TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Giấc mơ "lạ" của Vua Minh Mạng

Thứ ba, 03/01/2012 10:52

Cho đến nay, dân gian vẫn lưu truyền giai thoại "lạ" giữa Vua Minh Mạng với nhân vật nổi tiếng đương thời - đại thần Nguyễn Công Trứ.

Sử sách chép, trong thời gian trị vì vương triều từ năm 1820 đến 1841, Hoàng đế Minh Mạng không chỉ là vị vua anh minh nhất của nhà Nguyễn, mà còn để lại rất nhiều giai thoại trong dân gian.

Từ giấc mơ lạ... Sách Kể chuyện các Vua Nguyễn viết: Khoa Kỹ Mão năm 1819, Minh Mạng lúc ấy còn là Đông Cung Thái tử, tên Nguyễn Phúc Đảm, là con trai thứ tư của Vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Thái tử ra hồ Tĩnh Tâm chơi, tinh thần mệt mỏi, bèn nằm trên võng thiu thiu ngủ... Bỗng một người học trò, tự xưng là học giả Lam Sơn đến hầu. Thái tử thấy người học trò, đầu đội mũ cỏ, tay cầm cây gậy nhọn xiên qua mặt trời và tự nhiên mặt trời đùn đùn lên một đám mây đen sì, rồi tối sầm lại. Người học trò giơ gậy lên vẫy thì đám mây đen tan ngay, trời sáng bừng lên.

Vua Minh Mạng. Ảnh tư liệu

Thái tử Đảm về cung, đem chuyện nằm mộng hỏi thị thần. Quan Thái bộc đã đoán: "Người học giả đầu đội nón cỏ là học trò, tên y có chữ Giả, thêm thảo dầu (mũ cỏ), là chữ Trứ. Chữ Trứ có nét phẩy sát qua chữ nhật, tức là cái gậy xiên qua mặt trời. Từ Lam Sơn lại, người ấy tất quê ở Nghệ An, Hà Tỉnh. Đám mây đen đùn lên ở mặt trời là điềm sau này biên thùy có loạn. Người ấy cầm gậy vẫy, mà đám mây đen tan, là điềm người ấy sau này sẽ dẹp tan giặc. Vậy, xin Điện hạ nghiệm xem khoa này có ai tên là Trứ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh thi đỗ không?". ... Đến tìm được hiền tài quốc gia Nghe lời triều thần, đến khi quan trường chấm xong, đệ danh sách vào Bộ Duyệt, thấy tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa, Thái tử Đảm mừng là ứng vào điềm mộng, quốc gia đã tuyển được nhân tài chân chính. Thế là khoa ấy các quan chấm trường đều được thuởng một cấp.

 

Lại nói Nguyễn Công Trứ, tuy là quan văn, nhưng do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn khiến nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp xảy ra, ông buộc phải cầm quân, làm tướng. Theo sử sách, vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826), Phan Bá Vành nổi dậy tại vùng châu thổ sông Hồng (thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và Nam Ðịnh ngày nay). Bá Vành lập mưu, đưa quân triều đình rơi vào ổ phục kích khiến mất sạch khí giới thuyền bè, quan quân các trấn thuộc Bắc thành phải co rụt lại. Tiếp đến, thừa thắng xông lên, quân của Bá Vành chiếm thế thượng phong tại cửa sông Văn Úc (Hải Phòng ngày nay), chém viên Thần sách thập cơ Hùng Cự, bắt viên Ðốc phủ Tiên Hưng nhưng không thèm giết, mà làm nhục cạo trọc tóc, thả cho về...

Nguyễn Công Trứ. Ảnh tư liệu

Lúc đó, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai bắt được những kẻ đầu đảng: Bá Vành, tên Hạnh, tên Bàng thì được thưởng mỗi tên là 300 lượng. Qua gần một năm, quan quân tại Bắc thành không dẹp được. Mùa xuân năm Ðinh Hợi (1827), Vua Minh Mệnh bèn sai Binh tào Thị lang Nguyễn Công Trứ làm tham mưu, mang đạo quân Long phi Hổ dược từ kinh đô ra Bắc. Ðoàn quân gây sức ép, khiến Phan Bá Vành phải cho quân rút về Trà Lũ xây luỹ để cố thủ. Quân triều đình vây luỹ, rồi Nguyễn Công Trứ dựa vào tính kiêu ngạo của Phan Bá Vành, lập mưu đánh tan đại quân phản loạn trong một ngày. Sách Đại Nam thực lục ghi: "Vào ngày 26 tháng 2, Vành dạo hồ khao quân, Trứ sai ca kỹ vài người mở tiệcca hát. Rồi mật ước, quan quân trữ sẵn hơn 500 sọt đựng cát, khi có hoả hiệu, quan quân mang cát lấp đường thuỷ rồi vây luỹ. Vành cho mở rạch thông nước, nhưng nước cạn thuyền không hoạt động được. Quan quân giáp công, bắt được tên Ðán, tên Liễn, tên Thê, tên Thự, hơn 10 người, chém đầu mấy trăm, số nhảy xuống nước chết hàng ngàn. Vành bị đạn bắn trúng đùi, bị bắt; tên Hạnh, tên Hương theo bến cảng trốn ra biển. Vành cùng với Liễn bị giam giải đến Bắc Thành, Vành cắn lưỡi mà chết, Ðán, Liễn bị xử lăng trì….”.   Nguyễn Công Trứ tổ chức đánh đâu thắng đó: năm 1833, dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân; năm 1835, dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc... Tuy thế, bên cạnh những chiến công hiển hách, sử sách còn mãi khắc ghi công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong việc khai phá bãi biển lập nên 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), cùng với cách bố trí hệ thống thủy lợi rất khoa học, cách bố trí dân cư rất hợp lý. Dân ở hai huyện trên đều đã lập đền thờ Nguyễn Công Trứ để hàng năm hương khói tri ân người đã khai sinh ra mảnh đất “núi vàng, biển bạc” ở đồng bằng Bắc bộ. Vua Minh Mạng: Nguyễn Công Trứ giỏi những vẫn là “thằng cuồng” Điều đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ, dù xét ông ở tư cách nào, người ta cũng bắt gặp một điểm chung nhất - thái độ ngông ngạo với cuộc đời. Sách Quốc sử di biên viết: “Trứ vốn tính hào phóng, thường đắp phương trượng tam sơn sau công đường, trên núi làm chùa, đào hồ thả sen, bắc cầu trên hồ, nuôi 25 đồng nữ sớm tối cúng Phật.... ... Trước kia, Trứ đóng đồn ở Vân Trung, bắt được 3 trai, 7 gái người Thổ nuôi làm gia thuộc, cho hát xướng, ngày đêm cùng tân khách và bè bạn đánh tổ tôm, hút thuốc, nghe truyện Kim Vân Kiều, tự xưng là Lão Trang. Thường ngày, họp nhau uống rượu, làm thơ ca quốc âm, có ý coi rẻ lợi danh. Việc này lọt đến tai Vua, Minh Mạng cười nói rằng: Thói cũ thằng cuồng vẫn hào phóng như thế đấy!”. Ngoài ra, xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ, các nhà nghiên cứu hiện nay đều cho rằng: Ngay từ thuở còn hàn vi, Nguyễn Công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Vậy nhưng, cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp…

Đất Việt