Trải qua những biến thiên, dâu bể của thời cuộc, những ngôi mộ cô đơn nằm nép mình trong bốn bức tường đá phủ rêu phong dần bị người đời lãng quên. Mỗi ngôi mộ thái giám ở nghĩa trang là một cuộc đời bi thương nhiều nước mắt, không có người chăm lo hương hỏa, tưởng nhớ.
Mặc dù họ không chết “cùng ngày, cùng tháng, cùng năm” nhưng các thái giám triều Nguyễn lại có chung ngày giỗ vào ngày rằm tháng 11 hàng năm. Nhưng hàng trăm năm qua, trên những ngôi mộ đó không còn một nén nhang của người thân thích.
Cuộc đời những hoạn quan
Theo sử cũ truyền lại thì thái giám là một bộ phận người hầu “đặc biệt” làm việc trong hoàng cung, dưới các triều đại phong kiến Phương Đông. Hơn 2 ngàn năm tồn tại, chế độ quân chủ nước Nam cũng đã hình thành nên hệ thống thái giám đông đảo.
Vị thái giám nổi danh trong lịch sử Việt Nam cũng chính là danh tướng đã làm nên chiến thắng trận tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược (1075 - 1077) và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Nam “Nam quốc sơn hà” đó là danh tướng Lý Thường Kiệt.
Sử cũ chép lại, ông vốn là một hoạn quan dưới ba triều vua Lý (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông – PV). Sau khi đánh bại nhà Tống, chiến thắng quân Chiêm Thành, ông mất tại quê nhà, hưởng thọ 86 tuổi, kết thúc cuộc đời của một vị thái giám đầu tiên trong triều đại phong kiến Việt Nam có công đức và đóng góp to lớn cho đất nước.
Theo nhà nghiên cứu Huế, ông Phan Thuận An, thái giám được chia làm hai loại là: giám sinh và giám lặt. Cũng như những triều đại phong kiến khác, triều Nguyễn cũng tuyển chọn thái giám để giám sát đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa chốn hậu cung.
“Trong chốn tam cung lục viện triều đình có đến hàng chục thái giám phục vụ. Ở giai đoạn đầu, mỗi đời vua thường xuyên có khoảng chừng 200 người, cả giám sinh lẫn và giám lặt phục vụ.
Họ được tuyển chọn từ những đứa trẻ 12-13 tuổi, dạng ái nam, ái nữ ở các làng quê. Nếu làng nào tiến cử được nhiều thái giám thì sẽ nhận được ân huệ giảm thuế, giảm phu phen, tạp dịch” ông An cho biết.
Năm 1824, vua Minh Mạng ban chỉ các hạt (tương đương với tỉnh ngày nay) tuyển chọn “giám sinh” vào cung (là những người bẩm sinh ngay từ khi mới chào đời đã không có sinh thực khí dù của đàn ông hay đàn bà).
Cũng bởi vậy nên ở các làng quê thường truyền nhau câu cửa miệng “Ăn mà đẻ ông Bộ (người có khuyết tật về bộ phận sinh dục) cho làng nhờ”. Về thái giám lặt, họ là những người bình thường nhưng vì cuộc sống khốn khó nên chấp nhận bị thiến để được vào cung hầu hạ hoàng gia.
Trong sử cũ của triều Nguyễn còn ghi: “Các hoạn quan trước khi nhập cung phải trải qua những thủ thuật hết sức đau đớn gọi là “tịnh thân”. Bộ phận đảm nhận việc tuyển chọn thái giám sẽ dùng vật sắc như dao, kiếm cắt tận gốc của quý của nam nhân.
Hoặc chỉ cắt một phần, để lại một phần nhưng không thể quan hệ với nữ nhân…”. Theo miêu tả thì các cách thức hoạn này đều rất dã man và gây đau đớn kéo dài. Nhiều thái giám không chịu nỗi cơn đau đã đập đầu vào tường thành tự vẫn.
Sau chiếu chỉ tuyển chọn thái giám, vua Minh Mạng lại ban một chiếu chỉ với những quy định dành riêng cho các thái giám phục vụ trong cung:
“Cho họ người nào việc ấy để sai khiến hầu hạ nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm hàm quan chức. Vì chức vụ của họ là để nội đình sai khiến và truyền lệnh mà thôi.
Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự, kẻ nào vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha. Trẫm đã dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau...”.
Đây được xem là “đạo luật Thái giám” nhằm tránh tình trạng tiếm quyền, lộng hành chốn cung cấm.
Cũng vì người đời không ưa gì loại hoạn quan chuyên “cúi đầu, gập lưng” nên sử sách vẫn còn ghi lại nỗi oan của dũng tướng Lê Văn Duyệt, một người vốn xuất thân là “giám sinh” trong triều đình nhà Nguyễn.
Ông là một nhà quân sự tài ba, nhà chính trị xuất chúng đã có công giữ vững bờ cõi miền Nam, phát huy uy lực nước Việt với các quốc gia láng giềng. Ông đã tạo ra các mối quan hệ làm ăn, buôn bán với người phương Tây ở Gia Định (Sài Gòn ngày nay).
Sau khi ông mất, chỉ vì sự đố kỵ, ghen ghét, ông bị các quần thần trong triều vu khống kết án 7 tội trảm, 2 tội xử giảo, 1 tội phát quân, cho san bằng và xiềng mộ. Trên mộ ông còn ghi “Nơi hoạn quan chuyên quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước”.
Hơn 100 năm sau, đến thời vua Thiệu Trị ông mới được rửa nỗi oan khuất, cho tháo xiềng và đắp lại mộ chí. Đời sau vẫn ghi nhớ công ơn thái giám Lê Văn Duyệt với đất nước, nhân dân.
Trong những công việc hầu hạ chốn cung cấm, các thái giám phải đảm trách nhiệm vụ lo việc ân ái cho vua. Đây là công mệt nhất và cũng để lại trong lòng mỗi thái giám nỗi đau buồn lớn nhất. Sử cũ còn ghi:
“Vào mỗi đêm, thái giám làm nhiệm vụ sẽ thắp lồng đèn đỏ ở chỗ cung nữ được vua chọn để ân ái. Đến giờ lành, thái giám mang một tấm chăn ấm vào phòng và quấn cô cung nữ đang run rẩy, mắt nhắm nghiền, người không một mảnh vải che thân, vác qua những dãy trường lang và đến phòng vua.
Họ nhẹ nhàng trải tấm chăn có cô cung nữ đang độ xuân thì ấy đặt lên giường và lui ra đứng hầu ngoài cửa…”. Theo bố trí trong hậu cung, thái giám sau khi lo việc hầu hạ cho các cung tần, mỹ nữ được cho lui về nghỉ ngơi ở khu vực phía Bắc của hoàng thành, được gọi là Cung Giám viện.
Những dãy phòng lúp xúp nằm liền kề nhau là nơi ở của đủ các loại thái giám: già có, trẻ có, giám lặt, giám sinh… Vốn mặc cảm với cuộc sống bị người đời khinh ghét nên các thái giám rất ít khi trò chuyện, vui cười.
Họ lẳng lặng làm công việc hàng ngày rồi nép mình sau tấm màn của hậu cung. Nhưng khi màn đêm buông xuống, những cuộc đời bị ruồng bỏ càng thấm thía nỗi đau của “kẻ lạc loài”.
Người đời xưa vốn rất coi trọng nghĩa vụ truyền giống, xem đó là trách nhiệm của kẻ làm con trong gia đình. Nên mới có câu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Có ba điều bất hiếu, lớn nhất là không có con nối dõi tông đường – PV).
Đối với tổ tiên, cha mẹ, họ tự coi mình là tội nhân bất hiếu. Còn đối với bản thân, họ không thoát khỏi cái cảnh trăm năm cô đơn, và đến khi nhắm mắt, sẽ trở thành loài ma lang thang, không nơi nương tựa. Vào những đêm trăng thanh vắng, các Thái giám trải chiếu ngồi trò chuyện với nhau.
Câu chuyện của họ trở nên rầu rĩ, thê lương: “Là chim thì phải biết bay, qua chiều mới tới tối. Là ngựa là phải có bờm, cơn gió thì ắt có trái mùa”. Đó là quy luật sinh – lão – bệnh – tử trong cuộc sống.
