TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Đinh Bảo Trinh tại sao dám giết An Đức Hải, động vào người của Từ Hi Thái Hậu?

Chủ nhật, 04/07/2021 11:14

Người ta thường nói: “Đánh chó phải nhìn mặt chủ”. An Đức Hải là người được Từ Hi cực kỳ coi trọng nhưng Đinh Bảo Trinh lại không sợ cường quyền, vẫn xử lý An Đức Hải theo chính pháp. Đinh Bảo Trinh rốt cuộc có tài cán gì mà lại dám động vào người của Từ Hi.

Bề ngoài nhìn có thể Đinh Bảo Trinh chính trực không sợ quyền lực, dám đối đầu với Từ Hi nhưng thực ra sau lưng lại có rất nhiều thế lực chống lưng. Khi ấy, triều đình nhà Thanh không phải chỉ có mỗi mình Từ Hi một tay che trời, Đinh Bảo Trinh đã nhìn thấu được điểm này mới dám đắc tội với bà mà giết chết An Đức Hải.

Năm 1869, An Đức Hải bị giết. Vài năm trước đó là cuộc cải chính Tân Dậu nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, cuộc chính biến này đã thay đổi số phận của rất nhiều người. Đầu tiên là 8 vị đại thần mà vua Hàm Phong trước lúc lâm chung phó thác gánh vác trọng trách quốc gia đại sự đã bị loại bỏ ra khỏi trung khu quyền lực của triều đình, còn hai cung Hoàng Thái Hậu và đám người Dịch Hân lại mạo hiểm để đạt được phú quý, thành công phát động chính biến, trở thành người nắm quyền của Đại Thanh khi ấy.

Trong cuộc chính biến ấy, có một người nhìn có vẻ thân phận thấp kém nhưng lại có quan hệ mật thiết tới cuộc chính biến này, đó chính là An Đức Hải. Khi ấy, hắn là tâm phúc của Từ Hi. Sau khi vua Hàm Phong qua đời, 8 vị đại thần được Hàm Phong phó thác chuyên quyền khiến Từ Hi và Từ An bất mãn. Từ Hi quyết định liên minh với Từ An cùng nhau phát động chính biến nhưng nếu chỉ dựa vào lực lượng của hai người họ thì không thể nào lật đổ được 8 người kia, thế nên Từ Hi đã nghĩ tới em trai Dịch Hân của Hàm Phong.

Dịch Hân căm hận việc Túc Thuận (một trong 8 vị đại thần) đã đẩy ông ra khỏi vòng quyền lực triều Thanh, Từ Hi lợi dụng điểm này liên thủ với Dịch Hân. Nhưng Dịch Hân lại ở Bắc Kinh xa xôi, chính lúc này An Đức Hải đã phát huy tác dụng, hắn đã 2 lần bí mật đi về giữa Bắc Kinh và Nhiệt Hà để làm cầu nối cấu kết chính biến giữa Từ Hi và Dịch Hân, lập được công lớn. Sau khi chính biến Tân Dậu thành công, An Đức Hải được thăng chức lên làm Tổng quản Đại thái giám, phú quý quyền lực ngút trời.

An Đức Hải có được ngày hôm nay đều là nhờ có sự đề bạt cất nhấc của Từ Hi, đương nhiên hắn sẽ một lòng trung thành với Từ Hi. Từ Hi đối với hắn mà nói còn hiệu quả hơn cả thánh chỉ. Thế nhưng Từ Hi khi ấy không phải là một tay che trời, độc bá thiên hạ, triều Thanh khi ấy vẫn còn một số lực lượng chính trị lớn khác, lần lượt là Từ An, Dịch Hân, tiểu Hoàng Đế Đồng Trị, họ cũng là lực lượng quan trọng có sức ảnh hưởng trong chính trị triều Thanh khi ấy. Nhưng An Đức Hải lại không nhận ra điều này, hắn chỉ nghĩ Từ Hi bây giờ là người nắm quyền lớn nhất, thế là đã đắc tội với nhiều người, cuối cùng bị họ tìm ra lý do để tiêu diệt.

Sau chính biến Tân Dậu, để có thể độc bá quyền lực, Từ Hi bắt đầu ra tay với những người trước kia đã từng liên thủ với mình. Đầu tiên là Dịch Hân, để tìm ra tội chứng của Dịch Hân, An Đức Hải cũng đã tốn không ít công sức, cuối cùng đã tìm được cơ hội tước đi chiếc mũ Nghị Chính Vương (chức quan trong triều Thanh) của Dịch Hân, Dịch Hân vì thế đã căm hận An Đức Hải.

Còn về Từ An Thái Hậu, tùy Từ Hi không dám thể hiện ra mặt sẽ làm gì bà nhưng lại âm thầm sai bảo An Đức Hải giám sát Từ An, thừa cơ li gián tình cảm giữa hai mẹ con thái hậu Từ An và vua Đồng Trị, đây là điều mà thái hậu Từ An không thể nhẫn nhịn được, tiểu Hoàng đế cũng bị hắn hãm hại, thường xuyên bị Từ Hi mắng mỏ. Vua Đồng Trị càng lớn lại càng không thể chịu đựng được An Đức Hải.

Diệt trừ An Đức Hải dần trở thành mục tiêu chung của họ nhưng chỉ là thiếu một lý do thôi. Vừa hay An Đức Hải lại tự chui đầu vào rọ, cho họ cơ hội tốt ngàn năm có một. Năm 1869, vua Đồng Trị đã tròn 14 tuổi, dựa theo tổ huấn của triều Thanh thì đã đủ tuổi để kết hôn, An Đức Hải ở trong cung lâu ngày muốn xuất cung du ngoạn đồng thời kiếm chác tiền tài, thế nên hắn đã nhiều lần xin Từ Hi ra ngoài để chuẩn bị cho hôn lễ của vua, Từ Hi khi ấy rất tin tưởng hắn nên đã đồng ý. Nhận được cái gật đầu của Từ Hi, An Đức Hải vô cùng vui sướng mà xuất cung hành sự.

An Đức Hải cũng đã đánh giá quá cao quyền thế của Từ Hi, cứ tưởng rằng chỉ cần bám được cây đại thụ Từ Hi là sẽ không phải lo lắng về tính mạng. Thế nhưng lại mắc một sai lầm chí mạng chính là vi phạm quy định của tổ tiên triều Thanh, thân làm thái giám mà lại tự ý xuất cung, chỉ một điều này thôi đã đủ lấy cái mạng của An Đức Hải. Nếu như An Đức Hải ở bên ngoài ăn vận đơn giản, hành sự khiêm tốn thì may ra còn có thể bảo toàn tính mạng nhưng hắn lại ngang ngược, kiêu ngạo quen thói, trên đường đi không coi ai ra gì, ở Sơn Đông đã gặp Đinh Bảo Trinh - người cũng cứng đầu không kém.

Đinh Bảo Trinh đã thấy ngứa mắt An Đức Hải từ lâu, muốn dạy hắn một bài học, thế nên đã viết một bức mật tấu tới triều đình, tố giác An Đức Hải vô pháp vô thiên. Bức mật tấu đầu tiên tới Sở Quân cơ, lúc này Dịch Hân đã được khôi phục chức đại thần Quân cơ, sau khi đọc bức mật tấu này, ông nghĩ cơ hội trả thù của mình cuối cùng cũng đã tới, thế nên đã xin Từ An và Đồng Trị đi diệt trừ An Đức Hải. Họ cũng đã muốn tiêu diệt An Đức Hải từ lâu nên sau khi bàn bạc, lấy danh nghĩa của Sở Quân cơ gửi đi bức mật thư, gửi gấp tới Đinh Bảo Trinh ở cách đó 800 dặm, vạch ra những tội trạng của An Đức Hải, hạ lệnh cho Đinh Bảo Trinh không cần thẩm tra mà thẳng tay xử lý An Đức Hải theo chính pháp, không được cho hắn giảo biện.

Đinh Bảo Trinh sau khi nhận được mật chỉ đã hạ lệnh xử lý An Đức Hải theo chính pháp ở ngay Tề Nam. Khi tin tức An Đức Hải bị giết truyền tới kinh thành đã gây chấn động cả triều đình, rất nhiều quan viên đã vỗ tay ăn mừng, Từ Hi Thái Hậu tuy nắm đại quyền trong tay nhưng cũng chỉ có một mình, không dám manh động hỏi tội Đinh Bảo Trinh, bởi bà biết phía sau lưng hắn còn có những thế lực của Từ An, Đồng Trị chống lưng.

Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới