Những người ái nam ái nữ (còn gọi là lưỡng tính hay đa giới tính) khi sinh ra đã có cơ quan sinh dục bất thường, có thể có cả buồng trứng và tinh hoàn. Họ khác với người đồng tính là những người có cấu tạo cơ thể bình thường.
Cùng tìm hiểu về những nhân vật ái nam ái nữ nổi tiếng trong lịch sử nhé!
Hoàng đế Ai Cập cổ đại Akhenaten
Hoàng đế Akhenaten trị vì Ai Cập vào khoảng giữa năm 1.300 trước Công nguyên. Ông đã cách mạng hóa đời sống của người dân Ai Cập cổ đại bằng việc du nhập thuyết đơn thần (trước đó người dân Ai Cập cổ đại theo thuyết đa thần giáo).
Akhenaten kết hôn với Nefertiti và đã có ít nhất 6 cô con gái. Mặc dù vậy, ông không phải là nam giới thực thụ. Năm 2008, tiến sĩ Irwin Braverman, một nhà vật lý của Đại học Yale (Mỹ) đã kết luận điều này sau khi phân tích các bức ảnh hoàng đế Akhenaten tại một hội thảo thường niên ở Đại học Y Maryland về cái chết của những nhân vật lịch sử.
Tiến sĩ Braverman đã thực hiện nghiên cứu của mình trên các bức tượng và các tác phẩm điêu khắc. "Thực tế, Akhenaten có ngoại hình ái nam ái nữ. Hoàng đế Ai Cập có vóc dáng nữ tính với cái đầu hình trứng, hông rộng và ngực nở nhưng ông ấy vẫn có khả năng "đàn ông" và đã sinh ra 6 cô con gái", tiến sĩ Braverman nói.
Tiến sĩ Irwin Braverman tin rằng hình dáng phụ nữ của vị pharaoh này là kết quả của đột biến gene, khiến cơ thể Akhenaten sản sinh nhiều hoóc môn nữ hơn bình thường.
Vận động viên điền kinh Stanislawa Walasiewicz
Stanislawa Walasiewicz (còn được gọi là Stella Walsh) sinh năm 1911 tại Wierzchownia, Ba Lan. Gia đình Walasiewicz đã di cư sang Mỹ khi cô mới 3 tháng tuổi. Walasiewicz bắt đầu sự nghiệp thể thao của mình ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ sau đó cô đại diện cho Ba Lan tham gia Thế vận hội Olympic năm 1932 và giành huy chương vàng môn điền kinh ở cự ly 100m.
Walasiewicz tiếp tục là một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Năm 1947, cô nhập quốc tịch Mỹ và kết hôn với võ sĩ quyền anh Neil Olson. Năm 1951, Walasiewicz giành huy chương vàng cuối cùng môn điền kinh ở giải quốc gia Mỹ khi đã 40 tuổi. Cô được ghi tên vào Bảo tàng Danh vọng môn Điền kinh năm 1975.
Năm 1980, Walasiewicz bị giết chết trong một vụ cướp có vũ trang ở Cleveland, cô qua đời ở tuổi 69. Khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện Walasiewicz có cả bộ phận sinh dục nam. Các cuộc điều tra gần đây cũng cho thấy Walasiewicz có cặp nhiễm sắc thể XY của nam giới.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi về giới tính của Walasiewicz, mặc dù các tài liệu chính thức vẫn ghi nhận Walasiewicz là nữ.
Nhà hoạt động xã hội Cheryl Chase
Ngày 14/8/1956, khi Cheryl Chase cất tiếng khóc chào đời, các bác sĩ đã không cho mẹ cô nhìn con mà chẳng giải thích lý do. 3 ngày sau, mẹ cô mới được biết bộ phận sinh dục của Chase trông rất dị thường. Cơ thể bé có thể sản sinh cả trứng lẫn tinh trùng. Bé có dạ con, âm vật nhưng lại có cả cơ quan sinh dục ngoài giống nam giới.
Chase sống như một cậu bé cho đến khi một tuổi rưỡi, các bác sĩ ở bệnh viện thành phố Manhattan, Mỹ đã phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục ngoài của cô. Các bác sĩ nói Chase không phải con trai mà là con gái và khuyên bố mẹ Chase đổi tên cho cô rồi chuyển đến sống ở thành phố khác để không ai biết.
Tuổi thơ Chase luôn cảm thấy lạc lõng với bạn bè đồng trang lứa. Sau này, Chase tốt nghiệp ngành Toán học tại Viện công nghệ Massachusetts và tiếp tục học tiếng Nhật tại Đại học Harvard.
Năm 1993, Chase thành lập Hội những người đa giới tính ở Bắc Mỹ với mong muốn giúp hội viên không phải xấu hổ và giữ bí mật về tình trạng giới tính của mình. Chase cũng kêu gọi ngừng ngay các cuộc phẫu thuật đã để lại trong cô những vết thương. Theo cô, các bác sĩ đã coi hiện tượng đa giới tính là một cái gì đó quái đản, làm cho những người này không thể hòa nhập với xã hội.
Năm 1997, Chase thực hiện bộ phim "Người lưỡng tính lên tiếng", bộ phim tài liệu đầu tiên trong đó những người đa giới tính công khai nói về trải nghiệm của cá nhân của họ. Bộ phim đã được trình chiếu tại hàng chục liên hoan phim trên 4 lục địa, trong giảng đường Đại học và các hội nghị Y học, Đạo đức học, Tâm lý học.
Tả quân Lê Văn Duyệt
Lê Văn Duyệt (1764-1832) bẩm sinh đã ái nam ái nữ chứ không phải chịu hoạn khi làm quan. Theo sử cũ, ông sinh ra đã có bộ phận sinh dục khác thường.
Sách Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có viết: "Lê Văn Duyệt có tổ tiên là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; cha là Toại dời đến ở tỉnh Định Tường, sinh được 4 con trai. Duyệt là con trưởng nhưng sinh ra không có dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực. Năm Canh Tý (1780) Thế tổ (Nguyễn Ánh - Gia Long) lên ngôi vương ở Gia Định, Duyệt năm ấy 17 tuổi, được tuyển dụng làm Thái giám..."
Từ đó trở đi, cuộc đời của Lê Văn Duyệt gắn bó chặt chẽ với Nguyễn Phúc Ánh. Nhờ có biệt tài cầm quân, Lê Văn Duyệt dần dần trở thành võ tướng xuất sắc. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định. Ông đã cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832).
Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Trong thời gian ở Gia Định, ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng.
Không chỉ vậy, Lê Văn Duyệt còn có tài đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông cai quản đất Nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định để mua bán, trao đổi hàng hoá. Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta.
Những nhà sử học, giáo sư chuyên ngành và học giả có tên tuổi trong nước tại các hội thảo của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP HCM, Tạp chí Xưa và Nay... đều đánh giá Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự.