Huyền thoại bước ra từ trang sách
Với thế hệ học sinh chúng tôi ngày trước, bài thơ viết về anh hùng La Văn Cầu ngắn ngủi: "Anh Cầu ra trận/Giặc bắn què tay/Anh chặt phăng ngay/Xông lên nổ súng/ Mìn anh bắn trúng/ Vào lỗ châu mai/Giặc chết sõng soài/Cả đồn bị hạ/ Anh Cầu giỏi quá/Được Bác Hồ khen/Lại được nêu tên/Anh hùng quân đội...” đã khiến không biết bao nhiêu thế hệ học trò yêu quý, miệng ca vang mỗi khi nhảy chân sáo tới trường.
Tên của ông từng được đặt cho trường học, đường phố… và trở thành huyền thoại trong trái tim rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Thế nhưng khi ông ngồi trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt với nụ cười hiền khô, tôi không dám tin vào mắt mình nữa. Từ giây phút gặp gỡ, ông đã nói rất nhiều về trận đánh Đông Khê trong chiến dịch biên giới ngày 16/9/1950. Đó là trận đánh mà ông nhớ nhất, bởi cánh tay phải của ông đã vĩnh viễn không bao giờ còn là một phần trên thân thể của mình nữa.
Lúc đó, La Văn Cầu làm tổ trưởng tổ bộc phá và nhận nhiệm vụ phá hàng rào, lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trước khi ôm vũ khí làm nhiệm vụ, cả đội viết quyết tâm thư với nội dung: “Thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ kể cả phải hi sinh”.
Trận đánh này diễn ra vào khoảng 6 giờ sáng ngày 16/9/1950. Lúc bấy giờ, ta buộc phải dùng quả bộc phá nặng 12 kg để phá hủy một lô cốt địch trên cao với sự yểm trợ của pháo binh. Tuy nhiên hỏa lực của địch quá mạnh nên đến đêm 16/9 ta vẫn chỉ chiếm được một phần ba trận địa. Chừng nửa đêm 17/6, ông Cầu được lệnh dùng bộc phá đánh vào lô cốt lớn. Trong lúc đang chuẩn bị thì ông bị hai viên đạn trúng người. Một viên trúng má phải và viên kia trúng vào cổ tay khiến ông ngã xuống ngất lịm.
Tỉnh lại, ông nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt nên nhổm dậy định chạy thì cảm giác chỉ còn cánh tay trái cử động, tay phải không có cảm giác. Trong đêm tối, ông cảm nhận được cánh tay phải của mình bị thương nhưng vì nhiệm vụ, ông vẫn cố gắng để tìm quả bộc phá rồi ôm chặt vào ngực và trườn lên phía trước. Lúc này, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, không phút suy nghĩ, ông nhờ người đồng đội Nông Văn Thêu (là tiểu đội trưởng) giúp mình chặt cánh tay bị thương để khỏi vướng.
Nông Văn Thêu lắc đầu bảo: "Cậu bị thương rồi, về tuyến sau đi. Đưa bộc phá đây cho mình", nhưng La Văn Cầu quả quyết: "Đằng nào cũng hy sinh, để tôi lên". Nông Văn Thêu nhắm mắt rút thanh kiếm Nhật chặt phăng cánh tay phải của đồng đội rồi băng bó qua loa. Sau đó, La Văn Cầu ôm bộc phá bằng tay trái và chạy nhanh về phía các lô cốt. Ông giật một lúc hai nụ xòe rồi lăn xuống ngất xỉu. Sau đó, một đồng đội trẻ tên Lý Văn Mưu thay ông ôm bộc phá giật kíp và lao vào lô cốt thứ hai, tiếng nổ vang lên. Lý Văn Mưu hy sinh anh dũng.
Lúc này, liệt sĩ và những thương binh nặng được đồng đội và dân công hỏa tuyến cáng đi, La Văn Cầu tự về trạm quân y tiền phương.. Sau hơn 3 ngày chiến đấu không ngừng nghỉ, trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, trong đó có Đại đội trưởng Trần Cừ vì lấy thân mình lấp lỗ châu mai che đạn cho đồng đội.
Trận đánh kết thúc, nhiều đồng đội nhường cáng cứu thương cho La Văn Cầu nhưng ông từ chối với lý do “mình vẫn còn đủ hai chân”. Sau đó ông băng rừng vượt núi về trạm xá. Khi vừa chạm chân cổng trạm thì ông bất tỉnh. Cổ tay bị nhiễm trùng và hoại tử. Các bác sỹ phải cắt hết cả cánh tay mới cứu được mạng sống của ông.
Tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tháng 5/1952, Trần Cừ và Lý Văn Mưu được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, còn La Văn Cầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông cũng là một trong 7 người được vinh danh là Anh hùng Toàn quốc do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định. Bảy người lúc đó là: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Hoành Hanh, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm. Cho đến nay, chỉ còn anh hùng La Văn Cầu và bà Nguyễn Thị Chiên còn sống.
Khi tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sỹ trẻ La Văn Cầu và gọi ông là ‘một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, La Văn Cầu cùng một số chiến sỹ thi đua yêu nước được lên Chiến khu Việt Bắc diện kiến Bác Hồ.
Một cuộc đời thăng trầm
Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1932 ở huyện Trùng Khánh – Cao Bằng. Tên thật của ông là Sầm Phúc Hướng, người dân tộc Tày. Khi ông 3 tuổi, bố ông bị Tây bắt đi làm phu xây dựng rồi bị bệnh và chết. Mấy năm sau, mẹ ông đi bước nữa với một người đàn ông họ Lã nên sau đó cậu bé Sầm Phúc Hướng được gia đình đổi tên là Lã Văn Cầu. 12 tuổi, cha dượng ông qua đời, vậy là một lần nữa, mẹ ông trở thành người phụ nữ góa chồng.
Bước vào tuổi 16, Lã Văn Cầu làm đơn xin đi bộ đội bởi lòng căm thù giặc luôn ngự trị trong đầu. Do sơ suất, người ta ghi nhầm họ “Lã” của ông thành họ “La”. Sau này, ông là một trong những người đầu tiên của trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng.
Ở tuổi ngoài 80, anh hùng La Văn Cầu vẫn còn rất minh mẫn. Ông nói về quá khứ với giọng trầm buồn bởi mỗi khi nhớ lại, hình ảnh những người đồng đội xưa như hiện về. Trong câu chuyện với tôi hôm ấy, ông cứ tiếc nuối vì mình bị thương quá sớm nên không có cơ hội để tham gia nhiều trận đánh hơn nữa. Thế nhưng với tôi, ở tuổi mươi đôi mươi mà có thể tham gia 25 trận đánh không phải là con số bé nhỏ gì.
Trong buổi ghi hình chủ đề “Ăn no đánh thắng” để kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của chương trình Giai điệu tự hào, khi máy quay bắt hình vào Đại tá La Văn Cầu, nhiều người vô cùng ngỡ ngàng bởi trong suy nghĩ của mọi người, La Văn Cầu là một tượng đài và với những vết thương chi chít trên người, ông khó giữ sức khỏe tốt. Thế nhưng khi nhìn ông khỏe mạnh kể chuyện về những năm tháng xưa cũ trên chiến trường Đông Khê với một giọng nói đầy tinh thần thép, khán giả vỡ òa cảm xúc. Không ít bạn trẻ đã không cầm được nước mắt khi được tận mắt nhìn thấy huyền thoại sống một thời của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bộ quân phục, trông ông thật uy nghiêm.
Buổi ghi hình quá dài so với dự kiến nên ông không thể tham gia được đến cuối chương trình bởi ngoài vết thương do bom đạn xưa, ông mới được phát hiện bị bệnh tim và phải đeo máy trợ tim. Ông đùa “may nhờ cái máy này chứ nếu không có khi về với đồng đội rồi”.
Trong một cuộc trò chuyện với tôi ngoài lề, ông có chia sẻ rằng, khi đánh nhau thì hăng hái lắm, bị thương cũng không sợ. Thế nhưng khi trận đánh kết thúc, nhìn cánh tay phải bị tháo đến bả vai, cũng có lúc ông bi quan lắm bởi giàu hai con mắt khó đôi bàn tay. Với người xuất thân nông dân như ông, bàn tay phải khỏe mạnh để đi cày thì nay đã mất nên ông lo lắng làm sao để kiếm sống? Làm sao để lấy vợ và nếu lấy vợ có con rồi thì làm gì để nuôi con…? Trong thời điểm tâm lý hoang mang nhất, ông được gặp Bác Hồ, sự thân tình của Người và lời động viên “thương binh tàn nhưng không phế” giống như liều thuốc quý, trợ giúp tinh thần ông phấn chấn hơn để đối diện với sự khắc nghiệt của đời sống sau này.
Anh hùng giữa đời thường
Bước ra khỏi trận đánh và đối diện với cuộc sống thực, ông tập làm việc bằng tay trái, tập viết và sau đó đăng ký đi học. Sau đó, ông được phân công về công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, rồi làm cán bộ Bảo tàng Quân đội… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến tháng 8/1996 ông về hưu.
Ngoài những vết thương thời chiến để lại, mỗi khi trái gió trở trời lại mưng mủ, ông còn phải đeo máy trợ tim vì mới phát hiện bệnh tim. Dẫu vậy thì với ông, tất cả mọi thứ đều không có gì đáng sợ bởi khi bước qua cái chết, mọi thứ chẳng còn gì phải sợ nữa rồi.
Ngoài ca mổ để đặt máy trợ tim thì hai năm trước ông cũng phải vào viện để mổ dạ dày. Ông kể về ca mổ của mình mà cứ như chuyện của người khác. “Ban đầu các bác sĩ nghi có khối u, sợ là mầm mống ung thư nên cần phải mổ gấp. Ầy dà, đã 80 tuổi rồi, làm phẫu thuật phải có cam kết mà tuổi tôi lớn rồi, bác sĩ làm giấy xong lại sợ. Tôi bảo tôi tự ký được mà. Hồi trận Đông Khê mình còn nhờ bạn chặt tay cho khỏi vướng rồi bỏ mặc cơn đau ôm bộc phá 12kg lao lên đánh nổ tung lô cốt Pháp được cơ mà. Giờ mổ dạ dày ăn thua gì. Lần ấy bác sĩ mổ không thấy khối u, không biết nó chạy đi đâu, thế là đóng ổ bụng lại và bảo không bị ung thư dạ dày, may quá” - nói rồi ông cười cười, vén áo lên để lộ một vết mổ lớn chạy dọc bụng, kiểu mổ phanh. Vết mổ đã lành nhưng mỗi khi trái gió trở trời, các vết mổ lại hành hạ. Cũng sau ca mổ dạ dày ấy, ông bị mất tiếng.
Trong mỗi câu chuyện với vị anh hùng này, lúc nào cũng kèm theo chữ “Ầy dà”- đặc trưng của người Tày – Nùng ở vùng đất Trùng Khánh. Thoảng trong không gian của cuộc trò chuyện tôi có cảm giác như nghe được tiếng nước chảy ào ào của thác Bản Giốc hay tiếng gió rì rào thổi qua rừng dẻ vào vụ, hương thơm ngạt ngào. Dù rất thoải mái trò chuyện nhưng sức khỏe đã yếu, cộng thêm cú đại phẫu thuật cách đây hai năm nên thỉnh thoảng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Ông – người anh hùng trong trái tim của bao thế hệ Việt Nam, là minh chứng hào hùng nhất cho sự hy sinh quên mình vì tổ quốc, là niềm tự hào lớn lao của lớp lớp trẻ phía sau bởi những gì đang hiện hữu trên con người ông chính là “vật chứng” rõ ràng nhất mà chiến tranh đã để lại. Chính những mất mát ấy cho chúng ta hôm nay được sống bình yên.