Cũng như bao gia đình quyền quý khác, Trần Lệ Xuân được sống trong nhung lụa, đầy đủ về vật chất. Tuy nhiên sau này, chính người đàn bà đa tình này thú nhận rằng chưa biết đến hạnh phúc là gì. Lúc mang thai Lệ Xuân, bà Thân Thị Nam Trân (cháu ngoại vua Đồng Khánh, em họ vua Bảo Đại) đã có một cô con gái và bà mong muốn đứa trẻ kế tiếp sẽ là trai. Vì vậy, Lệ Xuân ra đời đã phải đón nhận sự thất vọng và chán ghét của mẹ. Lệ Xuân lớn lên trong bầu không khí nặng nề, thiếu vắng tình mẫu tử. Hai mẹ con luôn xung khắc và thường xảy ra cãi vã. Ngay từ lúc nhỏ Lệ Xuân đã có ý nghĩ thoát khỏi gia đình càng sớm càng tốt.
Cuộc phiêu lưu tình ái đầu tiên
Năm 1935, lúc ấy cô bé Trần Lệ Xuân mới 11 tuổi. Trong một lần tình cờ bắt gặp bà Thân Thị Nam Trân – mẹ của Lệ Xuân ngoại tình với ông Le Beau, một luật sư người Pháp ngay tại phòng ngủ của bố mình là luật sư Trần Văn Chương, bà càng căm ghét mẹ. Từ lúc đó, mối quan hệ giữa hai mẹ con bị rạn nứt mà không sao hàn gắn được.
Sau đó, ông Trần Văn Chương phải chuyển văn phòng luật từ Sài Gòn ra Hà Nội, vì thất cử chức phó chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Lý tài Đông Dương. Nguyên nhân của sự ra đi này chính là do cuộc “phiêu lưu” tình ái của bà Nam Trân đã tạo cơ hội tốt cho đối phương tranh cử đem ra xuyên tạc. Họ chế giễu người chồng bị cắm sừng và thêu dệt tạo nên dư luận để bôi nhọ uy tín của ông luật sư.
Sống bên cạnh người mẹ đa tình và người chị có lối sống phóng túng, Lệ Xuân ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính vì thế trước khi biết yêu, Lệ Xuân đã biết nhiều về kiến thức tình dục qua những quyển sách dạy vỡ lòng ân ái của Pháp. Đây là những thứ mà Lệ Xuân luôn đọc mỗi đêm trước khi ngủ. Cũng như người chị Trần Lệ Chi, Lệ Xuân được học tiếng Pháp, học đàn dương cầm, học múa với nữ giáo sư Parmentier theo mốt thời thượng của một tiểu thư con nhà quý phái lúc ấy ở Hà Nội.
Ngày ấy, những người đàn ông trí thức nhưng háo sắc đeo bám bà Nam Trân nhiều không đếm được. Họ chẳng bận tâm đến Lệ Xuân, một cô gái mới lớn. Chính vì thế Lệ Xuân đâm ra ghen ghét và bực tức với mẹ, vì Lệ Xuân cũng muốn được nhiều người đàn ông si mê, nhất là họa sĩ Lê Phổ. Với cái nhìn từng trải của người đàn ông sau đôi kính trắng, họa sĩ Lê Phổ dường như đọc thấu những ý nghĩ thầm kín của cô gái trẻ. Cái ý nghĩ mà bộc lộ từ đầu mày cuối mắt, qua các cử chỉ, thái độ hơi khác thường của cô nàng mới lớn.
Chính vì thế, sau khi họa xong bức chân dung của bà Nam Trân, Lê Phổ đề nghị vẽ tặng Lệ Xuân một bức. Những lời tán dương về vẻ đẹp của chàng họa sĩ từng trải như vuốt ve lòng tự ái, thích phô bày của Lệ Xuân. Nghĩ đến mối tình vụng trộm của mẹ với họa sĩ Lê Phổ, tự nhiên Lệ Xuân có ý muốn chiếm người tình của mẹ.
Qua các buổi ngồi làm mẫu, dần dần Trần Lệ Xuân có cảm tình với anh chàng họa sĩ có đôi tay tài hoa và cái miệng giỏi tán tỉnh phụ nữ. Một thời gian sau, giữa hai người đã phát sinh tình cảm, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác đôi bên. Rồi cuối cùng cô gái trẻ đã đạt được mục đích là chiếm được nhân tình của mẹ. Cuộc phiêu lưu tình ái diễn ra trong suốt thời gian họa sĩ vẽ tranh. Lệ Xuân không yêu Lê Phổ nhưng người bạn tình từng trải đã để lại cho nàng một cảm giác say sưa cuồng nhiệt. Sự cuồng nhiệt ấy nàng không thể nào tìm thấy ở người chồng mà nàng kết hôn sau đó một tháng. Người đàn ông đó là Ngô Đình Nhu - Cố vấn tổng thống của chế độ Ngô Đình Diệm tương lai.
Kể từ đó, sự xung khắc giữa Lệ Xuân và bà Nam Trân xảy ra như cơm bữa. Qua những lời bóng gió, cô đã nhận ra mẹ đã biết được mối quan hệ giữa mình và họa sĩ Lê Phổ. Khi thấy mẹ ghen tuông, Lệ Xuân đã bướng bỉnh đối đầu, trở thành đối thủ của mẹ. Trong khi bà Nam Trân tự tin ở sự quyến rũ sắc đẹp chín muồi của người đàn bà từng trải thì Lệ Xuân cậy vào tuổi trẻ và nhan sắc đang xuân của mình. Một buổi trưa, bà Nam Trân không thấy con gái ở nhà, bèn tự tay lái xe hơi đến thẳng xưởng vẽ của họa sĩ Lê Phổ. Bà đậu xe ở phía ngoài, lặng lẽ dùng chìa khóa riêng mở cửa và bắt gặp Lệ Xuân đang nằm trên giường với người họa sĩ đa tình. Bà Nam Trân giận dữ, lao đến tát mạnh hai cái vào mặt Lê Phổ và thốt ra mấy lời đe dọa: “Tôi sẽ đưa anh ra tòa án về tội dụ dỗ con gái vị thành niên”.
Chinh phục Ngô Đình Nhu chỉ sau một lần gặp
Ít ai ngờ được chồng của cô gái đa tình Trần Lệ Xuân lại là Ngô Đình Nhu, cậu ấm, con cụ Thượng xứ Huế. Khác với những người khác, cậu ấm Nhu suốt ngày chỉ biết vùi đầu trong sách và chưa từng biết mùi vị đàn bà là gì. Trong buổi khiêu vũ do bà Nam Trân tổ chức vào tháng 6, Ngô Đình Nhu đã gặp cô nàng Trần Lệ Xuân. Chính cái lần đầu gặp gỡ ấy, Nhu đã bị hớp hồn bởi cái nhìn tình tứ khiêu khích của Lệ Xuân.
Đến buổi tiệc, Nhu ngồi ở góc phòng với cốc nước ngọt, quan sát mọi người khiêu vũ. Nhu không biết nhảy, trong khi khiêu vũ đang là phong trào của giới thượng lưu. Cậu ấm cũng không biết tán tỉnh, nịnh đầm và không có bạn gái. Mặc dù đã tốt nghiệp Đại học loại giỏi bên Pháp hiện giữ một ví trí quan trọng ở thư viện Đông Dương nhưng Nhu đang khốn khổ vì những mặc cảm của một thanh niên thành đạt có cuộc sống xa rời với giới thượng lưu.
Chứng kiến những người đàn ông vồn vã, săn đón Lệ Xuân, Nhu nôn nao trong lòng. Từ lâu, Nhu đã nghe những lời bàn tán về chị em Trần Lệ Xuân trong giới trí thức Hà thành. Bây giờ cậu ấm này mới có dịp nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt. Tiếng đồn quả không sai, hai cô tiểu thư của luật sư Chương quả sắc nước hương trời, thông minh khéo léo không ai sánh bằng. Bị tiếng sét ái tình đánh trúng, từ hôm đó, Nhu luôn có mặt trong những buổi chiêu đãi rùm beng trong ngôi biệt thự sang trọng trên đại lộ Carréaux. Không đầy nửa tháng sau, gia đình Nhu mang đồ sính lễ từ Huế ra Hà Nội xin dạm hỏi cô tiểu thư thứ hai nhà họ Trần cho cậu ấm thứ tư nhà họ Ngô.
Hôn lễ giữa Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu cử hành nửa tháng sau ngày dạm hỏi tại nhà thờ lớn Hà Nội. Trong tiếng chuông đổ dồn náo nức, Lệ Xuân kiêu hãnh cầm tay chồng từ trong nhà thờ bước ra. Họ toan bước lên xe hoa, bỗng tiếng còi báo động rú lên bốn phía. Cả đoàn người dự lễ cưới xôn xao chưa kịp chạy thì đã nghe tiếng ầm ầm của phi cơ Đồng Minh oanh tạc trên bầu trời. Những phát đạn của phòng không Nhật Bản từ phía Gia Lâm bắn lên trắng trời Hà Nội, tiếp theo là những tiếng nổ dữ dội của những quả bom hạng nặng ném xuống làm rung chuyển cả thành phố. Cuộc oanh tạc đầu tiên của máy bay Mỹ nhằm vào quân Nhật đang chiếm đóng Hà Nội đánh dấu ngày Trần Lệ Xuân lấy chồng. Phải chăng đây là điềm báo trước cuộc sống vợ chồng của họ sẽ gặp nhiều sóng gió?