn không thay đổi, không ít lần Trà đã trốn khỏi nhà chồng. Tuy nhiên, lần nào cũng bị gia đình nhà Toàn bắt về. Rất may là mẹ chồng Toàn cũng là người đàn bà hiền hậu nên đối xử tử tế với Trà. Mẹ chồng cũng khuyên Trà không nên bỏ đi nữa. Không biết làm cách nào hơn, lại quá mệt mỏi vì cuộc sống với người chồng chơi bời, Trà đã viết thư kể chuyện cho mẹ. Mẹ Trà nhận được thư của Trà liền viết thư gửi lại gia đình nhà chồng Trà rằng mình nhớ con gái, mong gia đình chồng cho con gái về thăm nhà. Trà trở về Sài Gòn sống mới mẹ, nhưng cuộc sống của hai mẹ con vẫn tiếp tục khó khăn. Không có điều kiện dư dả nên mẹ Trà thường xuyên cáu gắt. Không ít lần, bà đánh Trà bằng cả đòn củi. Không chịu được cuộc sống nghèo khổ cũng như những đòn roi của mẹ, Trà muốn trở về gia đình chồng. Cô lên tàu đến Phan Rang, nhưng bước lạc xuống ga Mường Mán. Do không có tiền trong người nên Trà đành ghé vào xin ở tạm tại một gia đình đang trông coi cửa hàng cho gia đình nhà chồng. Chủ gia đình đã báo lại với bên gia đình nhà Toàn, Toàn liền đến đón Trà.  Gặp nhau, như để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra với Trà, Toàn đưa Trà đi ăn những đồ ăn ngon, đắt tiền rồi lại đưa đi mua rất nhiều đồ quần áo, trang sức. Lúc này đã nguôi giận chồng nên Trà muốn tiếp tục cuộc sống với Toàn. Hai người bàn nhau là quay về Sài Gòn xin mẹ Trà. Tuy nhiên, khi trở về Sài Gòn, Toàn nhận lỗi, mẹ Trà vẫn kiên quyết không đồng ý cho Trà tiếp tục cuộc sống với Toàn. Không những thế, bà còn nói rằng, nếu Trà quay trở lại sống với Toàn thì bà sẽ giết luôn Trà. Không thể thuyết phục được mẹ Trà, Toàn đã để lại cho Trà đôi bông tai nhận hột xoàn rồi buồn bã quay về Phan Rang một mình.  Sau này, cô Ba Trà đã từng tự bạch về mối tình với vị thiếu gia giàu có này là: “Tôi gặp không biết bao nhiêu người đàn ông mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên”. Mối tình khỏa lấp buồn đau với nhà văn Diên Hương Người đàn ông tiếp theo trong cuộc đời của cô Ba Trần Ngọc Trà chính là nhà văn Diên Hương Trần Ngọc Án, tác giả các cuốn “Thành ngữ điển tích và Thi pháp”. Ông Diên Hương vốn học trường thuốc Hà Nội và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên vào ngạch bác sĩ ngang hàng với bác sĩ Pháp. Mặc dù học và làm việc trong ngành y nhưng Diên Hương lại có sở thích làm thơ, viết sách. Cũng chính bởi niềm đam mê trái ngành này mà Diên Hương đã có mối tình lãng mạn với đệ nhất hoa khôi Sài Gòn, Trần Ngọc Trà. Diên Hương và Trần Ngọc Trà gặp nhau lúc Trà 18 tuổi. Khi đó, Trà vẫn đang đau khổ vì cuộc chia tay với Toàn.  