Tháng giêng năm sau, Tấn Mục Công phái binh theo Trùng Nhĩ thấn công nước Tấn. Sau đó, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn, trở thành Tấn Văn Công nổi tiếng trong lịch sử. Hoài Doanh vốn là cháu dâu kiêm cháu gái của Trùng Nhĩ, trở thành phu nhân của Tấn quốc, sử sách gọi là Văn Doanh…
Tấn Văn Công tên thật là Cơ Trùng Nhĩ là vị vua thứ 24 nước Tấn, một quốc gia thời Xuân Thu – Chiến Quốc của Trung Quốc. Tấn Văn Công là con trai của Tấn Hiến Công vua thứ 19 nước Tấn. Mẹ ông là Hồ Cơ người nước Địch, sinh ra ông năm 697 trước Công nguyên. Năm 679 trước Công nguyên, Tấn Vũ Công đánh diệt Tấn Hầu Dẫn, trở thành vua toàn nước Tấn. Cha Trùng Nhĩ là Cơ Quỹ Chư được lập làm thế tử, lúc đó Trùng Nhĩ đã trưởng thành. Năm 677 trước Công nguyên, Tấn Vũ Công qua đời, cha ông lên ngôi, trở thành Tấn Hiến Công. Năm đó, Trùng Nhĩ 21 tuổi.
Trùng Nhĩ tuy là con lớn nhưng mẹ ông không phải là vợ cả của vua cha. Vì thế, khi Tấn Hiến Công lên ngôi, con trai phu nhân Tề Khương là Thân Sinh được lập làm thế tử. Tới khoảng năm 672 trước Công nguyên, Tấn Hiến Công sủng ái chị em Ly Cơ người nước Nhung, phong làm phu nhân thay mẹ Thân Sinh đã qua đời. Năm 665 trước Công nguyên, Ly Cơ sinh con trai là Hề Tề. Hiến Công có ý định phế Thân Sinh để cho Hề Tề lên thay. Vì các con Trùng Nhĩ, Di Ngôn và Thân Sinh đã lớn mà Hề Tề còn nhỏ nên chưa tiện thay ngôi, Hiến Công bèn tính kế đưa các con lớn đi trấn thủ ở ngoài, sai Trùng Nhĩ đi trấn thủ thành Bồ gần biên giới phía Bắc, sai Thân Sinh trấn thủ đất khúc Ốc và sai Di Ngôn trấn thủ đất Khuất.
Năm 655 trước Công nguyên, Hiến Công nghe lời gièm pha của Ly Cơ, bèn giết Thân Sinh và lập Hề Tề làm thế tử. Trùng Nhĩ và Di Ngôn đang đến Giáng đô thăm cha, cũng bị Ly Cơ gièm pha, sợ hãi vội bỏ chạy về đất trấn thủ là ấp Bồ và ấp Khuất lo cố thủ. Tấn Hiến Công giận hai con lớn bỏ đi vô phép bèn điều quân đánh đất Bồ và đất Khuất. Tự Nhân Phệ dẫn quân đánh đất Bồ, đinh bắt Trùng Nhĩ tự sát nhưng ông kịp vượt tường bỏ trốn. Tự Nhân Phệ đuổi theo chém với theo, đứt vạt áo Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ chạy thoát sang quê mẹ ở đất Địch. Nhiều người nước Tấn mến mộ ông bèn bỏ nước Tấn chạy theo phò tá ông.
Tới năm Tấn Huệ Công thứ 7, Tuấn Huệ Công lại sai Tự Nhân Phệ dẫn quân tấn công vào lãnh thổ nước Địch muốn giết Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ biết tin, nói với Triệu Suy, một thuộc hạ thân tín của mình rằng: “Ta chạy tới nước Địch không phải là vì muốn nhờ vào lực lượng của nước Địch để quay về nước cướp lại ngôi báu, nước Địch là nước nhỏ, không có đủ lực lượng để làm những chuyện lớn như vậy. Chẳng qua là vì nước Địch quá gần nước Tấn vì thế, mới tạm thời trú tạm nơi đây. Nếu muốn theo nghiệp lớn, có lẽ phải tìm một nước lớn hơn để tới. Nay trong các chư hầu, Tề Hoàn Công là người mạnh nhất, có chí xưng bá, thu phục các chư hầu, lại thêm, các hiền thần của ông ta là Quản Trọng, Tập Bằng đều đã chết, chắc chắn ông ta đang mong có được một hiền tài để phụ giúp mình, có lẽ chúng ta nên tới đó xem sao”. Mọi người đi theo Trùng Nhĩ đều tán đồng. Vì thế, Trùng Nhĩ và những người đi theo quyết định rời nước Địch để sang nước Tề. Trước khi lên đường, Trùng Nhĩ nói với vợ là Thúc Ngỗi, một người nước Định rằng: “Nàng hãy đợi ta 25 năm, nếu như ta không tới, nàng hãy tái giá với người khác”. Nghe vậy, Thúc Ngỗi nghẹn ngào nói: “Thếp nay đã 25 tuổi rồi, nếu đợi thêm 25 năm nữa thì cũng đã già mà chết rồi. Vậy thiếp sẽ đợi chàng cho tới lúc chết”. Sau 12 năm trú chân ở nước Địch, Trùng Nhĩ quyết rời đi.
Khi tới nước Tề, Trùng Nhĩ được đối xử rất tốt vì thế, cả bọn Trùng Nhĩ quyết định ở lại nước Tề. Hai năm sau, Tề Hoàn Công chết, một loạt bọn tiểu nhân mà Tề Hoàn Công từng sủng hạnh làm loạn. Các nước chư hầu nhiều lần dẫn quân đánh nước Tề. Tuy nhiên, trong tình cảnh ấy, Trùng Nhĩ vẫn không có bất cứ động tĩnh nào, an phận sống ở nước Tề suốt năm năm. Các thuộc hạ của Trùng Nhĩ là Triệu Suy và Hồ Yển cho rằng, nếu như Trùng Nhĩ cứ như vậy tiếp tục ở lại nước Tề sẽ không có tiền đồ vì thế họ thương lượng với nhau tìm cách rời nước Tề tìm tới một quốc gia khác để tìm lực lượng ủng hộ. Không ngờ, một thị nữ của Khương thị, vợ của Tề Hoàn Công đứng gần đó nghe thấy việc này bèn mang về báo lại với Khương thị.
Khương thị vốn là người cùng họ với Trùng Nhĩ, sợ chuyện Trùng Nhĩ muốn rời khỏi nước Tề lộ ra ngoài sẽ gây phiền phức vì thế đã giết chết người thị nữ để diệt khẩu rồi tới gặp Trùng Nhĩ nói nhanh chóng tim cách rời đi: “Ngươi có chí tứ phương, hãy mau chóng lên đường!”. Câu thành ngữ “ Nam nhi chí tại bốn phương” mà người ta vẫn thường nói sau này bắt nguồn từ câu nói này của Khương thị. Trùng Nhĩ nghe thấy vậy nói: “Người đời chẳng qua cũng chỉ cần yên vui an nhàn mà thôi, hà tất phải quản việc khác làm gì? Ta thà chết ở nước Tề chứ không muốn tới nơi khác chạy vạy nữa”. Khương thị nói: “Ngươi là công tử của một nước lớn, vì cảnh khốn cùng mới tới nước Tề. Những người đi theo ngươi đều coi việc trờ về nước mình đoạt lại chính quyền làm mục tiêu của họ. Ngươi không sớm trở về nước để những người phải chịu khổ sở vì ngươi được chút báo đáp mà lại tham lam sự an nhàn cho riêng mình. Ta là phụ nữ mà cũng xấu hổ thay cho ngươi. Hơn nữa, việc phục quốc là việc lơn, cần nỗ lực mới có thể thành công, nếu như người không nổi lực thì tới khi nào mới thành được?”. Trùng Nhĩ nghe Khương thị nói xong vẫn chưa muốn đi. Khương thị cùng với bọn Triệu Suy, Hồ Yển thương lượng, chuốc cho Trùng Nhĩ say rượu đưa lên xe rời khỏi nước Tề.
