Nhiều người cho rằng các nhân vật trong phim "Hoàn Châu Cách Cách" chỉ là nhân vật hư cấu của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Nhưng sự thật là nhân vật Tiểu Yến Tử được dựng lên dựa theo hình tượng của một công chúa có ngoài đời thật.
Theo đó, Quỳnh Dao lấy cảm hứng cho câu chuyện của mình từ một chuyến du lịch đến Bắc Kinh. Tại đây, bà đã đi thăm lăng mộ của một nàng công chúa không rõ tên tuổi được cho là con nuôi của vua Càn Long. Tuy mang danh nghĩa công chúa nhưng do không cùng dòng máu nên mộ của cô bị nằm tách biệt khỏi nghĩa trang hoàng gia.
Quỳnh Dao rất ấn tượng về câu chuyện một cô thiếu nữ bình thường được nhà vua nhận làm con nuôi nên đã tạo ra kịch bản phim Hoàn Châu Cách Cách. Bên cạnh hình ảnh “nghĩa nữ” (con nuôi) của nhà vua với tính cách năng nổ, dễ thương, bà cũng dựng lên hình tượng nàng Tử Vy - đứa con thất lạc của Càn Long nhằm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện. Tác phẩm này đã trở thành điểm sáng trong cuộc đời sáng tác của Quỳnh Dao và để lại dư âm lâu dài.
Vậy câu chuyện thật đằng sau nàng công chúa vô danh kia là gì? Có khá nhiều truyền thuyết kể về danh tính của cô “Cách Cách” bí ẩn này. Một trong số đó nói rằng, trong một lần “vi hành”, vua Càn Long muốn thực sự tìm hiểu cuộc sống người dân nên chỉ dẫn theo hai người tùy tùng thân cận. Tuy nhiên do đi đến một vùng lạ nên nhà vua đã lạc đường.
Thấy Mặt trời sắp xuống núi, lại đói và mệt, Càn Long bèn đi vào một ngôi làng nhỏ. Tại đây, vua và hai người tùy tùng đã được một ông già nghèo tốt bụng tiếp đón chu đáo. Ông già mời họ vào nhà và bảo đứa con gái nhỏ chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho ba người lạ mà không hề biết rằng người đó chính là Càn Long.
Trong khoảng thời gian tá túc tại nhà ông lão, được chăm sóc bởi bàn tay bé nhỏ của đứa trẻ dễ thương, Càn Long đã nảy lòng yêu mến đứa trẻ và gia đình. Ông đã đề nghị với ông lão được trở thành cha đỡ đầu của cô bé và người cha vui vẻ nhận lời. Về phía cô bé, Càn Long tặng cô một chiếc khăn tay và dặn “nếu gặp khó khăn, hãy cứ đến Kinh thành tìm ta”.
Một vài năm sau đó, nạn đói hoành hành khắp nơi. Giống như bao gia đình khác, hai cha con ông lão già phải chạy nạn lên Bắc Kinh. Ở đây, họ phải ngủ trong các ngôi đền hoang và xin tiền sống qua ngày. Ông lão ngày một yếu rồi mắc bệnh nặng. Cô con gái quá tuyệt vọng, đi khắp nơi cầu xin mọi người cứu giúp.
Trong một lần ra bờ sông, cô đã gặp lại một trong hai người tùy tùng của vua Càn Long lúc trước tá túc tại nhà. Cô quỳ xuống cầu xin và được vị này đưa đến trình diện nhà vua cùng cha.
Càn Long sau khi gặp lại cô gái mới nhớ ra lời hứa năm nào của mình nên đã cưu mang và để cô ở lại trong cung. Nhưng không lâu sau đó, bệnh của ông lão già ngày một nặng thêm rồi ông qua đời. Cô con gái vô cùng đau buồn và khóc rất nhiều. Cảm mến trước tình cảm dành cho cha và muốn giữ cô trong cung nên nhà vua đã phong cô làm công chúa.
Cuộc sống trong cung của “nghĩa nữ” của vua cũng không hề êm đẹp. Cô phải nhận sự ghẻ lạnh của nhiều người và luôn buồn bã u sầu. Một thời gian sau, cô gái cũng mắc bệnh mà mất.
Thương tiếc cho cô, Càn Long đã hạ lệnh chôn cô theo nghi thức hoàng gia tại một vùng riêng nằm phía Tây thành Bắc Kinh. Nơi này được gọi tên là “Công chúa phần” nghĩa là phần mộ của công chúa mà không có tên rõ ràng.
Cũng có những truyền thuyết khác liên quan đến thân phận thực của “én nhỏ” Tiểu Yến Tử tồn tại song song với câu chuyện này. Trong số đó thậm chí có cả thông tin khẳng định, nhân vật Hạ Tử Vy cũng là thật.
Tuy nhiên cho đến ngày nay, do di tích “Công chúa phần” đã bị phá hủy để xây dựng trạm tàu điện ngầm nên không còn gì để chứng thực về độ tin cậy của các truyền thuyết này.
Chỉ có một điều chắc chắn là hình tượng nàng công chúa “nghĩa nữ” của Càn Long là có thật và với tài năng của mình, Quỳnh Dao đã đưa phần nào câu chuyện của cô đến khán giả một cách xuất sắc.