Ngôi mộ ấy an táng tại địa chỉ 559/86/17 phường Vĩnh Tuy, Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi ghé thăm nơi này, được xem những bức hình tư liệu, nghe câu chuyện về những nạn nhân xấu số đã khiến chúng tôi không khỏi mủi lòng rưng rưng nước mắt.
Chứng tích rợn người
Khu tưởng niệm của hơn 2 triệu đồng bào chết vì bom, đạn của phát xít Nhật và nạn đói 1944-1945 nằm lọt thỏm, tĩnh lặng trong con ngõ nhỏ. Bước qua cánh cổng, đập vào mắt chúng tôi là tấm bia đá khắc bài văn tế xót xa của GS Vũ Khiêu: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”.
Ông Đặng Văn Tuyến, người trông coi, hương khói nơi này tận tình dẫn chúng tôi đi thăm Khu tưởng niệm. Gọi là “khu” cho oai, thực chất diện tích khoảng hơn 150m2 bao gồm tấm bia khắc đá của GS Vũ Khiêu, ngôi nhà nhỏ, bể xương người và vài bệ đặt bát hương…
Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu nỗi đau của nhân loại. Bởi theo đánh giá, lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa nơi nào xảy ra nạn đói khủng khiếp có số lượng người chết nhiều đến như thế. Thậm chí con số hơn 2 triệu người chết nếu so sánh với số nạn nhân của hai quả bom nguyên tử ném xuống Nagazaki và Hiroshima của Nhật Bản thì gấp nhiều lần.
“Đồng bào mình đấy”, ông Tuyến ngậm ngùi đưa tay chỉ vào những bức hình tư liệu treo trên tường. Chúng tôi giật mình khi bắt gặp trên những bức hình tư liệu là cảnh những đứa trẻ nhỏ nheo nhóc, những người lớn bé, già trẻ, trai gái ngồi chờ để được chia gạo cứu đói. Cảnh người dân đang đào những hố rộng chôn người tập thể, hình ảnh của những người kéo chiếc xe ngổn ngang chở đầy xác chết, hay bắt gặp cả “núi xương” mà… thấy lạnh cả người.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng những gì là chứng tích đau thương còn sót lại nơi đây vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của những thế hệ trẻ hôm nay. Theo các bậc cao niên nơi đây kể lại, độ ấy, người chết vì phát xít Nhật cũng nhiều, nhưng người chết đói nhiều vô kể.
Việc làm của những người còn sống, có chút lương tri, không chỉ đánh giặc mà còn đi gom xác chết về nghĩa trang Hợp Thiện (nay là khu tưởng niệm) để mai táng trong các ngôi mộ tập thể. Theo thời gian, tại nghĩa trang này không chỉ là nơi chôn cất người chết mà lâu dần nó đã trở thành nơi cư trú của những người lao động tứ xứ.
Theo ông Tuyến, Khu tưởng niệm hơn 2 triệu đồng bào này suýt bị rơi vào quên lãng, nếu như năm 2001 không có 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội làm đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944-1945”. Sau đó, vào tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu vực này. Trong đó, “bể xương” chứa hàng triệu hài cốt của đồng bào nằm ở chính giữa.
Cũng theo ông Tuyến, ông đã sống ở đây từ nhỏ, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn rất hoang vắng. Những năm đầu thập niên 90, “bể xương” còn nằm lộ thiên. Sau này, mọi người xây dựng thành bể kiên cố, để lại một lỗ thông âm - dương. Tuy nhiên, dần dà mọi người đã bịt kín.
Năm 2001, thấy nhóm sinh viên đến làm đề tài, ông Tuyến cũng ra xem. Nhưng không hiểu sao, sau lần đó, trong ông bỗng thấy lòng thương cảm, muốn mình “gắn bó” với những hài cốt này vô cùng. Chính vì vậy, ông đã tự nguyện đến đây trông nom, chăm sóc, thắp những nén nhang cho những linh hồn xấu số được siêu thoát. Vậy là không quản mưa nắng, ngày thường cũng như ngày lễ tết, cứ bắt đầu từ sáng sớm, ông Tuyến lại đến đây thắp hương, dọn dẹp nghĩa trang đến tận tối mịt mới về.
Nặng lòng với người đã khuất
Sinh năm 1952, lớn lên gặp khi đất nước chiến tranh, năm 1970 ông Tuyến nhập ngũ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Ông công tác trong đơn vị Tổng cục Kỹ thuật làm nhiệm vụ sửa chữa xe cơ giới. Sau giải phóng miền Nam đến năm 1981, ông Tuyến trở về quê hương rồi chuyển sang công tác ở đơn vị khác. Cơ duyên nào khiến ông tự nguyện trông nom khu nghĩa trang này?
Ông Tuyến cho hay: “Là thế hệ trẻ, từng vào sinh ra tử nên tôi đã thấm thía nỗi đau chung của dân tộc. Tôi còn may mắn được sống sót nên muốn làm một điều gì đó để tri ân với những người đã khuất. Bản thân tôi cũng thấy lòng mình thanh thản lắm”. Năm 2005, được sự đồng ý của chính quyền sở tại nơi đây, ông Tuyến đứng ra đảm nhận công việc trông coi, nhang khói ngôi mộ tập thể ở khu nghĩa trang này.
Nhận trông coi nghĩa trang đặc biệt này, nhiều người gọi ông là “Tuyến hâm”. Có người còn bảo ông “đường đường là một cựu chiến binh, có nhà cao cửa rộng, con cháu sum vầy, việc gì mà lại đứng ra làm cái công việc “dở hơi” ấy”. Ông Tuyến cười hiền: “Ai nói gì thì nói, tôi bỏ ngoài tai. Họ không phải là tôi nên không hiểu được ý nghĩa của công việc mà chính tôi đang làm. Tôi làm vì cái tâm, bằng một tấm lòng tri ân thành kính và thiêng thiêng nhất”.
7 năm làm công việc trông coi Khu tưởng niệm đặc biệt này, ông Tuyến đã đón hàng nghìn đoàn khách từ khắp nơi đến. Đó là các đoàn lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, rồi các đoàn du lịch từ các nước đến, Việt kiều từ nước ngoài về tưởng nhớ lại những người thân đã khuất. Hay nhà ngoại cảm đến “hỏi chuyện” những vong linh xấu số…
Tuy nhiên, những vị khách đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Có khách đến đây vì từng được nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra, có người đến vì tò mò, thậm chí có từng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Nhưng, dù họ là ai, đến với tâm thế và cương vị như thế nào đi nữa thì tất thảy họ đều cúi đầu tỏ vẻ ăn năn trước vong linh người đã khuất.
Lật giở cuốn sổ đã ngả màu theo thời gian, những dòng hồi tưởng đầy đau xót, thương tiếc và thành kính vô hạn của những vị khách là những lời lẽ đầy xúc động. Ông Tuyến bảo, trong số gần 100 trang lưu bút thì có đến gần 70 trang do những vị khách Nhật Bản lưu lại. Những dòng tâm sự của họ thể hiện sự đáng tiếc vì sai lầm của cha ông mình gây nên đối với những vong linh đã khuất.
Với việc làm của những bạn trẻ Nhật Bản, cho thấy họ rất có lòng yêu chuộng hòa bình, tuy không phải những việc làm to tát, nhưng những nén nhang, những bó hoa, cùng cái cúi đầu thành kính cũng có thể khiến các vong linh ấm lòng. Hy vọng, hận thù của quá khứ đóng lại, mở ra tình đoàn kết trên thế giới.
Khu tưởng niệm tuy nhỏ bé, nhưng chứa đựng một nỗi đau quá khứ dai dẳng, ghi nhớ một thời kỳ đen tối của đất nước. Và cũng chính từ những nỗi đau quá lớn, những mất mát quá nhiều, lòng căm thù sục sôi nên nhân dân cả nước đã vùng lên, giành được đất nước, đem lại hòa bình, cũng như bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam.
Ông Tuyến tâm sự, cứ vào những ngày Rằm tháng 7, lãnh đạo chính quyền, cùng các tăng ni phật tử từ khắp nơi đến đây để cầu siêu cho các vong linh của nạn đói năm 1944-1945. Khi đến đây, ngoài việc chứng kiến nỗi đau thương mất mát của đồng bào, người dân và cả du khách thập phương như được nhắc nhở về một sự hy sinh của hàng triệu đồng bào cho nền độc lập của nước nhà.