TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Khi mộ Kỷ Hiểu Lam được khai quật, phát hiện 7 hài cốt 'mỹ nhân', giật mình với sự thật kinh hoàng khác xa phim ảnh

Thứ ba, 24/12/2024 15:19

Kỷ Hiểu Lam đời thực không chỉ có đường quan lộ gập ghềnh khác hẳn trong phim, mà đời sống tình cảm của ông cũng làm công chúng bất ngờ.

Trong thời đại phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, nhiều nhân vật lịch sử đã được tái hiện trên màn ảnh, đưa những câu chuyện của họ đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, những tác phẩm này thường chứa đựng yếu tố hư cấu, không thể hoàn toàn coi là tài liệu lịch sử chính xác. Một trong những nhân vật nổi bật chính là Kỷ Hiểu Lam.

Trong phim ảnh, ông được xây dựng với hình ảnh một người chính trực, thông minh và thường xuyên tranh luận với tham quan Hòa Thân. Nhưng khi mộ phần của ông được khai quật, trước sự xuất hiện của 7 hài cốt phụ nữ, sự thật về cuộc đời ông đã khiến nhiều người giật mình.

Hình ảnh Kỷ Hiểu Lam được xây dựng trên phim ảnh

Kỷ Hiểu Lam trên phim ảnh

Hình tượng Kỷ Hiểu Lam trên màn ảnh thường được khắc họa như một nhân vật chính diện. Ông được biết đến với phong thái ung dung, khôi hài và khả năng ứng đối sắc sảo. Trong phim, Kỷ Hiểu Lam thường xuyên đối đầu Hòa Thân, đứng về phía lẽ phải và dân chúng, trở thành hình mẫu "quan thanh liêm" lý tưởng.

Không chỉ vậy, những câu chuyện tình cảm xoay quanh ông cũng được xây dựng một cách lãng mạn. Dù có nhiều mỹ nhân vây quanh, ông vẫn giữ lòng chung thủy với nhân vật Tiểu Nguyệt. Điều này càng khiến hình ảnh ông trở nên cao quý, được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, cuộc đời thật của Kỷ Hiểu Lam trong lịch sử không hoàn toàn như vậy.

Chân dung Kỷ Hiểu Lam ngoài đời thực

Kỷ Hiểu Lam sinh vào thời Ung Chính, xuất thân từ một gia đình có học vấn cao và được giáo dục bài bản từ nhỏ. Ông sớm bộc lộ tài năng và được gọi là thần đồng khi đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi đồng tử. Năm 19 tuổi, ông đỗ đầu trong kỳ thi Hương, trở thành niềm tự hào của gia tộc.

Tuy nhiên, thành công sớm khiến Kỷ Hiểu Lam có phần tự mãn. Ở kỳ thi năm sau, ông chỉ đạt hạng tư. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, ông tiếp tục giành hạng nhất trong kỳ thi Hương tiếp theo. Dẫu vậy, khi thi Hội để bước vào con đường làm quan, ông thất bại và rơi vào khủng hoảng. Bi kịch tiếp nối khi mẹ ông qua đời, buộc ông phải ở nhà để chịu tang ba năm theo phong tục.

Chỉ đến năm 30 tuổi, Kỷ Hiểu Lam mới trở lại trường thi và đỗ tiến sĩ. Ông được bổ nhiệm làm quan tại Hàn Lâm Viện, chuyên về các công việc học thuật. Tuy nhiên, do không được trọng dụng và bị ảnh hưởng bởi người thân, ông từng bị lưu đày đến vùng biên giới. Mãi đến năm 1771, nhờ tham gia biên soạn Tứ Khố Toàn Thư, ông mới được triều đình triệu hồi về kinh thành.

Phải mất 16 năm, ông mới hoàn thành bộ sách đồ sộ này và bắt đầu được triều đình đánh giá cao hơn. Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, ông giữ chức Thái tử Thiếu bảo, một vị trí danh giá trong triều đình.

Bí ẩn khi khai quật mộ Kỷ Hiểu Lam

Vào thập niên 1970, mộ phần của Kỷ Hiểu Lam tình cờ được một nông dân phát hiện. Sau khi các nhà nghiên cứu khảo cổ vào cuộc, họ xác nhận đây chính là nơi an nghỉ của ông. Điều khiến người ta kinh ngạc là ngoài hài cốt của Kỷ Hiểu Lam, còn có 7 bộ hài cốt nữ giới trong cùng một ngôi mộ. Bên cạnh đó, mộ phần còn chứa nhiều vật phẩm tùy táng quý giá.

Thông thường, người xưa có tập tục chôn cất vợ chồng chung mộ. Nhưng việc có đến 7 bộ hài cốt phụ nữ trong mộ của Kỷ Hiểu Lam là điều hiếm thấy. Theo nghiên cứu, đây chính là hài cốt của người vợ cả và 6 thê thiếp của ông.

Kỷ Hiểu Lam kết hôn năm 17 tuổi với một người phụ nữ lớn hơn ông 3 tuổi. Người vợ cả này đã sinh cho ông một người con trai. Sau đó, năm 24 tuổi, ông nạp thêm một thiếp trẻ tuổi chỉ mới 13 tuổi. Đây là một mỹ nhân xinh đẹp nhưng không may qua đời khi mới ngoài 30.

Năm 50 tuổi, Kỷ Hiểu Lam tiếp tục cưới thêm một người thiếp khác. Người phụ nữ này được ghi nhận là không chỉ đẹp mà còn rất đảm đang, được ông yêu quý. Đáng tiếc, bà cũng qua đời khi mới hơn 30 tuổi. Sau đó, ông lần lượt nạp thêm 4 người thiếp khác.

Dù hậu viện đông đảo thê thiếp, Kỷ Hiểu Lam được cho là đối xử tử tế với tất cả. Quan niệm của ông về phụ nữ khá tiến bộ so với thời đại. Ông từng công khai phản đối tư tưởng khắc nghiệt của phái Tống Nho, vốn cho rằng phụ nữ phải tự sát để giữ trọn đạo tiết nghĩa. Điều này cho thấy Kỷ Hiểu Lam không chỉ đơn thuần là người say mê nữ sắc mà còn có sự đồng cảm và trân trọng phụ nữ.

Câu chuyện về 7 hài cốt phụ nữ trong mộ Kỷ Hiểu Lam hé lộ một khía cạnh khác biệt so với hình ảnh mà phim ảnh xây dựng. Tuy nhiên, điều này không phủ nhận những đóng góp của ông cho lịch sử và văn hóa Trung Quốc.

Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới