Ông thôn trưởng nhìn chúng tôi và có nhận xét “Bà yên nghỉ ở đây đã hơn 35 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy có ba người đồng hương của bà đến viếng mộ bà!”.
Khi biết tôi rất quan tâm đến Hoàng hậu Nam Phương của triều Nguyễn, ông bà Corbier - chủ lâu đài Saint - Martin – Sépert ở miền Trung nước Pháp, đã giới thiệu với tôi một món “đồ cổ” liên quan đến Hoàng tộc Pháp và lịch sử Cách mạng 1789 ở Pháp.
Chuyện kể: Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) của vua Louis 16 liên minh với nước ngoài chống lại Cách mạng Pháp 1789 nên đã bị Cách mạng bắt và hành quyết tại quảng trường Concorde (Paris) vào ngày 21.1.1793. Khi bị điệu đi từ nhà giam ra pháp trường, bà Hoàng hậu sợ quá, hai chân quấn vào nhau, một chiếc giày đã bật ra khỏi chân bà rơi lại ở dọc đường. Viên sĩ quan đi theo liền nhặt lấy giấu vào bọc áo đem về làm kỷ niệm. Chiếc giày ấy hiện còn được bảo quản trong một chiếc lồng gương hình vòm cung đặt tại lâu đài của gia đình quý tộc nầy.
Chiếc giày của bà Hoàng hậu Marie Antoinette chống Cách mạng Pháp thật khác với những gì tôi biết về Hoàng hậu Nam Phương - người đã đứng về phía nhân dân, chủ tọa Tuần lễ vàngủng hộ Cách mạng Tháng tám 1945 ở Việt Nam. Khi quân Pháp đổ bộ tái chiếm Nam bộ (9.1945) bà lại gởi Thông điệp kêu gọi phụ nữ thế giới ngăn chặn bàn tay xâm lược của quân đội Pháp. Sự khác biệt giữa hai bà hoàng hậu trong Cách mạng 1789 ở Pháp và Cách mạng Tháng 8-1945 ở Việt Nam làm cho tôi thấy nôn nao muốn rời khỏi lâu đài của ông bà Corbier ngay để đến viêng nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng hậu Nam Phương.
“Người ta nói bà ấy đến nơi xa xôi nầy ở để giấu mình”.
Đích thân ông Corbier cầm lái. Chiếc xe 4 chỗ ngồi len lỏi qua những con đường làng quanh co đồi dốc xưa nay chỉ dành cho ngựa đi. Ông Corbier biết trong vùng nầy có một vài gia đình Hoàng tộc gốc châu Á nhưng không biết tên. Với cái tên Hoàng hậu Nam Phương lạ quá, hỏi ai cũng không biết.
Xe chạy tới thụt lui một lúc rồi mới gặp được một người địa phương đang giữ ngựa. Ông bảo hãy đến nhà ông thôn trưởng gần đó mà hỏi. Ông chỉ đường cho chúng tôi đến nhà ông thôn trưởng. Thôn có tên là Chabrignac. Ông thôn trưởng biết rõ “lịch sử” Hoàng hậu Nam Phương về làm dân Chabrignac từ năm 1958. Ông vui vẻ nhận lời hướng dẫn chúng tôi đến thăm trang trại Domain de la Perche của Hoàng hậu Nam Phương. Trên đường đi ông cho biết làngChabrignac của ông thuộc tổng (canton) Juillac, Quận (Arondissement) Brive-la-Gallarde, tỉnh (département) Corrèze trong vùng (région) Limousin, nằm về phía trung tây (centre-ouest) nước Pháp, rộng khoảng 11 km2 với trên 500 dân. Ông nói thêm “Người ta nói bà ấy đến nơi xa xôi nầy ở để giấu mình”.
Đi một lúc thấy mấy dãy nhà móng đá, tường gạch mái ngói cũ kỹ đứng trên một ngọn đồi thoai thoải, khoáng đãng, lưa thưa đây đó những cây cổ thụ cao vút đang vào mùa đông chơ vơ cành lá. Chúng tôi đến trước một khung cổng hẹp đóng kín, phía trên đính tấm bảng mang dòng chữ Domain de la Perche mạ vàng khắc trên nền nâu. Đó là nơi ở cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương. Chúng tôi mừng quá cho dù Domain de la Perche đã đổi chủ sang tên cho một người Ý từ sau năm Hoàng hậu qua đời (1963) và có lẽ từ đó đến nay ông chủ người Ý cũng đã sang qua tay nhiều chủ khác nữa.
Sau đó, người giữ trang trại mở cửa cho chúng tôi vào bên trong. Tôi thăm viếng khắp các tòa ngang dãy dọc, chạy từ cửa trước ra cổng sau, bấm máy lia lịa.
Nấm mộ hoang lạnh, 35 năm không người viếng
Thăm viếng Domain de la Perche xong, ông thôn trưởng hướng dẫn chúng tôi đến nghĩa trang có lăng mộ Nam Phương Hoàng hậu. Nghĩa trang chỉ cách thôn Chabrignac vài cây số, nằm trên sườn một đồi cao nhìn xuống con đường dẫn đến thị trấn Juillac. Đứng dưới đường nhìn lên thấy ngay cái nhà mồ cao to. Sau lên đến nơi rồi mới biết nhà mồ ấy của Gia đình de LaBesse. Phía phải nhà mồ có hai cây tùng xanh ngát. Ông thôn trưởng bảo “Mộ của Hoàng hậu Nam Phương nằm giữa hai cây tùng đó”.
Chúng tôi hồi hộp leo lên đồi đến trước hai cây tùng. Ngôi mộ của Hoàng hậu là một khối bê-tông hoen rỉ, rêu phong chứng tỏ từ lâu ngôi mộ không được tay người chạm đến. Đầu ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá giản dị theo kiểu bình dân ở Việt Nam. Mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:
(Phiên âm): ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI LĂNG (Dịch nghĩa: Lăng mộ của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
Trên mộ có một cái bảng nhỏ bằng xi-măng đặt trước tấm bia chính khắc chữ Pháp: “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYỄN HỮU THỊ LAN” (Dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan) .
Một bà Hoàng con đại gia, vợ ông vua Nguyễn nổi tiếng, nhan sắc Việt Nam đẹp nhất thế kỷ XX mà ngôi mộ của bà thua cả nhiều ngôi mộ của chị em tiểu thương chợ Đông Ba ở quê nhà. Thật tội nghiệp. Số phận của bà sao mà hẩm hiu đến vậy! Ông thôn trưởng nhìn chúng tôi và có nhận xét “Bà yên nghỉ ở đây đã hơn 35 năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy có ba người đồng hương của bà đến viếng mộ bà!”. Xin cám ơn lời nhận xét của ông thôn trưởng tốt bụng, nhiệt tình.
Tôi xin hẹn với bà sẽ trở lại thăm bà, nếu không đến được Chabrignac một lần nữa thì xin sẽ “xây dựng” cho bà một “tấm bia kỷ niệm” trong sự nghiệp cầm bút viết sách về nhà Nguyễn và Huế xưa của tôi. Xin bái biệt bà!