Tô Ma Lạt Cô tên thật là Tô Mạt Nhi, tuy rằng cái tên Tô Mạt Nhi này nghe rất hay nhưng “Tô Mạt Nhi” trong tiếng Mông Cổ lại có nghĩa là “nửa cái túi”, nghe vậy cũng đủ biết Tô Mạt Nhi không phải là người xuất thân trong gia đình phú quý giàu sang gì.
Trong sách sử không hề ghi chép chi tiết về cuộc đời của Tô Mạt Nhi. Giới sử học suy đoán rằng Tô Mạt Nhi sinh ra vào khoảng năm Vạn Lịch thứ 14. Tuy xuất thân của bà không hề hiển hách, nhưng từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, đã thành công trúng tuyển trong đợt tuyển chọn thị nữ trong phủ của Khoa Nhĩ Thấm Bối Lặc, trở thành thị nữ thân cận của Bản Bố Thái – con gái thứ hai của Trại Tang.
Để tăng cường thống trị, từ thời kỳ đầu của triều Thanh, các hoàng đế đã sử dụng sách lược ngoại giao “liên hôn Mãn Mông”. Vì thế, thiên kim tiểu thư Bản Bố Thái trên vùng thảo nguyên Khoa Nhĩ Thấm đã được đưa tới Thịnh Kinh để thành hôn với Hoàng Thái Cực. Là thị nữ thân cận bên cạnh của Bản Bố Thái, Tô Mạt Nhi cũng được đưa tới Thịnh Kinh, tiếp tục hầu hạ cho Bản Bố Thái.
Tuy rằng cha mẹ của Tô Mạt Nhi đều là những mục dân nghèo khổ, Tô Mạt Nhi thời nhỏ cũng không được tiếp nhận nền giáo dục ưu việt, nhưng vốn dĩ có thiên phú nên sau khi được đưa tới phủ Bối Lặc đã ngày càng hiểu biết nhiều, học được rất nhiều kiến thức. Tô Mạt Nhi không những tinh thông tiếng Mông Cổ mà còn tự học tiếng Hán và tiếng Mãn trong thời gian ngắn.
Được biết, trong hoàng cung khi ấy, trình độ tiếng Mãn của Tô Mạt Nhi có thể sánh ngang với người Mãn, được người trong cung khen ngợi vô cùng. Sau này, khi Bản Bố Thái tìm người để dạy tiếng Mãn cho hoàng tử Huyền Diệp, người đầu tiên mà bà nghĩ tới là Tô Mạt Nhi, để bà chỉ bảo cho con mình.
Từ khi Tô Mạt Nhi tới phủ Bối Lặc đã ngày ngày ở bên cạnh Bản Bố Thái (tức Hiếu Trang Văn Hoàng Hậu, tên “Bản Bố Thái” của bà trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “Quý nhân giáng trần”). Trong 60 năm sau này, cả hai vẫn luôn kề cận bên nhau như hình với bóng. Đối với người ngoài mà nói, quan hệ của cả hai chỉ là quan hệ chủ tớ thông thường, nhưng trên thực tế, quan hệ của cả hai đã vượt xa quan hệ giữa chủ và tớ từ lâu, nhiều hơn cả chị em ruột thịt.
Đặc biệt là sau khi Hoàng Thái Cực qua đời, Bản Bố Thái bỗng nhiên trở thành Thái Hậu khi mới 31 tuổi, trở thành quả phụ ở độ tuổi trẻ trung, mặn mà, đương nhiên là Bản Bố Thái cũng cảm thấy rất cô đơn sau khi mất chồng, bà cần có một người tri kỷ ở bên mình. Bản Bố Thái đến từ Mông Cổ đương nhiên cũng khó có thể hòa hợp, thân thiết được với các nữ tử người Mãn trong cung. Rốt cuộc ai mới có thể là người giúp Bản Bố Thái giải sầu? Đương nhiên là Tô Mạt Nhi – cùng là đồng hương Mông Cổ, lại là người thân cận với bà nhất.
Tô Mạt Nhi cả đời không xuất giá, đối với bà mà nói, Bản Bố Thái cũng chính là nơi nương tựa tâm hồn của bà. Vì thế, năm Khang Hy thứ 26, Bản Bố Thái qua đời, Tô Mạt Nhi đã phải chịu một đả kích mà trước giờ chưa từng gặp phải, cuộc đời của bà dường như mất đi mục tiêu. Tô Mạt Nhi lúc này đã là một bà lão, đã rất khó có thể chịu đựng được vết thương tinh thần mà sinh ly tử biệt mang đến. Để bà có thể an nhà sống nốt quãng đời còn lại, Khang Hy đã quyết định đem Hoàng Thập Nhị hoàng tử Dận Đào do Định Phi hạ sinh giao cho Tô Mạt Nhi nuôi dưỡng, để bà có thể hưởng lạc lúc cuối đời.
