Trong thời Tam Quốc, kể từ sau cái chết của Lưu Bị, Gia Cát Lượng là trụ cột chính của nhà Thục Hán, nhưng việc làm của ông bị chỉ trích. Có người nói Gia Cát Lượng không giỏi trong việc dùng người, ví dụ như Triệu Vân là một trường hợp điển hình.
Triệu Vân là một trong 5 vị hổ tướng của Lưu Bị, ông cũng đã lập nên nhiều kỳ tích phi thường cho nhà Thục Hán. Nhưng trước khi Lưu Bị còn sống, vai trò của Triệu Vân luôn chỉ là một vệ sĩ riêng, và ông hiếm khi chỉ huy trận chiến.
Hình ảnh nhân vật Triệu Vân trên phim "Tam Quốc Diễn Nghĩa" phiên bản 1996.
Xét riêng về võ công, Triệu Vân đứng hàng đầu trong danh sách các anh hùng của Tam Quốc, dân gian có câu: "Một Lữ, hai Triệu, ba Điển Vi, bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi". Triệu Vân cưỡi ngữa và bắn cung cũng rất giỏi, kỹ năng dùng thương của ông đã đạt tới trình độ biến hóa, dũng khí phi thường.
Trong những năm đầu của mình, ban đầu Triệu Vân ở dưới trướng của Công Tôn Toản. Nhưng sau đó ông đi theo Lưu Bị. Khi theo Lưu Bị đánh chiếm, nhiều lần Triệu Vân lập được thành tích phi thường, không chỉ là người dũng cảm chiến thắng ba đạo quân mà còn có khả năng chiến đấu cừ khôi. Ông được các tướng sĩ và nhân dân đánh giá cao, danh tiếng vang dội. Lưu Bị đã từng chân thành khen ngợi: "Tử Long là người đầy dũng khí". Khi biết tin Triệu Vân qua đời, Gia Cát Lượng đã khóc thương vì Thục Hán mất đi một vị hiền thần, bản thân mất đi một trợ thủ đắc lực.
Vài năm sau khi Triệu Vân qua đời, thời kỳ hậu Tam Quốc, Trương Bào - con trai của Trương Phi được xem là một trong những người có thực lực gánh vác nhà Thục Hán. Vị tướng này luôn được Gia Cát Lượng tin tưởng coi trọng. Trương Bào nhiều lần từng cùng Gia Cát Lượng phạt Ngụy.
Khi Gia Cát Lượng đưa quân đến cuộc viễn chinh phương Bắc, Trương Bào được cử làm tướng của quân Thục. Dưới sự dẫn dắt của Trương Bào, quân Thục thế như chẻ tre, một mạch công phá Âm Bình, hạ Vũ Đô, đại tướng nhà Ngụy là Quách Hoài hoàn toàn không thể cản đường, phải vứt đao cởi giáp bỏ chạy bảo toàn tính mạng. Để có thể bắt được Quách Hoài, Trương Bào dẫn đội kỵ binh thúc ngựa đuổi theo. Tuy nhiên không biết do phi ngựa quá nhanh hay vì đường núi hiểm trở, mà Trương Bào không may bị ngã xuống vách núi, chấn thương nghiêm trọng.
Bị thương, Trương Bào được đưa về quê ở Thành Đô để tĩnh dưỡng, nhưng đã qua đời không lâu sau đó. Khi biết tin Trương Bào qua đời, Gia Cát Lượng không chỉ khóc, vì đau buồn mà còn nôn ra máu và ngất xỉu xuống đất. Sau khi tỉnh, Gia Cát Lượng đã ốm nằm liệt giường nhiều ngày và sinh bệnh từ đó.
So sánh biểu hiện đau buồn của Gia Cát Lượng trước sự mất mát của hai võ tướng lại có sự khác biệt. Triệu Vân là một vị dũng tưỡng và có nhiều đóng góp cho nước Thục, đương nhiên Trương Bào không phải không có công. Khi Triệu Vân qua đời, Gia Cát Lượng chỉ khóc thương, nhưng biết tin con trai Trương Phi chết, ông lại đau đớn đến mức thổ huyết, vì sao?
Trương Bào dù tuổi còn trẻ nhưng lập nhiều chiến công, lại dũng mãnh và thiện chiến không kém gì người cha Trương Phi. Và tương lai, Trương Bào là hy vọng trụ cột của nước Thục. Trong quan điểm của Gia Cát Lượng, Trương Bào sớm đã xác định dành cả cuộc đời tận trung vì nhà Thục, đây là hi vọng sớm có thể thực hiện lý tưởng thống nhất Trung Nguyên.
Vì vậy, sự ra đi đột ngột của Trương Bào cũng chẳng khác gì chặt đứt nốt cánh tay đắc lực còn lại của Gia Cát Lượng. Kế hoạch phạt Bắc chẳng còn ai để trông cậy, khó mà tiến hành được, thế nên Gia Cát Lượng không chỉ cảm thấy đau xót mà còn vô cùng tuyệt vọng.
Sự ra đi của Trương Bào khiến Gia Cát Lượng nhìn thấy được thực trạng nhà Thục phải đối mặt với tình thế khó xử vì thiếu nhân tài, cùng với việc đất nước nghèo hèn. Trong khi đó, nhà Ngụy giàu có và nhà Ngô hùng thịnh, sự mong manh của nước Thục đã lộ rõ.