Trước hết, chúng ta cần biết rằng trên thế giới này có rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, chẳng hạn như sự biến mất bí ẩn của các máy bay tại Tam giác quỷ Bermuda, việc phát hiện Quái vật hồ Loch Ness, bức tượng Moai bí ẩn nhất trên đảo Phục Sinh hay sự xuất hiện của kim tự tháp cổ đại.
Trong số những thành tựu văn minh tiêu biểu của thế giới cổ đại, kim tự tháp chính là công trình kỳ bí bậc nhất. Hàng nghìn năm đã trôi qua, mặc dù trình độ văn minh của nhân loại đã có những phát triển vượt bậc, song khi nghiên cứu về các kim tự tháp có thể thấy những gì người Ai Cập cổ đại để lại vẫn còn là bí ẩn mà khoa học không dễ giải thích.
Kỳ lạ nhất là những xác ướp và lời nguyền bên trong kim tự tháp. Howard Carter là một nhà khảo cổ học và nhà Ai Cập học người Anh. Ông đã cùng với đoàn các nhà khảo cổ học hoàng gia trong đó có Huân tước Lord Carnarvon (người tài trợ cho cuộc khai quật) phát hiện thấy xác ướp của Pharaon Tutakhamon vào tháng 11/1922. Khi tiếp cận cửa ngôi mộ, Howard Carter và Huân tước Lord Carnarvon đã giật mình trước một tảng đá có khắc lời đe dọa đáng ngại: "Thần Chết sẽ đến với kẻ quấy rầy sự bình yên của Nhà vua". Tuy nhiên sau đó lăng mộ đã được mở ra và người ta phát hiện ra vị Pharaoh nổi tiếng cùng với kho báu chứa gần 5.400 vật phẩm.
Vụ việc đầu tiên làm dấy lên tin đồn về lời nguyền xảy ra vào đúng ngày lăng mộ của nhà vua bị xâm phạm, đó là con chim hoàng yến trong lồng của Howard Carter đã bị một con rắn hổ mang, biểu tượng của chế độ quân chủ Ai Cập, nuốt chửng.
Ngay sau đó, những số phận kỳ lạ ập đến với những người đã vào lăng mộ. Sáu tuần sau khi mở cửa lăng mộ của Pharaoh Tutankhamen, Huân tước Lord Carnarvon đã chết vì bị… muỗi đốt. Vài giờ sau khi Lord Carnarvon qua đời, con chó yêu quý của ông đã kêu lên một tiếng và chết. Người tiếp theo của lời nguyền là Hoàng tử Ali Kamel Gahmy Bey của Ai Cập, bị vợ bắn chết. Kế đến là người anh cùng cha khác mẹ của Lord Carnarvon chết vì nhiễm độc máu. Và nhiều người trong đoàn thám hiểm cũng đã chết đầy bí ẩn.
Cuối cùng là Howard Carter, người đã mở lăng mộ đã chết một thập kỷ sau đó vào ngày 2/3/1939.
Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp tử vong kỳ lạ của các nhà khảo cổ sau khi khám phá kim tự tháp. Những người từng vào lăng mộ như triệu phú người Nam Phi Woolf Joel bị sát hại vài tháng sau chuyến viếng thăm lăng mộ. Nhà tài chính George Jay Gould cũng chết vì sốt, sáu tháng sau chuyến thăm...
Vậy kim tự tháp có thực sự bị nguyền rủa?
Theo Tiến sỹ Penny Wilson, nhà khảo cổ học đồng thời là chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Durham, người Ai Cập cổ đại sớm tính tới chuyện ngăn những kẻ tới trộm mộ.
Vi khuẩn được cho là được đưa vào xác ướp trước khi đóng kín, dẫn tới việc những người tham gia khai quật tử nạn vì nhiễm trùng máu.
Trong khi đó, Giáo sư DeWolfe Miller, Giảng viên khoa dịch tễ học tại trường Đại học Hawaii công bố nghiên cứu của mình về "lời nguyền chết chóc". Nghiên cứu này nhận được nhiều sự đồng thuận từ giới khảo cổ.
Nội dung bản nghiên cứu có đề cập tới việc tồn tại những vi khuẩn, mầm bệnh cực độc trong lăng mộ. "Những mộ cổ nghìn năm mới mở, bên trong không chỉ có xác ướp, còn rất nhiều thứ như động thực vật chôn theo người chết. Môi trường vệ sinh không sạch sẽ nên tồn tại nhiều vi khuẩn cực độc là điều không ngạc nhiên", Giáo sư Miller đưa ra quan điểm.
Jennifer Wegner, nhà Ai Cập học đến từ Đại học Pennsylvania ở Philadelphia cũng cho rằng những lăng mộ nghìn năm tuổi chắc chắn chứa nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc cực độc.
Có thể, đây là nguyên nhân dẫn tới việc tử vong cùng những căn bệnh lạ. Còn những trường hợp tự tử hay qua đời từng bị đồn thổi liên quan tới lời nguyền xác ướp, có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.