TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Người này trước khi chết đã nói: 'Ta mà chết thì Đại Thanh ắt diệt vong', 10 ngày sau tất cả đã ứng nghiệm

Thứ bảy, 29/08/2020 06:42

Câu nói cuối cùng của người này đã trở thành lời tiên tri ứng nghiệm cho sự diệt vong của triều đại nhà Thanh. Chỉ 10 ngày sau khi ông qua đời, nhà Thanh cũng chính thức kết thúc, chấm dứt thời kỳ phong kiến tại Trung Quốc.

Ngày 14/11/1908, bệnh tình của vua Quang Tự đã vô phương cứu chữa, khi ấy ông bị Từ Hy Thái Hậu giam lỏng trong Trung Nam Hải Doanh Đài, nằm liệt trên giường không động đậy được, nhìn cũng biết ông sắp từ giã cõi đời. Khoảnh khắc cuối cùng trước khi chết, vua Quang Tự triệu kiến em trai ruột Tái Phong (cha của Phổ Nghi), chỉ để lại di ngôn 4 chữ: “Giết Viên Thế Khải”, thấy em trai gật đầu, Quang Tự mới nuốt trôi cục tức. Từ đó có thể thấy sự căm hận của Quang Tự đối với Viên Thế Khải mãnh liệt đến thế nào.

Viên Thế Khải là người khiến Quang Tự sắp chết cũng muốn giết cho bằng được.

Thế nhưng đáng tiếc là tin tức lọt ra ngoài, Viên Thế Khải đã chạy trốn trước đó, quay về an dưỡng tinh thần và thể chất, chờ đợi ngày làm lại từ đầu. Một người khác là Ái Tân Giác La Lương Bật, giống với Quang Tự, ông cũng coi việc giết Viên Thế Khải là mục tiêu cuộc đời, nhưng điều đáng tiếc là ông vẫn bị thua dưới tay của Viên Thế Khải. Trước khi chết, ông cũng để lại một câu di ngôn – “Ta chết rồi thì Đại Thanh ắt diệt vong”.

Ái Tân Giác La Lương Bật cũng luôn muốn giết chết Viên Thế Khải nhưng không làm được.

Ái Tân Giác La Lương Bật sinh năm 1877 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông là đời chắt thứ 8 của Bối Lặc Ba Nhã Lạt – em út của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Tuy mang dòng họ Ái Tân Giác La – dòng họ được tôn quý nhất lúc đương thời nhưng nửa đời đầu của Lương Bật lại trải qua nhiều sự gian nan vất vả vì tổ tiên ông phò tá Nhuệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn nên bị tước chức, giam lỏng, chu di. Mãi cho tới khi Gia Khánh lên ngôi mới được khôi phục lại gia phả, nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn rất khó khăn.

Thời niên thiếu của Lương Bật mất cha, mất mẹ, cùng lúc đó thời đại của quốc gia lại càng ngày càng suy yếu, mục nát. Sống trong một môi trường thời đại như thế khiến Lương Bật trở nên mạnh mẽ và độc lập. Ông muốn thử thay đổi tất cả, thế nên đã phấn đấu học hành, năm 22 tuổi còn có được cơ hội đi du học ở trường sĩ quan lục quân Nhật Bản, ông đã học được rất nhiều điều tại đây. Sau khi trở về, Lương Bật vào khu luyện binh và trở thành Đô đốc quân học tư.

Tốt nghiệp trường Quân sự, Lương Bật có năng lực về quân sự, tư duy cũng rất tiên tiến nên ông nhanh chóng được triều đình nhà Thanh công nhận, con đường thăng tiến ngày càng cao.

Cho tới năm 1907, Lương Bật đã lên đến chức Tư trưởng Quân học tư của Bộ Lục Quân kiêm tham nghị. Trong lòng ông lúc này đã có một kế hoạch mới, đó chính là diệt trừ Viên Thế Khải. Lương Bật biết rằng Viên Thé Khải chính là mối họa của triều đình nhà Thanh. Vì thế, Lương Bật một mặt đi truyền bá khắp nơi trong kinh thành về đại thần trong cung, hi vọng có được sự ủng hộ của mọi người, mặt khác hành động ám sát Viên Thế Khải. Tuy nhiên, lần nào cũng để tên Viên Thế Khải gian xảo tránh được.

Lương Bật lúc này lòng nóng như lửa đốt. Khi ấy vừa hay trùng với khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ năm 1911, rất nhiều quan thần cuối thời Thanh mục nát lần lượt bầu Viên Thế Khải, Lương Bật kịch liệt phản đối, đồng thời hi vọng “lập hiến cách mệnh, mong cứu đại cục”, còn thành lập “Hội duy trì quân chủ lập hiến” (gọi tắt là “Tông xã đảng”) phản đối hiệp nghị Nam Bắc và vua Thanh thoái vị. Vì thế, Lương Bật không những đã đắc tội với Viên Thế Khải mà còn chọc giận Cách Mệnh Phái.

Lương Bật là người đã nhận ra được Viên Thế Khải sẽ trở thành mối nguy hại cho triều đình nhà Thanh.

Một tháng sau, Viên Thế Khải vào kinh thành nhậm chức Tổng đại thần nội các, điều Phùng Quốc Chương nhậm chức Thống chế cấm vệ quân. Một kẻ gian xảo như Viên Thế Khải đương nhiên biết Lương Bật không thể nào bỏ qua cho hắn, thế nên đã lên kế hoạch cướp quyền hành thống lĩnh Cấm vệ quân của Lương Bật. Nhưng lúc này trong lòng Lương Bật lại rối bời, một lòng chỉ muốn tiêu diệt Viên Thế Khải mà hoàn toàn không nghĩ tới hoàn cảnh mà bản thân đang gặp phải.

Ngày 26/01/1912, Lương Bật thương thảo nghị sự với mọi người xong vội vàng chạy về nhà, trên đường về gặp phải một người thanh niên, người đó gọi ông lại hỏi ông có phải là Lương Bật đại nhân không, Lương Bật trả lời theo bản năng đúng thế. Vừa dứt lời, người thanh niên lập tức rút ra một trái mìn, ném vào Lương Bật, người đó chính là hội viên đồng minh nổi tiếng – Bành Gia Trân. Kết quả đầy kịch tính, Bành Gia Trân chết ngay trong vụ nổ, còn Lương Bật lại chỉ bị thương chân trái. Thế nhưng sau khi làm xong phẫu thuật cắt chân, Lương Bật vẫn không qua khỏi. Trước lúc lâm chung, Lương Bật khóc thất thanh, hô lớn: “Kẻ làm nổ ta cũng là anh hùng. Ta chết rồi thì Đại Thanh cũng bị diệt vong” rồi trút hơi thở cuối cùng. Sau đó có nhiều tin đồn cho rằng Viên Thế Khải đã giở trò mua chuộc bác sĩ phẫu thuật hạ độc.

Lương Bật trước khi chết đã tiên đoán được sự lụi tàn của triều đại nhà Thanh.

Sau khi Lương Bật qua đời 10 ngày, dưới sự ép buộc của Viên Thế Khải, Phổ Nghi đã ký chiếu thư thoái vị, đã ứng nghiệm câu nói của Lương Bật trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Ta mà chết thì Đại Thanh ắt bị diệt vong”. Thực ra, Lương Bật là một trong những số người ít ỏi đã giác ngộ và phản kháng trong dòng họ Ái Tân Giác La, trên một mức độ nào đó, ông đã làm chậm đi tốc độ diệt vong của nhà Thanh. Nhưng sự diệt vong của nhà Thanh chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới