Giận vợ... bỏ trống ngôi Hoàng hậu
Vua Minh Mạng chỉ thọ có 50 tuổi, nhưng có 43 bà vợ, 142 người con, 78 trai, 64 gái. Các bà phần lớn là người Nam vì các công thần hầu hết là người Nam, đã dâng con lên cho nhà vua. Cụ thể, bà Hồ Thị Hoa là con của Phước quốc công Hồ Văn Bôi, người Biên Hòa; bà Phạm Thị Hằng tức Từ Dũ là con của Lễ bộ Thượng thư, Cần Chánh điện đại học sĩ, người Gò Công; bà Đinh Thị Hạnh cũng người Gò Công; bà Lệnh phi là con của Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhân; bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương là người Vĩnh Long...
Hai vương phi sủng ái nhất là bà Hiền phi Ngô Thị Chính, con của Chưởng Cơ Ngô Văn Sở và bà Lệ tân Nguyễn Gia Thị, con của Phó Vệ Úy Nguyễn Gia Quý.
Dưới chế độ nhà Nguyễn, cũng như các quan có cửu phẩm, thì các bà cũng có cửu giai: nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Từ tiếp dư trở lên thì được gọi bằng bà, từ quý nhân trở xuống thì chỉ gọi bằng chị. Dưới tài nhân là tài nhân vị nhập giai, nghĩa là những người đang chờ đợi được tuyển làm tài nhân, xuống dưới nữa là cung nga thế nữ, tức là kẻ hầu người hạ, được gọi chung một tiếng là cung nhân.
Người đứng đầu các bà phi là nhất giai phi, tức Hoàng quí phi, là vợ chính của vua. Như vậy, rõ là chốn hậu cung không hề có ngôi vị Hoàng hậu và thực hư chuyện này thế nào? Từ đời Vua Minh Mạng về sau này, triều Nguyễn đặt ra quy tắc "tứ bất", gồm: Vua không lập Hoàng hậu khi đương tại vị, không phong chức Tể tướng, không lập Thái tử (có tài liệu chép là không ban tước Vương cho người trong hoàng tộc đang còn sống) và thi cử không lấy đỗ Trạng nguyên. Tuy nhiên, lục sử để tìm hiểu điều này thì không hề văn bản nào quy định thế.
Riêng về trường hợp không lập Hoàng hậu, không phải vì Vua Minh Mạng lo ngại thế lực bên họ hàng của Hoàng hậu can thiệp vào chính sự, lũng loạn triều chính, mà lý do là vì vua giận vợ. Sách Quốc sử di biên ghi: “Chính cung húy là Kiều, con gái Doanh tượng quan… Đệ nhị cung tên húy là Hinh, con gái Lê Tông Chất… Có lần Vua hơi se mình (không khỏe trong người), Chính cung cùng đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc. Nhị cung nói rằng: Nếu phải tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được. Đến lúc Vua khỏi, Chính cung đem câu nói ấy tâu với vua. Vua giận lắm, cho nên ngôi Hoàng hậu vẫn để trống, bàn mãi không quyết định được”.
Thấy chị em mặc váy... trông chướng mắt
Vào năm 1822, nhân dịp ra Hà thành nhận lễ thọ phong của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc), vua Minh Mạng khó chịu khi thấy phụ nữ miền Bắc mặc quần một ống, trông chướng mắt. Thế là nhà vua ra lệnh cấm các cô, các bà Bắc hà không được mặc loại quần này nữa.
Để thực hiện nghiêm chỉ dụ của vua, quan quân địa phương đã đốc thúc lính tráng bắt ép phụ nữ bỏ quần một ống. Các ngả đường, chợ búa đều có lính canh phòng quan sát kỹ... Ai đi chợ còn mặc váy thì bị đuổi về. Người dân Hà thành đã không chịu nổi cảnh oái oăm đó, nên phản kháng một cách hài hước, bằng bài ca dao:
Tháng sáu có chiếu vua ra, Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông; Đi thì phải mượn quần chồng sao đang. Có quần ra đứng bán hàng; Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Tuy có những hành động "áp bức" phụ nữ vì lý do này kia, nhưng theo sách Kể chuyện các Vua Nguyễn, trong đời sống thường nhật, có lẽ Hoàng đế Minh Mạng là người được hưởng nhiều vui thú nhất trong các vua Nguyễn ở chốn phòng the. Số phi tần trong cung vua chưa rõ bao nhiêu, chắc phải đến năm, sáu trăm người. Thông thường mỗi đêm, nhà vua chấm cho thái giám gọi năm bà vào hầu, mỗi canh một bà. Trong năm bà ấy thì có khi đã có ba bà thụ thai...