Một lần đi đưa tang về, cứ ám ảnh trước cảnh vất vả, ái ngại của người thân trong việc di quan khi xác chết đã bắt đầu thối rữa, chàng công nhân kỹ thuât Nguyễn Viết Duy ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cũng như ông Y Nhung đã mày mò “nghiên cứu” ra những chiếc quan tài ướp xác. Quan tài này có thể lưu giữ xác được cả chục ngày, có khi còn tới gần nửa tháng…
Chuyện kể của một người làm nghề “ướp xác”
Mấy ngày không mưa, đường về thị trấn Cam Đức hầm hập nóng. Chúng tôi gặp Nguyễn Viết Duy đúng lúc anh đang vội vã đi hướng dẫn ướp một cái xác tận ngoài Phan Ranh (Ninh Thuận).
Kể về duyên phận gắn với cái nghề này, anh Duy tâm sự: “Năm 2008, tôi bắt đầu làm nghề chế tác quan tài ướp xác. Cái xác đầu tiên được đưa vào thử nghiệm đó là một ông chủ tịch xã, con cháu ở xa nên muốn bảo quản xác để đợi họ về rồi mới đưa tang. Lần đó tôi cứ nơm nớp sợ không biết chiếc quan tài của mình có phát huy hiệu quả không. Nhưng đến ngày thứ 5 vẫn không thấy xá bốc mùi, vậy là tôi biết mình đã thành công”.
Sau đó, anh Duy tiếp tục thử nghiệm cho 4 người nữa và đều giữ xác tươi được hàng tuần lễ. Trong những lần đầu đó, anh Duy đều cho mượn quan tài miễn phí chứ không lấy tiền.
Anh Duy tâm sự rằng: “Có ngày, tôi thấy có hàng chục người chết vì tai nạn giao thông, cái chết đôi khi đến thật bất ngờ, nhất là những người ở xa muốn nhìn người quá cố lần cuối cũng thật khó nên muốn lưu giữ cái xác là điều nên làm”. Những chiếc quan tài của anh Duy đều được làm bằng inox hoặc bằng nhôm gắn khung sắt, xung quanh được trang trí màu sẫm. Quan tài gắn 1 máy làm lạnh, 1 ổn áp, phía dưới là hệ thống ống dẫn của hệ thống làm lạnh, phía trên được làm bằng kính chịu lực.
Nguyên lý hoạt động cũng đơn giản, không có gì phức tạp, quan tài ướp xác như một chiếc tủ làm lạnh, khi ướp xác sẽ phun hooc môn bảo quản lên xác và hạ nhiệt độ trong quan tài được kéo xuống 0 độ C. Quan tài sau khi sử dụng được phun thuốc và thắp đèn tia cực tím để khử trùng nên xác sẽ được bảo quản mà không rỉ nước.
Trong một lần đi ướp xác ở Nha Trang chiếc quan tài bỗng dưng trở chứng, nhiệt độ tăng lên đến 8 độ C, xác ướp đang màu hồng chuyển sang tím ngắt, nhà thuê quan tài tưởng anh Duy lừa đảo đã tính báo Công an nhưng may mắn, anh đã khắc phục kịp thời.
“Công việc chúng tôi đang làm đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, nhiều lúc gia đình người ta ở xa thành phố nhưng yêu cầu mang quan tài đến ngay, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi nạn kẹt xe, tắc đường.
Nhiều lần, chúng tôi bị gia chủ chửi mắng, thậm chí suýt đánh vì trước đó, thầy bói nói đến giờ này là xác phải được đưa vào quan tài để ướp, họ báo cho chúng tôi và chúng tôi đã đồng ý. Tuy nhiên do tắc đường, chúng tôi đã đến muộn so với thời gian quy định. Rồi cũng không ít lần, khi chúng tôi chạy đến nơi thuê quan tài ướp xác thì nhận được điện báo là con cháu trong nhà đổi ý, không cần ướp nữa, thế là chúng tôi đành phải đưa quan tài quay về”.
Muốn người chết được thanh thản
Trong những “nghệ nhân” làm quan tài ướp xác thì nhiều người biết đến ông Y Nhung lại cho rằng, do nhiều sống ở huyện miền núi Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa và một số địa điểm ở Tây Nguyên, ông thấy rằng người chết dường như rất lâu mới rũ bỏ được những vương vấn bụi trần. Từ suy nghĩ đó, ông đã nghiên cứu ra cách đóng quan tài bằng gỗ nhưng có khả năng giữ xác tươi nguyên trong 6 ngày.
Theo ông Nhung, sau 6 ngày thì xác chết mới hoàn toàn cắt đứt hết vương vấn ở trần gian? Và đặc biệt, khi chôn người chết bằng chiếc quan tài gỗ do ông chế tác thì xung quanh phải chôn theo một chiếc tượng gỗ để khi linh hồn buồn bã sẽ làm bạn với tượng gỗ.
Theo chân ông, chúng tôi vượt sông Tô Hạp tìm đến nghĩa địa Khánh Sơn nơi đã có 8 người dùng quan tài gỗ ướp xác của ông Y Nhung để chôn. Thật lạ, những ngôi mộ này đều được trang trí rất nhiều vật dụng. Người giàu thì trang trí các cặp sư tử, búp sen đá, người nghèo cũng là những con vật gắn liền với cuộc sống nương rẫy.