Biết được nỗi buồn của người đẹp, Diên Hương đã cho tài xế lái xe riêng của mình chiều chiều đón Trà đánh một vòng qua phố. Cứ như vậy, mối tình của Trà với người bác sĩ gốc Hà Nội lớn lên từng ngày mặc cho sự chênh lệch tuổi tác. Cũng trong thời gian này không ít những người thanh niên giàu có, những vị công tử ăn chơi đều theo đuổi Trà. Vậy nhưng, mối tình của Trà với Diên Hương không vì thế mà bị chia cắt. Tình yêu với Trà ngày càng lớn, bác sĩ Diên Hương thuê nhà cho Trà ở đường Richaud sát trung tâm Sài Gòn để sinh sống. Đồng thời, để Trà đỡ khó khăn, vất vả trong cuộc sống, Diên Hương còn gửi gắm Trần Ngọc Trà cho một người phụ nữ có tên là dì Tư chăm sóc. Dì Tư là người sành điệu, lão luyện, quen biết rộng rãi trong giới phong lưu ở Sài Gòn và cả những ông hội đồng hiếu sắc, những tay ăn chơi vượt rào từ lục tỉnh lên.  Để đón họ, dì Tư đứng ra mở sòng bạc tại nhà mình. Và chính từ đây mà Diên Hương đã mất Trần Ngọc Trà vào tay người khác. Georges Lê Văn Phước, con trai một ông đốc phủ giàu nức tiếng, đã sang Pháp du học, về nước không theo đường công danh hoạn lộ, chỉ thích ăn chơi bay bướm, người lại trắng trẻo hào hoa nên được giới phong lưu thời ấy tặng cho mỹ danh là Bạch công tử. Với phong độ đang lên, Bạch công tử không thiếu gì người đẹp vây quanh nhưng vẫn thấy hụt hẫng vì đeo đuổi bao lâu mà chưa chinh phục được hoa khôi Trần Ngọc Trà. Trong khi đó, Hắc công tử, chính là công tử Bạc Liêu, nổi danh về độ giàu có đương thời. Biết được tiếng tăm về vẻ đẹp lẫy lừng của cô Ba Trần Ngọc Trà nên Hắc công tử và Bạc công tử đều tìm đến để tìm cách chinh phục được Trà nhưng đều chưa thành công. Kể về công cuộc chinh phục của Bạch công tử và Hắc công tử đối với cô Ba Trà có lưu lại một câu chuyện về sự ganh đua mức độ giàu có và chịu chi cho người đẹp của hai vị công tử. Chuyện là một lần, Georges Phước lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến đón Trà xuống Cần Thơ đổi gió. Khi hai người vào khách sạn Bungalow, Georges Phước lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng đặt lên bàn để vào phòng tắm. Khi bước ra thấy cô Trà đang lấy chiếc nhẫn của mình đeo thử vào tay ngắm nghía, Georges Phước liền buột miệng nói chiếc nhẫn coi vừa ngón tay Trà quá. Vậy là Trà đeo luôn chiếc nhẫn. Biết chuyện, công tử Bạc Liêu lúc ấy cũng đang theo đuổi cô Ba Trà, liền đến gặp và tặng cô một chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của Georges Phước. Lúc này, cô Ba Trà đã bắt đầu biết thích thú đánh bạc. Vậy nên, Bạch công tử và Hắc công tử thường mượn cớ dẫn Trà xuống Cần Thơ để chơi bạc. Tại đây, cả hai đều cố gắng thua bạc để đổi lại bằng những nụ hôn trên tay người đẹp. Trở về Sài Gòn với số tiền lớn mà Bạch công tử và Hắc công tử đã giả thua để lấy lòng người đẹp, cô bà Trà vung ra tiêu xài, mua rất nhiều đồ đạc, chất đầy trong nhà. Điều này đã khiến cho ông Diên Hương đem lòng nghi ngờ. Diên Hương tra hỏi cô Ba rằng cô đã đi đâu cả 3 tuần qua không thấy mặt ở nhà dì Tư? Trước câu hỏi của ông Diên Hương, cô Ba Trà im lặng không trả lời.  Rồi ông Diên Hương lại nhắc lại: “Em đi đâu? Ở đâu?”. Cô Ba Trà đáp: “Không đi đâu hết”. Tức giận, ông Diên Hương nói: “Bộ em ngủ ngoài trời hay sao?”. Ông Diên Hương hỏi đi hỏi lại nhưng cô Trà cứ lấp lửng là mình ngủ ở nhà người bồi của dì Tư để trốn chủ nợ đang truy đòi 3.000 đồng do cô đánh bạc thua phải vay. Ông Diên Hương đáp lời: “Em trốn chủ nợ rồi trốn anh nữa sao em? Hay là em có mèo? Em lỡ thương ai cứ nói thiệt cho anh biết đi”. Lúc này, cô Ba Trà cũng đã giận dữ, cô đáp: “Tôi có đi chơi với họ mà không thương ai hết!”. Đúng lúc đó thì có tiếng xe dừng ở ngoài cửa, ông Diên Hương liền nói: “Xe của cậu Tư Georges Phước đến!”. Vừa nghe thấy thế, cô Ba Trà bật dậy chạy đến cửa nhìn ra. Nhìn hành động đó của cô Ba Trà, ông Diên Hương không những không nổi giận hay ghen tức mà còn dịu giọng nói với cô: “Không sao đâu em. Hai ngày nữa anh sẽ đem tiền đến để em trả nợ” rồi ông Diên Hương lặng lẽ ra về. Hai ngày sau, ông Diên Hương cho người đem tiền đến đủ 3.000 đồng để Trà trả nợ. Món tiền này theo thời giá lúc bấy giờ ước chừng bốn mươi mấy, năm mươi cây vàng. Mọi việc trở lại bình thường. Tình cảm của cô Ba Trà và ông Diên Hương vẫn được tiếp tục. Cho đến một dịp, Diên Hương chở cô Ba Trà ra Vũng Tàu tắm biển. Đang ngồi trên bờ, nhìn xung quanh, bỗng cô Ba Trà bật khóc. Ông Diên Hương liền hỏi vì sao cô Trà lại  khóc. Cô Trà đáp rằng cô đang nhớ nhà. Trước câu trả lời của cô Ba, ông Diên Hương không khỏi ngạc nhiên. Ông hỏi cô Ba nhớ nhà ai, ở đâu. Lúc này, dường như không kìm nén được cảm xúc, cô Ba Trà đã trở lời rằng mình nhớ đến người chồng cũ tên Toàn của mình, sinh sống ở Phan Rang. Cô bảo, cảnh biển ở Vũng Tàu khiến cô nhớ đến người chồng của mình. Nghe tâm sự của cô Ba Trà, ông Diên Hương đã rất buồn. Sau đó, ông lặng lẽ chia tay với cô Ba Trà, kết thúc một mối tình đẹp nhưng buồn. Và những mảnh tình Sau khi kết thúc mối tình với Diên Hương, nghe lời của dì Tư, Trần Ngọc Trà sang lại nhà hàng Đông Pháp lữ quán ở đường D'Espagne để bán cơm với các món ăn Việt Nam. Và chính ở quán cơm này, với sắc đẹp đầy ma lực của mình, Trần Ngọc Trà đã thu hút thêm rất nhiều những trái tim si tình khác. Trong số khách phương xa lặn lội tìm tới Đông Pháp lữ quán do cô Ba Trà làm chủ, có cả ông hội ở Rạch Giá và cậu chủ của một rạp chiếu bóng ở Cần Thơ.  Cả hai người này đến lữ quán không chỉ vì mấy món ăn khoái khẩu như cua xào giấm hoặc mắm kho thịt ba chỉ ăn với cơm gạo nõn thơm phức khiến Tây vô cùng thích thú mà chủ yếu để được ngắm dung nhan đẹp tuyệt trần của cô Ba Trà.  Cả hai người đều mê cô Ba Trà tới nỗi bỏ cả công việc ở quê nhà, ở miết Sài Gòn đến cả tháng trời để ngày ngày được ghé qua quán của cô Ba Trà.