Theo tổ chế của Mãn Thanh, chỉ có các chủ tử cấp tần phi trở lên mới có tư cách nuôi dưỡng hoàng tử, Tô Mạt Nhi có thể nuôi dưỡng hoàng tử với tư cách là cung nữ đã cho thấy Khang Hy coi trọng bà như thế nào. Tô Mạt Nhi cũng vô cùng cảm kích với những ân sủng mà Khang Hy ban cho, đồng thời bà cũng ý thức được trách nhiệm của những ân sủng này. Để báo đáp lại Khang Hy, bà nhanh chóng điều chỉnh tâm thái, dồn hết tình cảm vào Dận Đào, tận tâm nuôi nấng tiểu hoàng tử.
Tô Mạt Nhi chăm sóc, dạy bảo cho Dận Đào vô cùng chu đáo, giúp Dận Đào trở thành một hoàng tử vô cùng tài năng trong số các hoàng tử của Khang Hy. Ngoài ra, có lẽ là vì cách giáo dục của Tô Mạt Nhi có hiệu quả, Dận Đào cũng không tham gia vào cuộc tranh đoạt hoàng vị trong những năm cuối Khang Hy, không gây thù kết oán với các huynh đệ của mình, cuối cùng duy trì quan điểm trung lập. Vì thế, sau khi hoàng huynh Dận Chân tức vua Ung Chính sau này lên ngôi kế vị, Dận Đào không bị ép hại như những người huynh đệ khác của mình, ngược lại còn được phong làm Quận Vương. Có thể nói, trong số tất cả những người con trai của Khang Hy, Dận Đào là người sống được lâu nhất.
Hiển nhiên, tất cả những điều này đều là nhờ có sự giáo dục của Tô Mạt Nhi. Tô Mạt Nhi có tín ngưỡng và cách sống riêng của mình. Tương truyền, thói quen sống của bà khác với người thường, bà có 2 thói quen kỳ lạ khiến người ta khó mà tưởng tượng ra được. Thứ nhất là cả đời không bao giờ tắm. Hàng năm, chỉ vào ngày tất niên mới lấy một lượng nước cực ít để lau cơ thể, sau đó dùng nước này để uống.
Thứ hai là cả đời không uống thuốc. Cho dù là ốm bệnh nằm liệt giường, Tô Mạt Nhi cũng từ chối uống bất kỳ loại thuốc nào. Khang Hy thuở nhỏ có sống cùng Tô Mạt Nhi, vì thế ông hiểu rõ những thói quen kỳ cục này của bà. Nhưng đối với Khang Hy mà nói, Tô Mạt Nhi giống như người mẹ thứ hai của ông vậy, vì thế Khang Hy vô cùng tôn trọng thói quen sống của bà, chưa từng can thiệp.
Vậy thì, tại sao Tô Mạt Nhi lại có hai thói quen kỳ cục này? Giới sử học đã đưa ra nhiều giả thuyết, nhưng những giả thuyết này đều khó mà khiến người ta tín phục. Điều đáng nhắc đến là cơ thể của bà vẫn luôn khỏe khoắn, nhanh nhạy, sống tới hơn 90 tuổi. Trong thời đại độ tuổi trung bình của nữ giới chỉ vào khoảng 50 tuổi thì đây quả là trường hợp hiếm có.
Ngày 7 tháng 9 năm Khang Hy thứ 44 (tức năm 1705), Tô Mạt Nhi qua đời, Mộ táng cũng được hưởng theo đãi ngộ mà các cung nữ bình thường không thể có được. Sau này, Ung Chính còn xây dựng cho bà cả viên tẩm, phong thủy mộ phần của Tô Mạt Nhi cực kỳ đẹp, nằm ở phía bắc, hướng về nam, kết cấu cực kỳ chỉn chu. Tòa viên tẩm này tổng cộng được cấu thành từ Do Bảo Đỉnh, Tam Tọa Tẩm Môn và Tam Gian Đình Đường, bên ngoài viên tẩm còn xây dựng cả trực phòng, tương phòng. Từ quy mô của viên tẩm có thể thấy Tô Mạt Nhi trong lòng Ung Chính cũng là một vị bề trên đáng kính.
Tới năm Quang Tự thứ 26 (năm 1900), 8 nước liên quân tấn công vào Bắc Kinh, Từ Hy Thái Hậu đem vua Quang Tự trốn ra khỏi kinh thành về hướng Tây. Người dân bản địa đều tưởng rằng Đại Thanh đã diệt vong rồi, thế nên đã khởi dậy phá vỡ viên tẩm của Tô Mạt Nhi. Trước khi Nhật Bản đầu hàng, viên tẩm của Tô Mạt Nhi bị trộm, cửa địa cung bị mở toang trong thời gian dài. Ngày nay, Bảo Đỉnh trong mộ của Tô Mạt Nhi vẫn còn được bảo tồn, hàng năm đều có rất nhiều du khách tới đây để tưởng niệm Tô Mạt Nhi, nhớ tới người phụ nữ truyền kỳ này.