Một cung phi tài sắc
Trần Duệ Tông (1337 - 1377) là vua thứ 9 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Kính), sinh tại kinh đô Thăng Long xưa. Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của cha ông, liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Ông đã tổ chức thi Đình năm 1374 tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Những nho sĩ thời đó như Đào Sư Tích (Trạng nguyên), Lê Hiến Phủ (Bảng nhãn), Trần Đình Thám (Thám hoa)... đều xuất thân từ bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Vua rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm...
Trong số nhân tài mà ông có được phải nhắc đến một mỹ nữ đã dâng lên vua "Kê minh thập sách" là Nguyễn Thị Bích Châu, vua Trần Duệ Tông xem xong, vỗ án khen: "Không ngờ một người con gái mà lại thông tuệ đến thế", nhưng xem xong, vua chẳng thực hiện một điều nào. Bích Châu là ái phi của vua Trần Duệ Tông; quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công; vừa có nhan sắc xinh đẹp, lại văn hay chữ tốt. Khi 13 tuổi, Bích Châu đã thông thạo Tứ Thư Ngũ Kinh. Năm Quý Sửu (1373), bà được tuyển vào cung và sớm được nhà vua sủng ái, phong làm quý phi.
Năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông cất 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu dâng biểu can ngăn, phân tích lợi hại rất rành mạch, nhưng vua không nghe, vẫn chuẩn bị đội ngũ để tự mình thân chinh. Thấy vậy, bà Bích Châu lại viết một bài biểu lời lẽ tha thiết, khuyên nhà vua nên nghĩ lại. Nhưng bài biểu cuối cùng cũng bị xếp xó. Quá buồn rầu, bà đành xin phép chồng cho đi theo. Duệ Tông ưng cho. Bà là một trong mấy chục phi tần cung nữ đi theo ngự giá.
Khi thuyền chiến tới cửa biển Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì gặp gió to sóng lớn, không thể qua được. Vua lo lắng, cho đòi một số bô lão địa phương tới hỏi. Một cụ tâu: "Mùa này vốn lặng gió. Dân chài chúng tôi thường ra khơi làm ăn. Trận gió lốc này là triệu chứng lạ. Trước mặt đây có một miếu thờ thần biển rất thiêng. Khách đi ghe mành qua lại thường ghé cầu cúng sẽ được yên ổn, nếu không thì thần phạt làm cho buồm gãy lái xiêu. Hoặc giả đó là do thần biển gây ra cũng chưa biết chừng".
Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Sáng hôm sau, mặt biển Kỳ Hoa nổi cuồng phong dữ dội. Các thuyền chiến chòng chành sắp bị nhấn chìm. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được giọt máu.
Liều mình chết vì vua
Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: "Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân". Thấy ái phi quyết liều mình, Duệ Tông rất thương, bèn nói: "Lành dữ có số, họa phúc do trời. Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt nàng sao. Không được. Kẻ kia muốn làm gì thì làm, ta quyết không sợ!". Bích Châu lại tiếp: "Sự thể đến nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân làm nhẹ. Chỉ tiêu một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả".
Vua Duệ Tông vẫn chưa chịu nghe, nhưng quý phi Bích Châu đã quay ra thuyền lệnh: ".... Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi xin sóng lặng bể yên, phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước".
Mặc sóng đánh tối tấp, nước tràn lênh láng, quý phi Bích Châu vẫn tươi tắn đến sụp quì lạy, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng. Bà khuyên vua: "Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn, nghĩ võ, tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ tới lâu dài cho đất nước...". Sau đó, bà quay về hướng Bắc lạy cha mẹ, vái chào tử biệt hàng quan quân, trang nghiêm đến ngồi gọn vào lòng chiếc thuyền thoi nhỏ có cắm đại hoàng kỳ (cờ nhà vua). Chiếc thuyền được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển, giữa những cơn sóng thần liên tiếp quật nước lên cao. Bà Bích Châu bình tĩnh nắm dây nhắm mắt.