Hắc công tử và cô Ba Trà

Họ còn đến quán cô Ba cả vào ban đêm vì được biết nơi đây ngoài bán cơm còn có những thú ăn chơi nổi tiếng như uống rượu đuông nướng, nhộng chiên và đặc biệt có tổ chức cờ bạc, hút xách tới khuya. Khi đã quen biết như người trong nhà, cả ông hội đồng và câu chủ rạp bóng đều rút lung một số tiền lớn đến quán xin dì Tư mở bài đánh tứ sắc để ăn thua. Và luật lệ đưa ra cũng chỉ là nếu cô Ba thua thì họ được hôn tay cô mà thôi. Rồi cả hai người còn nhờ dì Tư sắm lễ mai mối để xin cưới cô Ba Trà. Đáp lại tình yêu nồng nhiệt của cả hai người, cô Ba Trà đáp rằng họ chỉ nên giữ tình bạn đêm đêm trên chiếu bạc mà thôi. Một trong những chuyện tình nổi tiếng của cô Ba Trà là chuyện tình với Lâm Kỳ Xuyên. Khi bị các chủ nợ truy đòi bén gót, cô Ba Trà phải lánh mặt ở khách sạn không dám ra ngoài. Đang lúng túng cùng đường và chưa biết phải giải quyết ra sao với số nợ nận lớn thì bỗng một ngày, cô Ba Trà bất ngờ nhận được phong bao đựng tiền dày cộm do một người không quen biết tên Lâm Kỳ Xuyên gửi biếu, gọi là chút lễ “ra mắt” hoa khôi. Anh chàng này cũng thuộc loại si tình coi tiền như lá úa. Lâm Kỳ Xuyên chính là con trai của một tỉ phú chủ hãng rượu lớn đặt cơ sở sản xuất chính tại Châu Đốc. Từ đó, trong suốt một thời gian dài, Lâm Kỳ Xuyên tự nguyện làm người tình cung cấp tiền bạc cho cô Ba Tra mà chưa hề cầm được bàn tay hoặc nói một lời âu yếm. Nhờ có sự giúp đỡ của Lâm Kỳ Xuyên, cô Ba Trà đã có đủ tiền bạc để trang trải nợ nần, vực lại Nguyệt Tiên Cung đang trong bờ vực phá sản. Không những thế, với số tiền mà Lâm Kỳ Xuyên cung cấp, cô Ba Trà còn đường hoàng quay trở lại những sòng bạc vũ trường lớn nhất nhì đất Sài Gòn lúc bấy giờ. Có những lần, cô Ba Trà đánh thua to ở chiếu bạc mở trong nhà của chủ tiệm vàng Năm Hy trên đường Bonard, nay là đường Lê Lợi, cô còn không trực tiếp mà sai em út gọi điện thoại đến ngân hàng Cần Thơ cho Lâm Kỳ Xuyên để Lâm cung cấp số tiền là 5.000 đồng, tương đương với khoảng hơn 80 cây vàng thời điểm lúc bấy giờ. Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau số tiền khổng lồ đó đã được người của Lâm Kỳ Xuyên mang từ Cần Thơ lên Sài Gòn, đến tiềm vàng Năm Hy theo địa chỉ mà em út của cô Ba Trà đã nhắn. Một nhân viên có mang trên cổ áo mấy chữ BIC, viết tắt của Banque de L'Indo-Chine de Can Tho - Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Cần Thơ đã lễ phép trao cô Ba Trà đúng 5.000 đồng, gồm 50 tờ loại 100 đồng mới nguyên. Không chỉ có những lần trao tiền to tay này mà Lâm Kỳ Xuyên còn bỏ ra 20.000 đồng tức hơn 330 cây vàng để giúp cô Ba Trà tu sửa Nguyệt tiên cung lộng lẫy hơn cho cô Trà kinh doanh được tốt hơn.  Tuy nhiên, với thói quen, vung tiền như cỏ rác của cô Ba Trà, số tiền khổng lồ mà Lâm Kỳ Xuyên cung cấp dường như chưa thấp vào đâu.  Đã có lần, cô ba Trà phải đích thân lặn lội xuống Cần Thơ để tìm Lâm Kỳ Xuyên vì số tiền thua bạc quá lớn. Cô Ba Trà đi với một chị bạn người Pháp là Madame Pit. Cô Ba Trà chọn một phòng ở khách sạn de L'Ouest rồi viết thư mời Lâm Kỳ Xuyên đến. Lâm Kỳ Xuyên khi biết được cô Ba Trà đã đến Cần Thơ liền vội vàng đánh xe tới hỏi cô Trà xuống Cần Thơ khi nào và tại sao không báo trước?  Rồi Lâm Kỳ Xuyên cũng hỏi cô rằng có việc gì gấp gáp không? Không úp mở dài dòng, cô Ba Trà bảo cô bị thua bạc số tiền lớn, nợ rất to, cần có Lâm giúp đỡ. Lâm Kỳ Xuyên hỏi nợ lớn là bao nhiêu và cần chừng nào tiền? Cô Ba Trà nói: “Bốn chục ngàn đồng”. Số tiền 40.000 đồng trị giá thời bấy giờ là hơn 660 cây vàng. Thế nhưng, Lâm Kỳ Xuyên nhìn cô Ba Trà đáp một tiếng duy nhất: “Được”.  Rồi Lâm Kỳ Xuyên bảo cô Ba Trà chờ một chút để về lấy. Chưa đầy một giờ sau, tài xế của Trà đến chỗ Lâm và quay lại mang theo một bao tiền, cũng giấy loại 100 đồng, bày lên bàn, đếm đủ chẵn chòi 40.000 đồng. Vừa cất tiền xong thì Bạch công tử Georges Phước đột ngột xuất hiện. Hóa ra, Bạch công tử hay tin cô Ba Trà thua bạc đang ở Cần Thơ nên đến tìm. Xa cách lâu ngày không gặp, cô Ba Trà và Georges Phước sà vào lòng nhau, ôm nhau thắm thiết. Đúng lúc này thì Lâm Kỳ Xuyên quay lại, đẩy cửa bước vào trông thấy. Mặc dù thấy người con gái mình yêu lại cho một số tiền lớn đang trong vòng tay người khác nhưng Lâm Kỳ Xuyên vẫn giữ bình thản, bắt tay Georges Phước và mời Trà cùng đi Rạch Giá với mình. Cô Ba Trà từ chối, bảo về Sài Gòn gấp để trả nợ không thì người ta xiết Nguyệt tiên cung, rồi ôm bao tiền quay lên Sài Gòn. Trà đi rồi, Lâm Kỳ Xuyên ngẫm nghĩ thế nào lại lên xe phóng theo đến Nguyệt tiên cung song không thấy cô Ba Trà. Hóa ra, cô Ba Trà có tiền tiếp liền lao vào sòng bạc mất dạng. Lâm Kỳ Xuyên phải đợi suốt hai ngày ở Nguyệt tiên cung.  Tan song bạc, Cô Ba Trà cũng không đến với Lâm Kỳ Xuyên mà cùng vua cờ bạc Sáu Ngọ (Paul Daron) lên xe phóng ra phố. Lâm Kỳ Xuyên tình cờ trông thấy hiểu rằng mình là người đứng bên ngoài những cuộc tình của cô Ba Trà. Lâm Kỳ Xuyên lặng lẽ trở về Cần Thơ. Nói về mối tình “tần nhẫn” với Lâm Kỳ Xuyên, nhiều lần cô Ba Trà đã trách mình đã quá vô tình với người đàn ông này.

Phunutoday