TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Mẫu thân của Lưu Bị là một nữ cường nhân điển hình, tại sao sau khi ông khởi binh, mẫu thân lại 'bốc hơi khỏi nhân gian'?

Thứ ba, 29/03/2022 21:51

Mẫu thân của Lưu Bị là quý nhân đầu tiên trong cuộc đời của ông, chỉ ra con đường thành công cho sự nghiệp của ông. Chỉ tiếc là sau cùng bà không thể nhìn thấy những thành công của con trai mình.

Thực tế đã chứng minh rằng, một người mẹ tốt có ảnh hưởng rất lớn tới một đứa trẻ, mẫu thân của Lưu Bị tuy chẳng phải là người có danh tiếng hiển hách gì nhưng bà có cống hiến to lớn cho sự nghiệp của Lưu Bị. Tuy nhiên, sau khi Lưu Bị khởi binh lại không còn bất cứ tin tức gì về bà, tại sao lại như vậy?

(Ảnh minh họa)

Lưu Bị là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương nhưng tới thế hệ của ông thì đã sa sút trở thành thế hệ thấp kém. Một số người có lẽ vẫn chưa hiểu lắm về tước vị của thời cổ đại Trung Quốc, chỉ cần không phải là tước vị cha truyền con nối, mỗi một đời tước vị thực ra đều sẽ giảm dần. Trong thời nhà Chu đã có câu “quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm”, tức là một người quân tử có phẩm chất cao thượng, năng lực xuất chúng, cố gắng phấn đấu gầy dựng sự nghiệp, để lại bổng lộc cho con cháu đời sau, nhưng chỉ trải qua vài đời hậu thế thì đã cạn kiệt hết.

Vào thời Chu, cấp bậc người được chia thành thiên tử, chư hầu, khanh đại phu (quan thần được phân phong), sĩ, thứ nhân (người thường, dân đen). Cho dù cha của anh có là thiên tử, anh là chư hầu, sau khi nhà anh truyền được 5 đời thì con cháu hậu thế sẽ là người thường. Đương nhiên điều này chỉ xảy ra nếu anh chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, chẳng làm gì kiến thiết, xây dựng sự nghiệp, đất nước.

Thực ra, sự suy lạc của Lưu Bị đã bắt đầu từ đời tổ tông của ông là Lưu Trinh. Lưu Trinh năm xưa vì cống nạp số tiền thuế lên triều đình không đủ nên đã bị tước đi tước vị, đương nhiên lý do chính vẫn là thủ đoạn chính trị của Hán Vũ Đế. Cho dù thế nào, bắt đầu từ đời của Lưu Trinh thì gia tộc đã đi xuống dốc.

(Ảnh minh họa)

Nhưng thực ra đến đời ông nội của ông vẫn được tính là khá ổn, ít nhất còn có thể làm một Huyện lệnh, cha ông cũng làm một chức quan nhỏ, chỉ là do số không may mất sớm, để lại vợ trẻ con thơ.

Trụ cột trong gia đình đã không còn, dựa theo phong tục thời đó thì tái giá cũng là một chuyện vô cùng bình thường nhưng mẫu thân của Lưu Bị lại không hề làm như vậy mà chống đỡ gia đình bằng đôi tay của chính mình. Đồng thời vào năm Lưu Bị 15 tuổi, bà còn cổ vũ ông đi du học (vào thời đó du học tức là đi tới những vùng có nền giáo dục phát triển, không hẳn là đi nước ngoài), lập nền tảng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp trong tương lai của ông. Từ đó có thể thấy, mẫu thân của Lưu Bị hoàn toàn là một nữ cường nhân điển hình. Vào trong thời đại vô cùng coi trọng đạo hiếu, tại sao sau này lại chẳng hề có tin tức gì về mẫu thân của Lưu Bị? Có thể suy đoán theo những hướng sau:

1. Mẫu thân qua đời

Năm 15 tuổi, Lưu Bị được mẫu thân đưa đi du học, không những bái sư làm môn đệ của các danh nhân, còn kết giao được những người huynh đệ tốt như Công Tôn Toản. Có thể nói, Lưu Bị là ví dụ điển hình cho việc thông qua việc đi học đã thay đổi được số mệnh của mình, tất cả những điều này đều là nhờ có công lao của mẫu thân ông.

Đầu tiên, phụ thân của ông qua đời sớm, ông được mẫu thân nuôi lớn, có thể nói giáo dục từ nhỏ mà ông được tiếp nhận đều là từ người mẹ. Hơn nữa, mẫu thân của ông cũng không phải là người có tầm nhìn hạn hẹp, sống trong cuộc sống nghèo khó, cực khổ nhưng trong lòng lại luôn mong muốn con trai có thể có được một tiền đồ sáng lạn. Thật là đáng thương cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ.

(Ảnh minh họa)

Thời đó, con người đều rất coi trọng đạo hiếu, sau khi Lưu Bị khởi binh lại chẳng hề nhắc tới mẫu thân, chúng ta có thể suy đoán rằng, mẫu thân ông đã qua đời trong những năm ông đi du học, vì thế nên trong sử sách cũng không hề nhắc tới.

2. Tránh liên lụy tới mẫu thân

Sinh ra trong thời loạn lạc, Lưu Bị ra ngoài xông pha thiên hạ, suy cho cùng vẫn là làm nghề chém giết, tuy giai đoạn đầu có tiêu diệt được quân Hoàng Cân (một bang thổ phỉ thời đó) nhưng ai biết được sẽ đắc tội với những tên tiểu nhân sẽ có kết cục như thế nào. Thế nên để tránh bị báo thù, Lưu Bị cố gắng hạn chế để mẫu thân bị liên lụy.

(Ảnh minh họa)

Thêm vào đó, nửa đầu cuộc đời của Lưu Bị đều ở trong trạng thái nghèo khó, cơ cực, cho dù khi ấy mẫu thân của ông vẫn còn sống, Lưu Bị cũng không muốn đưa bà theo để chịu khổ cùng. Còn sau khi Lưu Bị đã đứng vững trên đất Hình Châu thì ông cũng đã 48 tuổi, vào thời đại tuổi thọ trung bình của con người chỉ khoảng 40 ấy, mẫu thân của ông có lẽ đã qua đời từ lâu.

3. Bị Lưu Bị bỏ rơi

Nếu đọc lại lịch sử thật kỹ thì chúng ta có thể phát hiện ra rằng, Lưu Bị thường xuyên rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, vô số lần đã phải bỏ rơi vợ con. Vì thế có người đã đoán rằng, liệu mẫu thân của ông cũng đã bị ông bỏ rơi trong quá trình đi trốn như vậy không?

Thực ra ý kiến này về cơ bản là không có tính thuyết phục cho lắm, như phía trên đã nói, trong thời đại mọi người đều vô cùng coi trọng đạo hiếu, hơn nữa nếu một người rất hiếu thảo còn được cử ra làm quan, ngược lại một kẻ bất hiếu thì chắc chắn sẽ bị thiên hạ chỉ trích.

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Lưu Bị nổi tiếng là nhân đức, đương nhiên sẽ không làm ra việc bỉ ổi như bỏ rơi mẫu thân, nếu không thì tại sao ông có thể thu phục được nhiều người tài làm việc cho mình như vậy?

Tóm lại, mẫu thân của Lưu Bị là quý nhân đầu tiên trong cuộc đời của ông, bà đã chỉ ra con đường thành công cho sự nghiệp của ông, còn Lưu Bị cũng không phụ lòng bà, cũng giành được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Chỉ tiếc là sau cùng bà không thể nhìn thấy những thành công đó.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới