Trong sử sách, những mỹ nhân có cuộc đời bị thảm và chết trong cô quạnh không phải là ít, nhưng một kỹ nữ mà có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi các triều đại Trung Quốc như Trần Viên Viên thì cũng không có nhiều.
Giang Tô đệ nhất kỹ nữ
Trần Viên Viên là đại mỹ nhân của Trung Quốc thời kỳ cuối nhà Minh – đầu nhà Thanh. Nàng vốn họ Hình, sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo, gia cảnh khốn khó, mẹ Viên Viên sinh nàng chẳng được bao lâu thì mất, người cha đành gửi Viên Viên cho một người dì có chồng mang họ Trần, từ ấy, cái tên Trần Viên Viên gắn bó cùng nàng suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Người dì tuy không có công sinh thành, nhưng lại có công nuôi dưỡng, nhờ việc bà cho người đến dạy dỗ, Trần Viên Viên đã sớm thành thục cầm, kỳ, thi, họa. Với nhan sắc và tài năng của mình, Viên Viên lọt vào mắt xanh của kỹ viện nổi tiếng nhất Giang Tô bấy giờ, tiếng tăm của nàng đã nhanh chóng lan ra khắp thiên hạ, nhắc đến nàng, người đời mô tả lại rằng: "Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh”. Nàng còn được biết đến bằng cái tên “Giang Tô đệ nhất kỹ nữ”.
Món hàng trao tay của những kẻ quyền lực giữa thế kỷ 17
Có lẽ “Bi kịch nhan sắc” là cụm từ đúng nhất khi nói về cuộc đời của Trần Viên Viên. Sử sách viết lại, cuối thời Minh, Minh Tư Tông Sùng Trinh đế không sủng ái hoàng hậu, ngày đêm thân thiết vui vầy với một vị quý phi họ Điền, hoàng hậu vô cùng tức giận, bèn nghĩ cách chia cắt hai người. Nghe danh tiếng của Trần Viên Viên, bà liền vời nàng vào trong cung, tiến cử tới Minh Tư Tông, với mục đích để cho hoàng đế vì thế mà sẽ xa rời Điền quý phi, rồi dần dần sẽ sủng ái lại mình. Vào cung, mọi nhất cử nhất động của Trần Viên Viên đều nghe theo kế hoạch của hoàng hậu. Thế nhưng, hoàng hậu không thể ngờ rằng, với vẻ đẹp kiểu diễm và tài năng múa hát say mê lòng người của Viên Viên, Minh Tư Tông ngày càng sủng ái nàng hơn, luôn luôn giữ nàng bên cạnh, không cho rời nửa bước.
Đến những năm 1640, lúc bấy giờ nhà Minh đã suy tàn, khởi nghĩa của nhân dân bùng lên ở khắp mọi nơi, trong số đó mạnh nhất là Lý Tự Thành, đã đánh chiếm lấy ba thành trí lớn. Quan lại can gián, Minh Tư Tông mới tạm gửi Viên Viên cho vị quốc trượng họ Khuê để tránh điều tiếng ham mê tửu sắc và tập trung lo chuyện triều chính.
Trong phủ của Khuê quốc trượng, có một lần Viên Viên được vời ra để rót rượu múa hát, vẻ đẹp thuần khiết của nàng đã lọt vào mắt của một vị tướng nổi tiếng có tên là Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế say mê vẻ đẹp của Viên Viên, đem trong lòng thương mến. Sau này, khi quân Mãn Thanh ở miền biên giới nhăm nhe tiến đành, Minh Tư Tông của Ngô Tam Quế ra trần thủ Sơn Hải Quan, đồng thời tặng Viên Viên cho ông để khích lệ. Viên Viên từ ấy trở thành người của Ngô Tam Quế, tuy được Ngô Tam Quế yêu thương, nhưng do không muốn nàng phải lang thang nơi chiến trường chịu tên rơi đạn lạc, nên Viên Viên phải ở lại trong kinh thành.
Những tưởng rồi Tam Quế sẽ trở lại, cuộc đời của Trần Viên Viên sẽ yên bình trong cuộc sống với vị tướng quân tài giỏi, thì hạnh phúc chẳng tày gang, tai họa ập đến. Năm 1644, Lý Tự Thành đem quân đánh chiếm kinh thành, Ngô Tam Quế ở xa không kịp về ứng cứu, kết cục là Minh Tư Tông bị bức tử chết, nhà Minh sụp đổ, một giai nhân tài sắc tiếng tăm như Viên Viên cũng không thể tự cứu mình được, nàng bị Lý Tự Thành chiếm đoạt và cướp vào trong cung hầu hạ.
Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn ngủi, Viên Viên giống như một món hàng “trao đi bán lại” của những kẻ quyền thế, có lẽ khoảng thời gian với danh nghĩa là vợ của tướng quân Ngô Tam Quế là lúc vui vẻ hạnh phúc nhất với nàng, cũng thật không đáng là bao.
Nỗi oan khuất chiến tranh và cái chết cô đơn của kỹ nữ nổi tiếng một thời
Lúc này, Ngô Tam Quế đang chiến đấu với quân Mãn Thanh, nghe tin Lý Tự Thành cướp ngôi, vốn đã định đầu hàng. Thế nhưng ,ngay khi nghe tin vợ yêu của mình là Trần Viên Viên bị chiếm đoạt, Ngô Tam Quế đùng đùng nổi giận, liên kết với quân đội Mãn Thanh (bấy giờ đứng đầu là Đa Nhĩ Cổn) đem quân quay về đánh kinh thành. Đây là một quyết định rất quan trọng ảnh hưởng nhất đến lịch sử Trung Quốc bấy giờ. Cuộc chiến tranh lần hai này được sử sách ghi chép lại đã trở thành cuộc nội chiến vô cùng đẫm máu, khiến rất nhiều binh lính và dân thường thương vong, làng mạc xác xơ hoang tàn, cảnh tượng máu chảy đầu rơi khắp chốn. Chẳng thế mà, người đời đều oán than, căm thù, phỉ báng Trần Viên Viên, vì cho rằng nàng chính là nguyên nhân gây ra tất cả, cứ như vậy, nỗi oan khuất chiến tranh đã giáng xuống đầu của nàng kỹ nữ tài sắc vô tội này.
Sau đó, quân Mãn Thanh dẹp được Lý Tự Thành, mở ra một trang mới cho lịch sử Trung Quốc. Ngô Tam Quế nhờ vậy cũng trở thành một vị đại quan của nhà Thanh. Thế nhưng, cay đắng thay cho Trần Viên Viên, do lo ngại bị điều tiếng lấy phải kỹ nữ, Ngô Tam Quế liền đưa nàng lên sống cô đơn trên một ngôi chùa vắng ở Côn Sơn - Vân Nam. Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh – Thanh trở thành một vị đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh.
“Tài hoa mà bạc mệnh”, có lẽ cuộc đời của Trần Viên Viên chính là một tiêu biểu cho rất nhiều mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc bấy giờ…