Đến tháng 2-1996, bà Marie Cassidy thuộc trường ĐH Glasgow phụ trách giám sát quá trình đưa di cốt của nghi can John M. ra khỏi mộ và lấy mẫu DNA để so sánh với những bằng chứng trên thi thể của nạn nhân Helen. Trước đó, John M. đã tự tử vào năm 1980, song bị liệt vào danh sách nghi can hàng đầu trong ba vụ án mạng bí ẩn ở Glasgow trước đó cả hai thập kỉ. Bà Cassidy khẳng định quá trình xét nghiệm sẽ "xác định được rằng liệu John M. có phải là Bible John hay không".
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi đó danh tính thật sự của John M. đã bị giới truyền thông Scotland loan tải, đặt gia đình đối tượng này vào một tình thế khó chịu trước khi quá trình xét nghiệm hoàn tất. Rất nhiều người từng có quan hệ với John M. trong quá khứ đã trả lời phỏng vấn về việc liệu họ có nghĩ John M. chính là gã sát nhân bí ẩn Bible John hay không. Không chỉ có vậy, cuộc đời của nghi can này đã bị giới truyền thông soi mói và mọi chi tiết về John M. đều bị đưa lên mặt báo.
Và kết quả xét nghiệm DNA lại không được công bố nhanh chóng như cam kết của bà Cassidy và cảnh sát Glasgow. Đến ngày 5-7-1996, tờ Daily Record đưa tin "giới chức cảnh sát Glasgow đã thừa nhận kết quả xét nghiệm DNA đã không xác định được John M. có liên quan đến mẫu tinh trùng trên quần áo của Helen cũng như vết răng trên cơ thể nạn nhân". Ngày hôm sau, tờ Daily Mail dẫn một tuyên bố của chị gái nạn nhân, Helen, khẳng định rằng cô biết John M. không phải là Bible John và nhiều lần thuyết phục cảnh sát rằng họ nghi ngờ nhầm đối tượng. Rốt cuộc, chính phủ Scotland đã phải xin lỗi gia đình John M. và di cốt của người này đã đuợc lặng lẽ chôn cất trở lại. Trong khi đó, cuộc điều tra tiếp tục chẳng đi đến đâu trong 8 năm sau đó. Tháng 12-2004, cuộc truy tìm Bible John lại một lần nữa trở lại trang nhất các tờ báo tại Scotland, khi tờ Sunday Mail đưa tin mẫu xét nghiệm DNA được lấy từ một đối tượng có liên quan đến hiện trường một vụ án ở Glasgow ở thời điểm đó trùng khớp tới 80% với mẫu DNA lấy trên quần áo của nạn nhân Helen. Tuy nhiên, cảnh sát không công bố danh tính của nghi can này, không muốn lặp lại sai lầm của giới truyền thông trong trường hợp của John M. trước đó nhiều năm. Mặc dù vậy, cuộc điều tra kẻ sát nhân lịch lãm đầy bí ẩn của cảnh sát Scotland trong năm 2004 giờ đây đặt trọng tâm vào những thân nhân là nam giới của đối tượng trên. Đến tháng 5-2005, tờ New York Daily dẫn lời người phát ngôn cảnh sát tuyên bố đầy tự tin rằng "khoa học sẽ giải quyết những vụ án mạng này". Tháng 9-2010, người phụ nữ duy nhất từng đối mặt với Bible John là Jean McLachlan đã qua đời ở tuổi 74, qua đó chấm dứt luôn quá trình truy đuổi kẻ giết người bí ẩn. Cho đến lúc này, mặc dù kết quả xét nghiệm DNA đã từng giúp loại bỏ nghi can John M., song giờ đây rất khó để tiến hành thêm các xét nghiệm tương tự bởi mẫu DNA trên quần áo nạn nhân Helen đã ở trong tình trạng tồi tệ bởi quá trình lưu trữ khá yếu kém. Hiện tại, vẫn có rất nhiều giả thiết đặt ra về trường hợp của Bible John. Nhiều người cho rằng ba vụ án mạng tại Glasgow cuối thập niên 1960 không phải do một hung thủ gây ra. Khoảng cách 18 tháng giữa vụ đầu tiên và vụ thứ hai là dài bất thường đối với một kẻ giết người hàng loạt. Rất có thể hai vụ sau chỉ là bắt chước và cảnh sát đã có một kết luận vội vàng. Rốt cuộc, hơn 40 năm đã trôi qua và Bible John là ai vẫn là một câu hỏi làm đau đầu các nhà điều tra Scotland.