Rất lâu sau cái chết của y, người con trai duy nhất của y mới dám lên tiếng về tội ác của cha mình.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng ở nhà tù Auschwitz
Trại tập trung nổi tiếng Auschwitz trong một buổi chiều tối nhá nhem càng trở nên đượm màu tối tăm và u ám. Sau những khung sắt xám xịt, nặng nề là những gương mặt tù binh bị tra tấn bởi đòn roi, đói khổ và bệnh tật. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong nhà tù hoặc được đưa vào đây cùng với bố mẹ chúng khi còn quá nhỏ, cũng chịu chung số phận của những tù binh ở nơi đây.
Chúng tha thẩn chơi trong bốn bức tường một cách câm lặng. Những đứa trẻ bé hơn thi thoảng khóc ré lên rồi lại nhanh chóng nín bặt. Trong không khí đặc quánh đó, tiếng giày gõ lộp cộp ở hành lang của trại giam vọng đến tất cả các phòng.
Những gương mặt tù nhân như thoáng ánh lên sự mừng rỡ khi nhận ra sự xuất hiện của Joseph Mengele – vị bác sĩ với đôi găng tay trắng mới xuất hiện ở trại giam này. Joseph Mengele đi xuyên qua những hành lang, mỉm cười nhìn những tù binh đang hớn hở vẫy chào mình. Joseph Mengele tiến tới một phòng giam, nơi có nhiều trẻ em nhất, trong đó có những cặp sơ sinh.
Y chìa tay ra, trên tay Mengele là những thanh socola ngọt ngào và những chiếc kẹo lấp lánh màu sắc. Lũ trẻ con thoáng ngần ngại rồi ào đến bên song sắt nhận những chiếc kẹo trên đôi bàn tay đeo găng trắng của y. Chúng mừng rỡ nhai ngấu nghiến những thanh kẹo, còn Mengele thì khẽ nhếch mép cười rồi quay đi.
Trong một căn phòng kín, Joseph Mengele đứng quay lưng về phía cửa. Những cặp trẻ sơ sinh lúc chiều mới hớn hở nhận kẹo của y đang đứng thành hàng dựa lưng vào tường. Joseph Mengele lạnh lùng tiến đến gần chúng, y vạch lên tường nhà tù 1 vạch cách mặt đất từ 150 đến 156cm. Những đứa trẻ vượt qua vạch này được giữ lại.
Trong khi đó, những đứa trẻ không đủ chiều cao ngay lập tức được đưa vào một căn phòng khác. Tại căn phòng đó, Joseph Mengele cho bơm đầy hơi. Những đứa trẻ bị ngạt kêu khóc ầm ĩ nhưng ngoài Joseph Mengele ra, không một ai có thể nghe thấy tiếng của chúng, cho đến khi chúng lả đi và chết. Những đứa trẻ có đủ chiều cao sau đó sẽ trở thành những vật thí nghiệm trong các công trình nghiên cứu của Joseph Mengele.
Một trong những thí nghiệm kinh điển của Joseph Mengele là thử nghiệm tính di truyền trên cơ thể của các cặp sinh đôi và làm cách nào để xác định được họ. Mỗi đợt, hắn áp dụng khoảng 10 cặp song sinh. Joseph Mengele tiêm mẫu máu từ người sinh đôi này sang người kia với loại máu khác nhau và ghi nhận phản ứng.
Điều này đã gây ra những cơn đau đầu dữ dội và sốt cao kéo dài nhiều ngày cho những đứa trẻ này. Những đứa trẻ sau đó được tiêm thuốc ngủ rồi sử dụng chất gây mê chloroform để giết chết, sau đó y tiến hành mổ xẻ thi thể các nạn nhân để so sánh với các cặp sinh đôi khác.
Để xác định xem màu mắt có thể được biến đổi gen hay không, Mengele đã tiêm thuốc nhuộm vào mắt của một số đối tượng sinh đôi này. Nếu cặp song sinh chết, Mengele sẽ thu lượm các đôi mắt của chúng và gắn lên các bức tường của văn phòng của hắn, giống như người ta thu thập những mẫu côn trùng. Trẻ nhỏ cũng thường xuyên bị đặt vào một chiếc lồng kín hơi và phải chịu một loạt các kích thích khác để tên bác sĩ máu lạnh xem phản ứng. Một số cặp song sinh thì bị thiến hoặc triệt sản.
Nhiều cặp song sinh khác thì bị cắt bỏ tay chân. Một số khác lại bị tiêm với tác nhân lây nhiễm để xem cơ thể của chúng sẽ chống chọi bao lâu với bệnh tật. Và rất nhiều trẻ bị Mengele phẫu thuật mà không dùng thuốc mê. Không chỉ thực hiện những thí nghiệm tàn độc, Mengele còn được coi là một cỗ máy giết người của Đức Quốc xã khi hàng nghìn tù binh đã được y “thanh toán” bằng những cách khác nhau. Những người phụ nữ bị đánh bầm dập đến tóe máu, những tù binh yếu ớt được đưa vào phòng ngạt.
Một lần, khi thấy trại tập trung quá chật chội, Mengele đã ra lệnh đào chiến hào, và sau đó đổ đầy xăng và đốt cháy rồi cho ném cả người chết và người sống, người lớn cũng như trẻ em và trẻ sơ sinh xuống đó.
Sau tất cả những công cuộc thí nghiệm và giết người không ghê tay, y vào nhà vệ sinh, lấy một miếng xà phòng thơm từ túi áo, rửa tay sạch sẽ và đeo trở lại chiếc găng tay trắng quen thuộc. Xong xuôi, y bước ra khỏi nhà vệ sinh, thản nhiên vừa huýt sáo theo nhịp điệu nhạc của Wagner, trên khuôn mặt nở một nụ cười đầy thỏa mãn.
Đứa con trai duy nhất và ám ảnh tội lỗi
Với tất cả những tội ác mà Josef Mengele đã gây ra, y được mệnh danh là tay “bác sĩ thần chết”, "ác quỷ trong hình người" hay "biểu tượng của quỷ dữ”. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Josef Mengele nằm trong danh sách của những tội phạm tàn ác cần truy nã. Gần đây, cuốn nhật ký và những bức thư của Josef Mengele được Cục Lưu trữ của cảnh sát ở Sao Paulo, Brazil công khai.
Điều quan trọng là những cuốn nhật ký và những lá thư đó được cung cấp bởi chính con trai của Josef Mengele. Rolf Mengele đã phá vỡ nhiều năm im lặng của gia đình để nói về một góc khác trong cuộc sống của Josef Mengele trong những năm trốn chạy tội ác của mình.
Rolf Mengele là con trai duy nhất của Josef Mengele với người vợ đầu tiên là Irene Schonbein. Hai người lấy nhau vào năm 1939 và Rolf Mengele sinh ra vào ngày 11 tháng 3 năm 1941. Năm năm sau khi Mengele di cư đến Buenos Aires năm 1949, người vợ Irene quyết định li dị với Josef Mengele.
Rolf Mengele Rofl nói rằng mẹ ông là một con người truyền thống. Bà không biết về những điều mà Mengele đã làm trong chiến tranh. Bà luôn tin là chồng mình đi điều trị cho những tù nhân bị thương hàn và sốt phát ban ở trại tập trung Auschwitz nhưng bà không thể theo Josef Mengele đến sinh sống ở nơi đó. Vì thế mà họ đã quyết định li hôn. Từ khi còn là một đứa trẻ 3, 4 tuổi, Rofl đã không còn nhìn thấy mặt cha.
Rolf nói ông không bao giờ biết về việc bố mẹ mình ly dị. Rolf Mengele cho biết ông đã gặp cha của mình chỉ có hai lần trong một kỳ nghỉ trượt tuyết tại Thụy Sĩ vào năm 1956, khi ông được 12 tuổi và 21 năm sau đó trong chuyến thăm hai tuần tới Sao Paulo. Tuy nhiên, người đàn ông mà Rolf đã gặp ở Thụy Sĩ, được giới thiệu với Rolf như một người chú tên là Helmut Gregor.
Trong buổi sáng, Rolf và người anh em họ của mình trèo lên giường với người chú, và người chú đó kể cho họ những câu chuyện về cuộc chiến trên mặt trận Nga. Lần đầu tiên trong cuộc sống của mình Rolf được cưng nựng và được phép gọi món ăn trong một nhà hàng như một người lớn, được nói với người phục vụ những gì mình muốn. Đó là kỳ nghỉ mùa đông tuyệt vời nhất mà Rolf từng có. Và “người chú” mà anh được gặp trong thời gian đó, sau này Rolf mới biết đó chính là cha mình, Josef Mengele.
Nhiều năm về sau đó, người “chú” của Rofl thường xuyên gửi thư về cho ông, khi thì ở Achentina, khi thì từ Paragoay hay Brazin. Những cái tên mỗi lúc cũng khác nhau. Những bức thư và nhật ký của Josef Mengele tiết lộ nhiều chi tiết mới về cuộc sống lưu vong của kẻ mệnh danh là “thần chết” tại trại tập trung Auschwitz. Đầu tiên y trốn đến một nông trang gần quê hương Gunzburg.
Nhưng sau đó thấy rằng không thể an toàn, Mengele lại di cư sang Nam Mỹ, y chuyển đến Achentina năm 1949, Paragoay năm 1959 và cuối cùng là Braxin. Ngày 07 tháng 2 năm 1979, Mengele chết trên bãi biển tại Bertioga, Embu, Braxin, do bị một cơn đột quỵ trong khi bơi lội trên biển.
Y đã trốn chạy suốt 30 năm trời dưới những tên giả như Fritz Fischer, Walter Hasek, Tiến sĩ Helmut Gregor, Jose Aspiazi, Friedrich Edler von Breitenbach, Tiến sĩ Henrique Wollmann và cuối cùng là Wolfgang Gerhard. Trên bia mộ của Mengele ở Embu das Artes được ghi tên "Wolfgang Gerhard". Trong lúc các cơ quan điều tra còn đang nghi ngờ về tính xác thực của ngôi mộ của Josef Mengele, chính Rolf Mengele là người đã đứng ra để xác nhận đó chính là mộ của cha mình, bằng cách thử ADN.
Khi quyết định công bố những tài liệu của cha mình cũng như lên tiếng về cái chết của cha, Rolf đã là một luật sư 41 tuổi, sống ở một thành phố thuộc phía Nam nước Đức. Rolf Mengele đã làm việc này trong một nỗ lực muốn thay đổi một phần câu chuyện của cha mình để đỡ cắn rứt lương tâm và để dư luận thấy được một phần tốt nào đó trong con người của Josef Mengele.
Những tài liệu cho thấy tính cách tư sản ngược đời của Mengele, về khả năng kìm chế của hắn, về sự mâu thuẫn khó hiểu giữa con đường đến với khoa học nhưng đầy thú tính và sự yếu đuối của hắn trước vẻ đẹp của nghệ thuật. Tuy nhiên, các tài liệu đều khẳng định sự tàn bạo của Mengele tại trại tập trung Auschwitz.
Rofl giải thích lí do vì sao ông ta đã im lặng suốt hàng bao thế kỉ, bởi vì những vết thương mà ông và gia đình phải chịu đựng trước những phán xét đối với tội ác của cha mình. Một phần, Rolf nói rằng ông muốn bảo vệ cho những người đã giúp đỡ cha mình trong quá trình Mengele trốn chạy.
Nếu những tài liệu được công bố sớm, họ có thể bị đưa ra truy tố, đó không phải là cách mà Rolf muốn trả ơn cho những người đã giúp Josef Mengele. Việc Rolf lên tiếng giống như một cách chuộc lỗi cho cha, và trong một nỗ lực để xóa bỏ sự kỳ thị đối với vết nhơ của gia đình mà Mengele đã gây ra. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, đối với ông, Mengele không có một tội lỗi nào cả, vì dù thế nào đi chăng nữa Mengele cũng là bố ông.