Nhiều người vùng cao còn quan niệm, người chết cũng cần có củi lửa để sưởi ấm và trong những thứ vật phẩm cúng cơm hàng ngày trên mộ nhất thiết phải có củi, lửa và nước. Phía trước những ngôi mộ luôn có một giếng nước tượng trưng với gáo dừa để bên cạnh. Thế giới người chết được công nhận hiện hữu từ ngàn đời nay.
Ông Nhung kể rằng: “Rất nhiều người miền núi đến mua quan tài của tôi vì tính thuận tiện, sau 6 ngày lưu giữ thì để nguyên trong quan tài chôn luôn. Người miền núi trọng linh hồn người chết nên ngày càng đông người đặt mua quan tài hơn”.
Cũng theo ông Nhung, quan tài của ông được làm bằng một loại gỗ đặc biệt mà chỉ có ông mới biết. Khi làm quan tài xong, ông sẽ xức vào đó một loại nước chiết từ nhiều loại cây rừng nên xác sẽ không thối rữa. Bí quyết này, ông cũng chỉ để truyền lại cho người thân. Đặc biệt, ông Nhung còn dẫn chúng tôi đến nhà ông Trần Nam, do sức khỏe yếu nên ông Nam đã đặt sẵn ông Nhung làm một bộ quan tài giữ xác để khi chết con cháu sẽ về đầy đủ để nhìn mặt ông. Đồng thời, ông còn cho xây sẵn một chiếc mộ, giống như mộ hợp chất ẩn sâu trong nghĩa địa Khánh Sơn.
Sau này khi tạ thế, con cháu sẽ đưa ông vào quan tài ướp xác của ông Nhung làm ra và đặt vào cái bể này để tăng thêm thời gian giữ xác lâu hơn. Sau khi quan tài đưa xuống sẽ trát kín lại, tạo sự yếm khí. Nếu bể xây kín lại, không khí không vào được thì xác ông có thể sẽ được bảo quản rất lâu, như thế hồn người chết cũng sẽ linh hơn. Từ ngày tìm ra bí quyết làm quan tài gỗ ướp xác được 6 ngày, ông Nhung liên tục bận rộn với rất nhiều đơn đặt hàng.
Phải có cái tâm
Ông Y Nhung cho biết: “Quan tài của tôi đặc biệt nên giá bán cao gấp 3 lần quan tài thường. Hiện trung bình một chiếc quan tài lưu giữ xác giá khoảng 12 triệu đồng nhưng chi phí cho các loại gỗ đặc biệt, các loại sơn cũng đã mất 5 triệu đồng. Chất tinh dầu bảo quản xác, tôi phải mất mấy ngày mới chiết xuất đủ để ướp cho một cái xác nên cũng chẳng lời được là bao. Hơn nữa, đối với nhiều trường hợp gia đình nghèo, tôi vẫn giảm giá chứ không cứng nhắc. Trong lúc làm quan tài, tôi làm kỹ càng lắm chứ tuyệt đối không làm ẩu. Đó là cái tâm của những người làm nghề”.
Cũng theo ông Nhung, những người làm cái nghề này nếu không có cái tâm trong sáng thì sẽ bị quả báo. Nghĩa là gia đình đặt làm bao nhiêu gỗ, dày bao nhiêu, rộng bao nhiêu thì phải làm y như vậy.
Dù rất tự hào về bí quyết riêng của mình nhưng ông Y Nhung vẫn có điều phiền muộn: “Dù là kinh doanh nhưng việc làm của chúng tôi rất có ý nghĩa cho xã hội, song nhiều người vẫn kỳ thị và còn cho rằng kiếm ăn từ sự chết chóc. Bởi vậy với người lạ, tôi không bao giờ kể là mình làm nghề này vì cũng đã ít lần, tôi đọc được suy nghĩ của họ qua ánh mắt: ông này nhìn vậy mà chuyên làm nghề nhận ướp xác, ghê quá”.
Với Nguyễn Viết Duy cũng vậy, quan tài của anh không dùng để chôn luôn như của ông Nhung, nhưng anh vẫn có nguyên tắc riêng trong mỗi lần thuê chứ không phải nhất thiết có tiền là được. Có lần một người đến kể với anh rằng gia đình nghèo lắm, con cháu đều đi xa nên khi ông nội chết rất muốn được giữ xác trong 5 ngày, thế là anh Duy đã cho mượn quan tài ướp xác miễn phí.
Có một gia đình ở tận Phú Yên có con gái chết nghe chừng bị oan, muốn giữ xác tươi nguyên để chờ kiểm chứng cớ yêu cầu pháp y kiểm định nên anh Duy cũng đã cho mượn quan tài miễn phí. Đặc biệt, những người không may chết dưới 15 tuổi, anh Duy đều không lấy tiền thuê quan tài. Hiện tại cơ sở của anh Duy có 7 chiếc quan tài ướp xác, 4 nhân viên kỹ thuật. Khách hàng chủ yếu ở Khánh Hòa, Phan Rang (Ninh Thuận), Tuy Hòa (Phú Yên), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo ông Nguyễn Trí Tuân – lãnh đạo thị trấn Cam Đức thì việc làm quan tài ướp xác như anh Duy hay ông Y Nhung không có gì phải cấm. Tuy nhiên xã vẫn thường xuyên nhắc nhở cần phải trung thực, không nên ép giá hay hét giá trên trời khi người khác cần. Nghề này còn mang cả yếu tố tâm linh nên phải làm sao cho hài hòa.