Vừa đụng nước, chiếc thuyền lập tức quay vòng ngụp lặn với sóng cả, rồi chìm hẳn. Hai ngày sau, xác của bà nổi trên mặt biển, vẫn uy nghi trong bộ triều phục, nhấp nhô theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Lúc này, đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, chở đầy những bầu máu nóng sẵn sàng lao vào trận tiền với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của quý phi trước giờ tử biệt.
Thế nhưng, vì Trần Duệ Tông không nghe lời can gián, vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm, nên bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn (Qui Nhơn ngày nay). Sử ghi đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377). Nhưng sự thực, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì khi quân Trần bị quân Chiêm phục kích, vua Trần Duệ Tông tử trận cùng hàng vạn binh lính, toàn quân rối loạn, có nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ, chính Bích Chấu đã lĩnh lấy trách nhiệm thống lĩnh ba quân, tổ chức cuộc lui binh an toàn, đưa được thi hài nhà vua ra khỏi chiến địa. Về đến cửa biển Kỳ Hoa, vừa thương khóc vua, vừa kiệt sức, bà đã trút hơi thở cuối cùng, và theo lời trăng trối của bà, quân lính đã chôn bà bên cửa bể Kỳ Hoa...
Nhớ công cung phi tài sắc vẹn toàn
Đúng 100 năm sau, vào năm Hồng Đức (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa mộng thấy người đàn bà xưng là cung nhân triều Trần đến xin cứu giúp. Biết chuyện nàng Bích Châu, hôm sau, nhà vua liền viết một tờ hịch hạch tội Nam Minh đô đốc, sai thả xuống biển; lập tức vị này bị chém chết, xác nổi lên mặt nước. Đồng thời, có giai thoại rằng, thi thể của bà Bích Châu cũng nổi lên, còn đẹp y nguyên lúc bình sinh, nhà vua cho làm lễ mai táng. Sau khi thắng trận trở về, vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi; sắc phong cho bà là Chế Thắng, nên đền được gọi là Chế Thắng Phu Nhân.
Vua Lê Thánh Tông còn làm một bài thơ điếu bà Bích Châu: "Bản thị Hy Lăng cung lý nhân/ Lâm nguy vị quốc độc vong thân/ Yên phong nhất trận đào hao lãng/ Xuân dạ tam canh độ nhược tân/ Hàn thủy vô đoan mai Sở phụ/ Hương hồn hà xứ điếu Tương quân?/ Ta hồ, bách vạn hùng binh lữ/ Bất tận thư sinh nhất hịch văn!". Dịch thơ Nôm: "Nàng xưa cung nữ của Hy Lăng/ Vì nước lâm nguy, quyết xả thân/ Một trận gió yêu gây sóng cả/ Hồn nương bến bãi suốt đêm xuân/ Bỗng dưng sông lạnh vùi thân gái/ Biết chốn nào đây viếng nữ thần?/ Chán nhỉ, vạn ngàn quân tướng mạnh/ Chẳng bằng tờ hịch gã thư sinh!".
Sáu câu đầu vua ca tụng đức xả thân cứu nước của bà Bích Châu. Hai câu kết có ngụ ý chê vua Duệ Tông và tự đề cao mình. Có lẽ hương linh của bà Bích Châu không vui, vì chạm vào tình cảm kính trọng chồng. Vì thế, khi vua Lê Thánh Tông thắng trận, lúc khải hoàn qua đây, bà lại báo mộng, tạ ơn vua đã cứu mình, với lời van xin: "Bài thơ nhà vua đề ở Đền lời ý đều hay, duy hai câu kết có ý phẩm bình chuyện cũ, khiến lòng thiếp không được yên!". Nhà vua sực tỉnh, sửa ngay hai câu kết thành: "Cương thường vạn cổ ưng vô quý/ từ hạ thư cưu hý thủy văn. Dịch rằng: Vạn cổ cương thường lòng chẳng thẹn/ Thư cưu giỡn sóng dưới chân đền".
Đền Chế Thắng phu nhân nằm trên địa phận xã Hải Khẩu, huyện Kỳ Hoa (nay là xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định công nhận và xếp hạng đền thờ là di tích lịch sử và còn gọi bà Nguyễn Thị Bích Châu là Mẫu Kỳ Anh. Hàng năm, vào 12/2 âm lịch là ngày giỗ, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội rất to để tưởng niệm.