Cô ta là một công chúa rất được mẹ ruột của mình, nữ hoàng Võ Tắc Thiên sủng ái, từ nhỏ đã được chăm bẵm như ngọc ngà, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, lớn lên thì quyền lực khuynh đảo một thời. Cô công chúa này có dũng, có mưu, tính cách rất giống người mẹ ruột nổi tiếng của mình.
Tuy nhiên, cuối cùng, sau những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, cô ta đã bị chính đưa cháu trai mà mình mất bao nhiêu công sức để đưa lên ngôi hoàng đế ban cho tội chết.
Vốn là một công chúa tôn quý, có thể sống một cuộc sống an nhàn, tôn quý cuối cùng cô ta lại rơi vào một kết cục vô cùng bi thảm. Cô ta chính là Thái Bình Công chúa.
Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tống Lý Trị có với nhau 4 người con, 2 trai và 2 hai gái. Trong số 2 người con gái thì cô công chúa đầu khi vừa mới sinh ra không bao lâu thì đột ngột tử vong.
Cũng vì cái chết của cô tiểu công chúa này nên sau khi sinh ra Thái Bình Công chúa, Võ Tắc Thiên đặc biệt yêu thương cô con gái duy nhất của mình. Nói thực ra thì công chúa so với các phi tần hạnh phúc hơn rất nhiều.
Không giống như các hậu phi, bên ngoài thì có vẻ hào nhoáng, giàu sang nhưng bên trong thì luôn phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, găn đơn gối chiếc, những người được hoàng đế sủng ái thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người khác hại mình, các công chúa luôn nhận được sự sủng ái của hoàng đế cũng như sự quan tâm của hoàng thất.
Sự quan tâm và sủng ái ấy có thể thấy trong tất cả các sự kiện mà Thái Bình Công chúa trải qua trong cuộc đời mình.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, chớp mắt, cô công chúa Thái Bình cũng đã 16 tuổi. Đúng năm ấy, triều đình Thổ Phồn cử sứ giả tới cầu thân, mong Đường Cao Tông gả Thái Bình Công chúa cho họ.
Tuy nhiên, Thái Bình Công chúa là viên bảo ngọc của Võ Tắc Thiên vì thế Võ thị không nỡ lòng nào gả con gái mà mình yêu thương nhất tới nơi xa xôi như Thổ Phồn. Nhưng làm thế nào để từ chối lời cầu thân của vua nước Thổ Phồn đây?
Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng quyết định sẽ để Thái Bình Công chúa xuất gia tu đạo. Một khi đã trở thành một nữ đạo sĩ, công chúa sẽ không thể kết hôn được nữa, như vậy, nghiễm nhiên người Thổ Phồn cũng chẳng còn lý do gì để cầu thân.
Cũng vì chuyện người Thổ Phồn cầu thân rồi phải xuất gia làm đạo sĩ để từ chối, chuyện hôn nhân của Thái Bình Công chúa gần như bị mọi người quên lãng. Cũng có thể vì Võ Tắc Thiên muốn cô con gái độc nhất ở bênh cạnh mình thêm vài năm nữa nên tạm thời không nghĩ tới chuyện hôn nhân của Thái Bình Công chúa.
Tuy nhiên, là một cô con gái mới lớn, lại thừa hưởng tất cả những nét tính cách quyết liệt của mẹ mình, Thái Bình Công chúa nào có chịu an phận trong cái vỏ bọc nhàm tẻ của một nữ đạo sĩ. Vì thế, Thái Bình Công chúa quyết tìm cách để nhắc nhở cha mẹ về chuyện hôn nhân của mình.
Trong một lần trong cung mở yến tiệc, Thái Bình Công chúa đột nhiên xuất hiện, người mặc áo bào tía, lưu đeo đai ngọc, đầu đội khăn đen đến múa trước mặt Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông. Hai người nhìn thấy con gái trong bộ dạng ấy thì không khỏi buồn cười.
Đây là bộ trang phục vốn chỉ dành cho các võ tướng, mặc lên người một cô công chúa yểu điệu như Thái Bình đương nhiên là rất thú vị. Đợi Thái Bình Công chúa múa xong, Võ Tắc Thiên vui vẻ nói: “Con là thân con gái, không thể trở thành võ quan, sao lại ăn mặc như thế này mà múa?”
Thái Bình Công chúa nhân cơ hội đó đáp ngay: “Vậy xin mẫu hậu tặng cho con một phò mã đi!” Võ Tắc Thiên nghe Thái Bình Công chúa trả lời như vậy mới chợt giật mình.
Cô con gái bé nhỏ mà bà bế ẵm trong tay ngày nào nay đã trưởng thành, đã đến tuổi phải lấy chồng, không thể cứ giữ mãi con gái bên cạnh mình được nữa. Vì thế, Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên bắt đầu bàn tính chuyện hôn sự của Thái Bình Công chúa.
Người được lựa chọn làm phò mã của Thái Bình Công chúa là Tiết Thiệu. Mẹ ruột của Tiết Thiệu là Công chúa Thành Dương vì thế cũng có thể coi là người xuất thân từ danh môn vọng tộc.
Lễ kết hôn của Thái Bình Công chúa được tổ chức một các vô cùng hoành tráng và xa hoa. Khắp cả thành nơi đâu cũng treo đèn kết hoa, trống đánh chiêng khua ầm ĩ, náo nhiệt. Theo tục lệ thời nhà Đường, việc đón dâu được tiến hành vào ban đêm.
Để thuận tiện cho việc đi lại, người ta đã treo các đèn lồng trên các ngọn cây từ trong cung tới phủ nhà họ Tiết. Sử sách ghi chép lại rằng, đêm hôm đó, cả kinh thành Trường An sáng rực và tới sáng ngày hôm sau thì cây cối ở hai bên đường đều chết héo vì sức nóng của những ngọn đèn.
Xe dâu của Thái Bình Công chúa cũng rất lớn, nhiều nơi không thể đi qua cửa được. Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên không hề nói nhiều, ra lệnh đập cổng để cho xe đi.
Trong ý nghĩ của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên, đám cưới long trọng và hoành tráng này là điểm khởi đầu của cuộc sống hạnh phúc của Thái Bình Công chúa. Tuy nhiên, không may là hạnh phúc bao giờ cũng ngắn ngủi.
Thời gian đầu, cuộc sống giữa Thái Bình Công chúa và Tiết Thiệu cũng có thể coi là hạnh phúc. Họ có với nhau 4 đứa con vì thế nói rằng không có tình cảm với nhau e là khó có ai tin được. Tuy nhiên, chỉ được 7 năm, cuộc hôn nhân này bắt đầu rạn nứt.
Lúc bấy giờ, Võ Tắc Thiên đã bắt đầu độc chiếm quyền lực, sủng ái người tình Phùng Tiểu Bảo. Vì muốn tình nhân của mình cũng có chút danh phận, Võ Tắc Thiên buộc con rể Tiết Thiệu nhận Phùng Tiểu Bảo là cha nuôi.
Tiết Thiệu làm sao có thể chịu được nỗi nhục nhận một kẻ khố rách áo ôm làm cha nuôi, lại thêm một vài chuyện ngẫu nhiên khác khiến Tiết Thiệu nghĩ tới chuyện tạo phản. Tuy nhiên, sự việc sau đó bại lộ, Tiết Thiệu bị tống giam và bỏ đói tới chết.
Thái Bình Công chúa bị mẹ ruột của mình giam trong cung, giám sát một cách nghiêm ngặt,. Trước mặt người mẹ trước nay luôn nghiêm khắc và tàn nhẫn, Thái Bình Công chúa không dám mở lời xin tha cho chồng mình, cả ngày chỉ biết khóc.
Tiết Thiệu đã chết nhưng con gái của mình thì không thể sống một mình mãi được. Võ Tắc Thiên lại bắt đầu công cuộc tìm kiếm một chàng rể mới cho Thái Bình Công chúa. Lần này, Võ Tắc Thiên nhắm đứa cháu trai của mình là Võ Du Ký.
Trong số những người đàn ông của nhà họ Võ, Du Ký là đứa văn võ toàn tài, một ứng cử viên phò mã không thể đòi hỏi gì hơn. Duy chỉ có một trở ngại đó là Võ Du Ký đã có vợ.
Tuy nhiên, với Võ Tắc Thiên, điều này dường như chẳng phải là trở ngại gì lớn. Võ thị ban tặng cho cô cháu dâu một bình thuốc độc, sau đó cho người lôi Thái Bình Công chúa tới nhà của Võ Du Ký.
Cuộc hôn nhân thứ nhất đã kết thúc bằng cái chết bị thảm của Tiết Thiệu, cuộc hôn nhân thứ hai lại bắt đầu bằng sự tàn bạo và hoàng đường của người mẹ ruột, tâm trạng của Thái Bình Công chúa lúc bấy giờ ra sao, không khó để tưởng tượng ra được.
Tuy nhiên, cũng từ đây, Thái Bình Công chúa chỉ biết ẩn mình trong chốn thâm cung, say đắm ái tình đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một Thái Bình Công chúa chỉ biết tới quyền lực, sắc dục và sự trả thù.
Cũng có thể cái chết của Tiết Thiệu đã giúp Thái Bình Công chúa hiểu ra sự lợi hại của quyền lực nên mới có sự thay đổi khủng khiếp sau đó.
Bốn năm sau đó, Tiết Hoài Nghĩa (tức Phùng Tiểu Bảo), người tình của Võ Tắc Thiên, người gián tiếp gây ra cái chết thảm của Tiết Thiệu cuối cùng cũng thất sủng. Thái Bình Công chúa hiểu được ý tứ của Võ Tắc Thiên, vì thế xin được nhận nhiệm vụ này.
Thái Bình Công chúa tuyển mấy chục người phụ nữ khỏe mạnh công thêm một nhóm võ sĩ. Sau khi đã huấn luyện họ trở thành những sát thủ thành thục, Thái Bình Công chúa cho họ tới mai phục ở xung quanh Dao Quang Điện.
Tiếp đó, Thái Bình Công chúa sai một người có quan hệ khá thân với Tiết Hoài Nghĩa tới, nói rằng Võ Tắc Thiên muốn ông ta vào cung. Tiết Hoài Nghĩa nghe có chiếu gọi của nữ hoàng, chẳng nghi ngờ gì lập tức lên xe vào hoàng cung.
Khi xe của Tiết vừa vào tới hậu cung lập tức một toán phụ nữ mấy chục người xông ra chặn xe rồi lôi họ Tiết xuống đất. Những người theo hầu xe của Tiết Hoài Nghĩa cũng bị những người phụ nữ này trấn áp, bắt giữ.
Thái Bình Công chúa nhìn tên hòa thượng họ Tiết, bỗng nhiên nhớ lại cái chết thê thảm của Tiết Thiệu. Vì thế, Thái Bình Công chúa cười lạnh một tiếng rồi sai những võ sĩ theo hầu dùng gậy đánh chết họ Tiết.
Tuy nhiên, dường như chưa hả cơn giận, sau khi Tiết Hoài Nghĩa đã chết, Thái Bình Công chúa còn sai người đem xác Tiết đi thiêu rồi dùng tro đó trộn với bùn dùng để đóng gạch xây nhà.
Có thể nói, sự thù hận đã khiến Thái Bình Công chúa dường như mất đi toàn bộ lý trí. Cũng chính sự thù hận này đã đẩy cô công chúa một thời chỉ biết đắm chìm trong tình yêu vào vòng xoáy của những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực.