TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Giải mã nghề 'cái bang' trong dân gian

Thứ sáu, 13/01/2012 10:26

Danh từ "cái bang" vốn được biết đến qua những bộ phim cổ trang của Trung Quốc, nhưng thực chất "cái bang" là một hình tượng văn hóa xã hội tồn tại lâu đời trong dòng chảy lịch sử.

"Cái bang" vốn là một hình tượng đậm chất kiếm hiệp cổ trang.

Khởi nguồn của "cái bang" là một nhóm nam nhi nặc danh. Họ tiến hành xin xỏ chủ yếu là hành vi cá nhân, và ngày nay đã phát triển bùng phát thành các băng nhóm. Từ một nhóm nặc danh tới băng nhóm cái bang là cả một quá trình diễn biến có quan hệ mật thiết tới văn hóa, xã hội, lịch sử. Đồng thời, sự hình thành của "cái bang" còn phản ánh thân phận từ vô gia cư, không nghề nghiệp tiến hóa trở thành một nghề trong xã hội.

Từ quá trình lịch sử cụ thể cho thấy, "cái bang" được hình thành từ thời kỳ Lưỡng Tống, chủ yếu là vào đời nhà Tống, khi kinh tế thương phẩm khá phát triển, xuất hiện những thành thị kinh tế thịnh vượng, đời sống sinh hoạt giàu có, sung túc. Bên cạnh đó, dưới tác động của những yếu tố như giao lưu giữa các nhóm người, quần thể trong xã hội cũng đã góp phần tạo nên bối cảnh cho "cái bang" trở thành một quần thể xã hội.

Cái bang từng được ghi chép trong những tài liệu lịch sử Trung Quốc.

Một nghiên cứu lịch sử xã hội gần đây cho thấy, thời kỳ Lưỡng Tống là một thời kỳ chuyển hình quan trọng trong sự phát triển của xã hội phong kiến Trung Quốc. Hoạt động của "cái bang" đã được hình thành trong chính thời kỳ phồn thịnh này. Bang chủ, thủ lĩnh của "cái bang" cũng từ đây mà xuất hiện. Điều này đã được ghi chép lại trong sử sách, điển hình là trong cuốn Thiên cổ kỳ quan: "Những năm đầu thời Tống, tại thành phố Hàng Châu có một vị bang chủ cái bang kế tục đời thứ 7 tên là Kim lão đại. Ông cai quản cái bang trong toàn kim thành Hàng Châu, thu lệ phí và lo liệu cho cuộc sống của họ. Ông là người có quyền lực trong giới cái bang và được tôn sùng, tuy không giàu có nhất vùng nhưng cũng được xếp vào hàng phú gia". Điều này chứng minh rằng, cái bang đã xuất hiện từ rất lâu đời và có địa vị nhất định trong xã hội xưa.

Cái bang thật sự phồn thịnh trong những năm thuộc đời nhà Thanh.

Một phát hiện lịch sử quan trọng còn bổ sung thêm, cái bang tuy hình thành từ thời kỳ Lưỡng Tống nhưng thực sự phát triển vào những thời kỳ sau này, như đời nhà Nguyên, nhà Minh và đỉnh cao hưng thịnh là vào đời nhà Thanh. Do đặc trưng của nghề này nên ngay từ xa xưa, cái bang phần lớn đều tập trung tại những thành phố lớn, những trung tâm thành thị đông đúc. Tuy họ không hình thành những tổ chức mang tính toàn quốc, nhưng đại đa số đều thể hiện rõ đặc tính địa phương.

Cái bang là hình thành tổ chức xã hội của những người ăn xin, đây cũng chính là thành viên chủ yếu của cái bang. Cái bang có thể phân thành 3 loại. Thứ nhất là tổ chức tự phát trong dân gian, thành viên chủ yếu là những người ăn xin phổ thông. Loại này có thể gọi đơn giản là “cái bang điển hình” hay “loại hình tổ chức cái bang dân gian”.

Thứ hai là do quan địa phương đứng ra tổ chức hoặc gián tiếp gia nhập tổ chức, cung cấp kinh phí tương ứng hoặc cho họ một số quyền lợi nào đó. Thành viên của tổ chức này chủ yếu là những người ăn xin tàn tật và được gọi là “loại hình cái bang nửa quan nửa dân”. Loại hình cái bang này xuất hiện trong xã hội xưa với những tên gọi như: “Phường dưỡng bệnh”, “Phúc điền viện”, “Dưỡng tế viện”…

Tổ chức cái bang thứ ba chủ yếu hình thành vào đời Thanh, thành viên của nó đa số là ăn xin nhưng không hành nghề ăn xin chuyên nghiệp, mà là những người tay ngang như nông dân, tiểu thủ công, dân nghèo thành thị… trong lúc nhàn rỗi đi ăn xin kiếm thêm thu nhập. Tổ chức của họ hoạt động khá quy củ và mang đặc tính chính trị rõ ràng, hành vi ăn xin không chỉ giới hạn ở nhu cầu mưu sinh và còn thể hiện rõ nhu cầu tố tụng chính trị, bởi vậy thường xảy ra xung đột với quan địa phương. Tổ chức cái bang thứ ba này được gọi là “loại hình cái bang đoàn thể”.

Cái bang giờ đã là một nghề trong xã hội hiện đại, thậm chí có những cái bang còn  "danh nổi như cồn" trong thế giới mạng.

Cho đến xã hội hiện đại ngày nay, cái bang đã thực sự trở thành một nghề, tuy địa vị của nó trong xã hội chưa được công khai thừa nhận, nhưng nó đã được mặc định trở thành một bộ phận trong cơ cấu dân cư, nghề nghiệp. Thậm chí, tổ chức cái bang đã và đang âm thầm lớn mạnh với những tồn tại biến tướng ảnh hưởng tới xã hội. Danh từ cái bang giờ lại mang nghĩa trang trọng hơn so với những thuật ngữ bình dân sau này như ăn xin, ăn mày, hành khất…

Infonet