Sau thời kỳ hưng thịnh Khang - Càn, triều đại nhà Thanh dần suy yếu, chính sách bế quan tỏa cảng khiến quốc khố ngày càng thâm hụt. Để vực dậy đất nước, Đạo Quang đế - cháu nội Càn Long sau khi lên ngôi đã lập tức thi hành chính sách tiết kiệm khiến từ hậu cung phi tầng đến quan lại trong triều đều phải "kêu trời".
Ngay từ khi lên ngôi, Đạo Quang đã ban hành đạo luật tiết kiệm gồm 3 điều.
Thứ nhất, trọng nghĩa khinh lợi, không tích tư tài, trước là vì quốc gia, sau là vì thiên hạ, vì bách tính.
Thứ hai là đình chỉ việc các tỉnh tiến cống, bởi vị vua này cho rằng các tỉnh tiến cống đều là những đặc sản như hoa quả, rau dưa, lá trà, dược liệu… Những thứ này đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, bỏ đi phần nào có thể giảm bớt phần đó gánh nặng cho dân. Hơn nữa, đường sá xa xôi, việc vận chuyển có thể gây lãng phí nhân công, tài lực.
Thứ ba, Đạo Quang không cho xây thêm các cung điện, lầu các. Những kẻ đề cử ý kiến xây thêm cung điện sẽ trở thành tội nhân, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Biết rằng, tiết kiệm là một việc tốt nhưng dưới chính sách cai trị của Đạo Quang đế, tiết kiệm đã trở thành keo kiệt bủn xỉn. Mặc dù ngân khố trở nên dồi dào kể từ khi vua cha tịch thu gia sản của gian thần Hòa Khôn nhưng Đạo Quang luôn miệng kêu khánh kiệt để bắt quần thần tiết kiệm. Bản thân nhà vua toàn mặc quần áo cũ rách, khiến bá quan cũng chẳng dám mặc lành, áo đang mới cũng phải cố đắp thêm vài mụn vá. Vì thế, đứng trên điện nhìn xuống sân chầu, thấy triều thần văn võ chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chực xin cháo thí, mà Hoàng đế chính là bang chủ cái bang.
Không chỉ riêng quan lại mà bản thân Đạo Quang cũng triệt để tiết kiệm hết mức có thể. Về cơ bản Đạo Quang Hoàng đế hầu như không mặc đồ mới, quần áo trên người đều là quần áo cũ đã được vá đi vá lại nhiều lần. Cả đời Đạo Quang đế chỉ có duy nhất một bộ quần áo không chắp vá đó chính là long bào.
Mãn Thanh ngoại sử ghi chép: "Đạo Quang Hoàng đế “y phi tam hoán bất dịch”. Thượng tuần, trung tuần, hạ tuần của mỗi tháng lần lượt sẽ gọi là thượng hoán, trung hoán, hạ hoán, hợp lại làm một tháng. Đạo Quang “một hoán” mới đổi một bộ quần áo".
Phi tần trong hậu cung cũng phải mặc đồ cũ y như thế. Sau khi lên ngôi, Đạo Quang đế liền ngay lập tức cắt giảm chi phí phấn son của các phi tần, kết quả là mỗi năm liền có thể tiết kiệm được khoảng trăm vạn lạng bạc.
Cắt hết các khoản vẫn cảm thấy chưa đủ tiết kiệm, Đạo Quang cắt xén luôn cả bữa ăn của mình. Bữa ăn của hoàng đế cũng vô cùng đơn giản, không cao lương mỹ vị chủ yếu là rau dưa. Hầu hết bữa tối của hoàng đế và hoàng hậu đều là mỗi người một cái bánh nướng kèm với một ấm trà nóng hoặc nước ấm. Để tiết kiệm tiền mua dầu thắp đèn, cả hoàng đế lẫn hoàng hậu đều lên giường đi ngủ ngay sau khi ăn tối xong.
Ông còn ban hành quy định: trong cung ngoại trừ Thái hậu, Hoàng đế và Hoàng hậu, những người khác trong Hoàng thất nếu không phải dịp lễ tết thì không được ăn thịt. Tiệc mừng sinh thần của Hoàng đế, sinh thần của Hoàng hậu hay những ngày lễ lớn trong năm như Đêm Giao thừa, ngày đầu năm mới, tết Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu), Đông chí… hết thảy đều bị hủy bỏ.
Một lần tổ chức sinh nhật cho Hoàng hậu, trong bữa tiệc mỗi người chỉ được một bát mì không thịt, đậu phụ cũng chẳng có. Sau đó, Hoàng đế đã “đặc biệt” sai ngự thiện phòng làm hai chiếc thủ lợn để chiêu đãi mọi người.
Đạo Quang đế thường nhiều lần nói rằng bách tính vẫn chưa giàu có nên bản thân không thể tận hưởng vinh hoa phú quý. Thế nhưng chính sách tiết kiệm của ông thật sự không giúp ích được gì, triều đình vẫn hủ bại, quan lại vẫn tham ô, dân chúng khắp nơi khởi nghĩa. Đến cuối cùng, Đạo Quang đế không những không được ca ngợi mà còn mang danh vị vua bủn xỉn nhất lịch sử Thanh triều.