Các Thái giám triều Nguyễn cũng không thoát khỏi quy luật đó, nhưng sau khi chết họ không có người chăm lo, thờ tự. Họ ôm nhau khóc và nước mắt cứ thế tuôn rơi trên tấm chiếu “dát vàng, trải bạc” của hoàng cung.
Những bí mật về nghĩa trang thái giám
Để tránh bát hương trở nên lạnh lẽo khi “về trời”, nhiều người đã chọn con nuôi để dạy dỗ và lo hậu sự về sau. “Dưới triều vua Thiệu Trị, các thái giám chiếm số lượng đông nhất trong các đời vua nhà Nguyễn. Do được ân vua nên các thái giám có cuộc sống khá sung túc, họ nhận con cháu trong dòng tộc làm con nuôi, thường xuyên cấp dưỡng để an ủi lúc về già.
Tuy nhiên, do luật lệ hà khắc chốn cung cấm nên các thái giám nhận con nuôi không được đưa vào cung mà phải ở ngoài cung”, theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết. Ý thức được nỗi đau của cuộc sống, thái giám Châu Phước Năng (đời vua Thiệu Trị) đã đứng ra quyên tiền trùng tu chùa Từ Hiếu và chọn ngôi chùa này làm nơi yên nghỉ về sau.
Sử sách triều Nguyễn còn ghi: “Năng là thái giám chuyên hầu hạ cho vua Thiệu Trị. Y được vua yêu mến bởi tính cách cần cù, chăm chỉ và rất hợp với tính vua. Ông vốn là một giám sinh, sinh ra trong gia đình địa chủ ở Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) nhưng do mặc cảm về thân phận nên xin vào cung làm thái giam.
Ông từng được gia đinh cho ăn học đàng hoàng nên kiến thức khá uyên sâu…”. Khi thấy thái giám Năng đứng ra xin tiền xây chùa, trong cung đã nảy sinh nhiều “lời ra, tiếng vào”. Có người nói, Năng ỉ lại vào việc được vua yêu mến mà đứng ra xin tiền, lấy làm của riêng.
Nhưng cũng có nhiều cung phi thái giám cảm thương đồng tình quyên góp phụ ông xây nghĩa trang. Họ cùng nhau quyên góp tiền bạc, ruộng đất để tôn tạo, mở rộng chùa Từ Hiếu. Ngoài cúng tiền bạc, ruộng đất vào chùa, họ còn soạn văn, khắc bia chùa và cúng tiền câu đối.
Bên cạnh đó các Thái giám triều Nguyễn còn thu hút nhiều khoản công đức khác cúng dâng chùa từ triều đình như Vua, Hoàng thái hậu... Từ đây chùa Từ Hiếu là nơi lo nhang đèn cho họ khi chết, khi sống họ có thể đi lánh mình, ra vào có bầu bạn tâm sự, ốm đau có thể chăm sóc lẫn nhau, chết và táng được đưa tiễn cùng nhau.
Cái tên “chùa thái giám” hay “chùa hoạn quan” cũng ra đời từ đây. Theo chân nhà nghiên cứu Huế, Phan Thuận An, chúng tôi đến “tận mục sở thị” nghĩa trang thái giám duy nhất còn sót lại ở Việt Nam.
Nằm cách TP. Huế hơn 5km, chùa Từ Hiếu (thôn Dương Xuân Thượng II, xã Thủy Xuân, Huế), có diện tích khoảng gần 1.000m2 là ngôi chùa cổ có cảnh đẹp vào dạng bậc nhất đất cố đô. Phía trước chùa có dòng suối nhỏ chảy róc rách, núi Ngự Bình trấn phía Đông Nam, phía Tây Bắc có dòng sông Hương uốn quanh.
Chùa được dựng năm 1841 do nhà sư Nhất Định làm trụ trì. Nằm cách ngôi chính điện của chùa Từ Hiếu khoảng 50m về phía bên trái là khu nghĩa trang gồm 22 ngôi mộ, trong đó có 2 mộ gió (chưa có người chôn).
Kỳ II: Thê lương nghĩa trang hoạn quan duy nhất ở Việt Nam