1. Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê là trò chơi được nhiều thế hệ trẻ thơ yêu thích. Để chơi được trò này, có một người "bị", phải lấy khăn bịt mắt. Những người còn lại chạy xung quanh, đến khi một người hô bắt đầu thì phải đứng yên thành vòng tròn xung quanh người "bị". Người "bị" sẽ quờ tay tìm kiếm, nếu bắt được "dê" thì phải đoán được tên "dê". Nếu đoán trúng, con "dê" bị bắt trở thành người "bị" tiếp theo.
Ở nhiều nơi, trò chơi này được biến tấu đi, "dê" chạy xung quanh, vỗ tay, gọi tên người "bị". Người "bị" phải nghe theo tiếng, xác định phương hướng xem "dê" ở đâu để đi bắt.
2. Trốn tìm
Có lẽ, không ai ở thế hệ 7x, 8x là chưa chơi trốn tìm năm, mười. Kể cả các bạn trẻ 9x, 10x cũng rất "cuồng" trốn tìm năm, mười mỗi khi có hội cùng chơi.
Người bị sẽ bịt mắt, thường úp mặt vào tường, đếm "năm, mười, mười lăm, hai mươi,...", cho tới một trăm. Trong thời gian đó, những người khác đi trốn. Sau đó, người "bị" đi tìm. Ai bị phát hiện sẽ phải làm người đi tìm trong lượt tiếp theo.
3. Ô ăn quan
Ô ăn quan là trò chơi trí tuệ rất được trẻ em thế hệ xưa yêu thích. Ngày nay, bọn trẻ ít khi chơi trò này, bởi bố mẹ thường thích cho con rèn trí tuệ bằng các trò chơi hiện đại. Ngoài ra, các ông bố bà mẹ cũng không thích con vẽ bẩn ra nhà, ra sân, trong khi trò ô ăn quan cần một bàn cờ, thường được vẽ bằng phấn.
Bàn cờ ô ăn quan là hình chữ nhật lớn chia làm 10 ô nhỏ, hai đầu có hai vòng cung lớn. Ở hai ô to đặt mỗi ô một viên sỏi lớn, tượng trưng cho quan, các ô nhỏ mỗi ô đặt năm viên sỏi nhỏ, tượng trưng cho quân.
Trò chơi ô ăn quan có hai người tham gia. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần lấy sỏi trong một ô để rải. Nhưng để chiến thắng cần phải tính toán đường đi, nước bước khôn ngoan.
4. Trồng nụ trồng hoa
Trồng nụ trồng hoa là trò chơi được các chị em 7x, 8x rất ưa thích khi còn nhỏ. Trong trò này, có hai người "bị" cùng một lúc. Hai người này sẽ ngồi duỗi chân, chạm vào nhau làm mầm, rồi sau đó dần dần đặt bàn chân, bàn tay lên trên để làm thành nụ, thành hoa,... Những người chơi còn lại lần lượt nhảy, qua là thắng, không qua là thua, phải vào làm người "bị".
Trò chơi dân dã này cực kỳ phổ biến với các thế hệ 7x, 8x. Đến tận bây giờ, trong các trường mầm non, trò chơi này vẫn được sử dụng để rèn luyện sức khỏe cho trẻ. Tất nhiên, nụ, hoa chỉ được "trồng" thấp, để không gây nguy hiểm cho các bé.
5. Gọi màu
Chẳng biết trò chơi gọi màu do ai nghĩ ra và phổ biến, chỉ biết, khoảng 10-20 năm về trước, chẳng đứa trẻ nào là không biết đến trò chơi dân dã này. Luật chơi cực kỳ đơn giản, oẳn tù tì, ai thua phải đứng lên trên một quãng xa với những người còn lại.
Người "bị" sẽ gọi tên màu sắc, trên trang phục của ai có màu đó thì bước lên trên một bước. Cho đến khi có người chạm được vào người "bị", tất cả sẽ phải đứng lên gần người "bị". Sau đó, đọc một bài vè, hoặc đếm số. Khi kết thúc, tất cả chạy về vạch xuất phát, người "bị" đuổi theo sau. Nếu bắt được ai, người đó sẽ phải lên đứng "bị" lượt kế tiếp.
Nhớ về tuổi thơ, bất kể ai 7x, 8x cũng đều mỉm cười vì nhớ đến những lúc soi từng milimet trên trang phục để tìm màu chuẩn; những lúc cãi cọ xem logo trên áo màu hồng hay màu tím,...
6. Nhảy dây
Ngày xưa, mỗi khi đến lớp, trong cặp sách của cô học trò nào cũng có một sợi dây nối từ dây nịt (dây chun). Mỗi lần tới giờ ra chơi, mọi người lại cùng nhau đem ra nhảy.
Có hai người "bị" đứng cầm hai đầu dây, nâng từ thấp tới cao theo các bậc: dẫm, gót chân, đầu gối, hông, nách, mang tai, đầu, gang tay, sải tay. Có hai kiểu chơi: dây một, dây hai. Dây một thì chỉ cần nhảy qua là xong, dây hai thì phải nhảy thành bài: nhảy vào giữa, hai chân sang hai bên dây, hai chân vào trong dây, rồi nhảy ra ngoài. Nếu chơi theo đội, có người trong đội không nhảy được, một người khác giỏi hơn sẽ phải cứu bằng cách nhảy thay phần của người kia.
Trò chơi nhảy dây gắn liền với hình ảnh các nữ sinh Việt Nam, từ thế hệ 7x, 8x cho đến bây giờ, nó vẫn là trò chơi phổ biến trong giờ ra chơi ở các trường học.
7. Chơi chuyền
“Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện giăng tơ, quả mơ có hạt...” là bài đồng dao mà thế hệ 7x, 8x thuộc nằm lòng. Đây là trò chơi được đọc cùng mỗi lần chơi chuyền.
Để chơi trò này cần 10 que nhỏ (thường là bó đũa) và một vật hình tròn (ngày xưa thường dùng quả cam, quả quýt; sau này sử dụng bóng tennis). Cầm quả cầu ở một tay tung lên, nhặt từng que ở tay còn lại, cho đến hết bài đồng dao là thắng, hoặc làm rơi quả cầu thì mất lượt.
Thời trước, trò chơi này rất được thế hệ 7x, 8x ưa thích. Một vài bạn trẻ đầu 9x còn biết chơi chuyền, còn trẻ nhỏ bây giờ hầu như không biết tới trò chơi này. Quả thật rất khó để tìm được hình ảnh một bé gái ngồi trước cửa nhà, tung bóng, nhặt đũa chơi chuyền ở thời điểm hiện tại, nhất là tại các thành phố lớn.
8. Cướp cờ
Cướp cờ là một trò chơi dân dã khá phổ biến, thậm chí, nó còn được sử dụng trong giờ thể dục ở các trường học để tạo không khí vui tươi.
Cờ được đặt ở giữa (có khi thay bằng dép, ống lon). Hai đội đứng ở hai vạch xuất phát, được đánh số. Trọng tài ở ngoài hô số nào, người mang số ấy đi lên, cố gắng cướp cờ về đội mình. Nếu thấy hai người được gọi quá lâu, trọng tài có thể gọi thêm số khác lên hỗ trợ, hoặc "tổng động viên" cả đội.
9. Bắn bi
Những viên bi đầy màu sắc luôn là vật bất ly thân của các bé trai. Trò chơi này đòi hỏi độ chính xác, sự khéo léo cao. Cách bắn bi khác nhau ở miền Nam và miền Bắc. Ngoài Bắc, có hai cách thường được sử dụng:
Cách thứ nhất, kẹp viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, móng của ngón giữa tiếp xúc với đốt ngón tay cái. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay trỏ cho viên bi bắn ra.
Cách thứ hai, ngón tay trỏ cuộn viên bi vào giữa, gập ngón tay cái vào phía trong ở phía sau bi. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay cái cho bi bắn ra.
Ở miền Nam, bi được bắn bằng hai tay, tay trái ngón cái, trỏ và giữa kẹp viên bi, tay phải ngón cái chấm đất ngón giữa đặt sau viên bi, nhắm mục tiêu rồi bật ra.
Ngày xưa, hầu hết các bé trai đều sử dụng bi ve màu xanh. Nếu ai có viên bi sứ trắng, to gấp đôi bi ve bình thường là thuộc hàng "sang chảnh", là mơ ước của nhiều đứa trẻ khác.
10. Nhảy lò cò
Nhảy lò cò là trò chơi được cả phái nam lẫn phái nữ yêu thích. Trò chơi này còn có tên là nhảy ngục, bởi người chơi nhảy trong một ô được vẽ trên mặt đất.
Người chơi thường dùng phấn vẽ lên nền gạch xi măng ô nhảy lò cò, mỗi nơi lại có một cách vẽ khác nhau, sau đó nhảy lên các ô này theo luật. Trò chơi còn có luật tậu ruộng, bằng cách đứng quay ngược lại ném một mảnh ngói nhỏ, hoặc quả cầu giấy cuộn lại, trúng ô nào là ô đấy thành ruộng của người đó, người khác không được nhảy vào.
Nhảy lò cò là trò đơn giản, dễ chơi, giúp rèn luyện sức khỏe, được đông đảo trẻ em từ nông thôn ra thành phố yêu thích.