Sau khi Trùng Nhĩ tỉnh rượu, phát hiện mình đang trên đường đi, bèn nổi giận cầm kích định giết chết Hồ Yển. Yển nói: “Nếu như sau khi giết chết được thần mà công tử có thể về nước làm vua thì Yển này chết cũng cam lòng”. Trùng Nhĩ nói: “Nếu như việc không thành thì ta ăn thịt Hồ Yển nhà ngươi”. Hồ Yển cứng rắn nói: “Nếu như việc không thành, Yển chỉ là một kẻ sĩ, thịt tanh hôi, làm sao đủ ăn!”. Trùng Nhĩ vì thế mới nguôi giận, chấp nhận việc rời khỏi nước Tề tìm tới một nước khác. Khi đi qua nước Tào, Tào Cộng Công nghe nói xương sườn của Trùng Nhĩ sát nhau, rất kỳ dị. Vì thế, nhân lúc Trùng Nhĩ tắm, đã đột ngột xông vào đòi xem tận mắt. Đó là một hành vi không hợp lễ chút nào. Vợ của Hy Phụ Ky, quan đại phu nước Tào biết chuyện mới trách chồng rằng: “Tấn công tử là người hiền, những người đi theo ông ta đều là hào kiệt. Nay vua nước mình vô lễ với họ như vậy, sau này nếu ông ta đắc chí chắc chắn sẽ tìm cách tiêu diệt các chư hầu. Nước Tào là nước nhỏ, chẳng có cách nào chống lại được nước Tấn, Tào Cộng Công sau này khó mà tránh được tai họa. Ông nên tự mình tìm cách kết giao với Trùng Nhĩ để sau này tránh tai họa thì hơn”. Hi Phụ Ky nghe theo lời vợ, lấy cớ mang thực phẩm cho Trùng Nhĩ nhưng lại giấu vàng ngọc phía dưới. Tuy nhiên, Trùng Nhĩ chỉ nhận đồ ăn rồi trả lại vàng ngọc.
Bọn Trùng Nhĩ quyết định rời khỏi nước Tào, tới nước Tống. Tống Tương Công vừa mới bại trận trước nước Sở, vì vậy nghe tin Trùng Nhĩ là người hiền tài bèn dùng lễ của nhà vua mà tiếp đón. Qua Tư mã của nước Tống là Công Tôn Cố rất hợp với Hồ Yển, nói với Yển rằng: “Nước Tống là nước nhỏ, lại vừa bại trước nước Sở không có lực lượng để giúp công tử trở về nước đoạt lại chính quyền. Các người nên tới một nước lớn hơn để nhờ sự giúp đỡ thì mới có thể thành công được”. Bọn Trùng Nhĩ nghe vậy bèn quyết định rời nước Tống tới nước Trịnh. Tống Tương Công tặng cho Trùng Nhĩ hơn 20 con ngựa làm quà lên đường. Sau khi tới nước Trịnh, Trịnh Văn Công đối xử với Trùng Nhĩ không mấy mặn mà. Quan Đại phu nước Trịnh là Thúc Chiêm khuyên Trịnh Văn Công rằng: “Tấn công tử nổi tiếng là người hiền, những người đi theo như Triệu Suy, Hồ Yển, Giả Đà lại là những người có tài năng, hơn nữa nước Tấn và nước Trịnh là hai nước cùng họ, chúa công nên lấy lễ mà đãi họ mới phải”. Trịnh Văn Công nói: “Các công tử chư hầu lưu vong đi qua nước Trịnh rất nhiều, làm sao mà người nào cũng tiếp đãi chu đáo hết được?”. Thúc Chiêm lại nói: “Nếu như không thể dùng lễ để đón Trùng Nhĩ thì chi bằng giết quách hắn ta. Bởi vì nếu một ngày Trùng Nhĩ về được nước Tấn làm vua thì chắc chắn y sẽ nhớ tới việc chúa công không dùng lễ mà đãi hắn”. Tuy nhiên, Trịnh Văn Công cho rằng, Trùng Nhĩ sẽ không làm nên trò trống gì mà phải lo nên quyết định không nghe theo.
Sau khi rời khỏi nước Trịnh, Trùng Nhĩ tới nước Sở. Nước Sở cũng giống như nước Tống, dùng lễ chư hầu mà tiếp đón Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ cảm tạ từ chối. Triệu Suy nói: “Công tử đã lưu vong bên ngoài hơn 10 năm, đến các nước nhỏ còn coi thường huống hồ là nước lớn. Nay một nước lớn như nước Sở mà vẫn lấy lễ trọng để đón tiếp công tử thì thiết nghĩ công tử cũng không nên quá khiêm nhường. Đây chính là sự giúp đỡ của ông trời dành cho công tử”. Trùng Nhĩ nghe theo, dùng lễ khách mà tới gặp Sở Thành Vương. Sở Thành Vương nói với Trùng Nhĩ: “Nếu như sau này công tử trở về nước Tấn làm vua thì sẽ báo đáp ta như thế nào?” Trùng Nhĩ nói: “Cái gì ở nước của ông cũng có thừa, tôi chẳng biết báo đáp ra sao!”. Sở Thành Vương lại nói: “Mặc dù như vậy nhưng ta vẫn muốn biết công tử sẽ báo đáp ta ra sao?” Trùng Nhĩ lại nói: “Nếu như hai nước Tấn – Sở bất đắc dĩ gặp nhau ở Trung Nguyên thì quân của ta sẽ lui về sau 300 dặm”.
Sau này, khi Trùng Nhĩ trở thành quốc quân nước Tấn, quân đội hai nước Sở - Tấn quả thực gặp nhau trên chiến trường, Trùng Nhĩ giữ đúng lời hứa hạ lệnh cho quân nước Tấn rút lui 300 dặm. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Đại tướng nước Sở là Tử Ngọc nghe câu nói này xong, cảm thấy không vui, nói với Sở Thành Vương: “Quân vương hậu đãi Trùng Nhĩ như vậy mà y mở lời đã tỏ ra sự bất kính, chẳng bằng giết quách y cho xong”. Sở Thành Vương nói: “Tấn công tử nối tiếng là người hiền tài, chẳng qua là vì lâm vào cảnh khốn cùng, phải lưu vong bên ngoài đã lâu ngày. Những người theo hầu ông ta đều là những người có tài kinh bang tế thế. Đó chính trời mốn giúp ông ta thành công, làm sao có thể giết ông ta được? Những người chống lại trời ắt sẽ phải gặp tai họa!”
Trùng Nhĩ ở lại nước Sở vài tháng thì gặp lúc Tấn Công Huệ mắc bệnh nặng, thái tử nước Tấn là Ngữ đang làm con tin tại nước Tần lại trốn được về nước. Tần Mục Công rất giận dữ với sự việc của thái tử Ngữ, vì thế, phái người tới nước Sở đón Trùng Nhĩ tới nước Tần. Đây là thông tin cực kỳ quan trọng vì nó cho thấy, một nước lớn và ở gần nước Tấn như nước Tần đã triệt để mất niềm tin vào Tấn Huệ Công và Tấn thái tử Ngữ. Nước Tần đã bắt đầu quay sang ủng hộ Trùng Nhĩ. Vì thế, Sở Thành Vương đã nói với Trùng Nhĩ rằng: “Nước Sở cách nước Tấn rất xa, cần phải đi qua nhiều nước mới tới được nước Tấn. Tần và Tấn là hai nước canh nhau, quốc dân nước Tần lại là hiền quân, người hãy mau đến nước Tần mà nhờ sự giúp đỡ”. Sau đó, Sở Thành Vương tặng cho Trùng Nhĩ rất nhiều lễ vật để Trùng Nhĩ lên đường sang nước Tần.
Trùng Nhĩ chạy tới nước Địch năm 43 tuổi, bôn ba các nước chư hầu trong suốt 19 năm, tới nay đã ngoài 60 tuổi thì việc trờ về nước Tấn mới le lói hy vọng. Trùng Nhĩ sau khi tới nước Tần, Tần Mục Công vô cùng vui vẻ, đem 5 người con gái trong họ của mình gả cho Trùng Nhĩ. Trong số 5 người con gái này có Hoài Doanh là con gái của Tần Mục Công, đồng thời cũng là vợ của thái tử Ngữ trước đây. Điều này đối với Trùng Nhĩ là một việc vô cùng khó khăn.
Tấn Huệ Công Di Ngôn vốn là em trai của Trùng Nhĩ, vì thế, Tấn thái tử Ngữ là cháu trai, Hoài Doanh chính là cháu dâu của Trùng Nhĩ. Đây là sự thật không thể thay đổi được. Còn nữa, phu nhân của Trần Mục Công lại là chị gái của Trùng Nhĩ vì thế, Hoài Doanh về thân phận là thuộc thế hệ sau của Trùng Nhĩ. Nói cách khác, dù tính toán thế nào, hai người cũng không thể nói là xứng đôi vừa lứa được. Ngoài ra, Hoài Doanh vốn là người vợ bị thái tử Ngữ bỏ lại ở nước Tần, một mình trốn về nước Tấn, chẳng thèm đoái hoài tới, nay Trùng Nhĩ lại đi lấy Hoài Doanh thì chẳng phải là chẳng hay ho gì hay sao?
Vậy vì sao Tần Mục Công lại có quyết định như vậy? Sử liệu không thấy ghi chép rõ. Chúng ta có thê suy luận từ phía của Tần Mục Công rằng: “Thứ nhất, Tấn Hoài Công bỏ rơi con gái của ông ta ở lại nước Tần, một mình trốn về nước lên ngôi vua, nhưng sau đó không hề cho người tới đón. Đối với một nước lớn mạnh như nước Tần, đây là hành động làm mất thể diện không thể chấp nhận được. Chỉ có công tử Trùng Nhĩ chấp nhận cưới Hoài Doanh rồi nhờ sự giúp sức của nước Tần, trở về cướp lại ngôi từ tay Tấn Hoài Công mới có thế giúp ông ta lấy lại thể diện. Thứ hai, nước Tần vốn là một quốc gia phát tích từ vùng biên thùy, về mặt lễ pháp vốn không kỹ lưỡng cầu kỳ như các nước ở Trung Nguyên. Tuy nhiên, đối với một nước có cùng họ với thiên tử nhà Chu như nước Tấn, đối với một công tử được dạy dỗ đầy đủ đoàng hoàng như Trùng Nhĩ mà nói thì việc phải thích ứng với kiểu tư tưởng lạc hậu hơn hẳn đương nhiên là một việc rất khó.
Trong ngày tổ chức hôn lễ, Hoài Doanh bê một chậu nước cho Trùng Nhĩ rửa tay. Đây là một tập tục của nước Tần. Trùng Nhĩ ban đầu chấp nhận nghi lễ rửa tay của Hoài Doanh nhưng sau đó trong lòng cảm thấy khó chịu, bèn phất tay nói với Hoài Doanh hãy đi ra ngoài. Hoài Doanh đột nhiên nổi giận nói: “Tấn, Tần là hai nước lớn ngang hàng với nhau. Vì sao chàng lại dám coi thường ta?”. Trùng Nhĩ nghe Hoài Doanh nói vậy thì sợ quá, vội vàng bỏ hết lễ phục trên người. Từ đó, Trùng Nhĩ đành nghe theo mệnh lệnh của Tần Mục Công.
Sau đó, Tần Mục Công gặp Trùng Nhĩ nói: “Trong số những đứa con gái ruột của ta, Hoài Doanh là đứa có tài nhất. Khi thái tử Ngữ tới nước ta làm con tin, đã gả cho thái tử Ngữ. Ta vốn muốn dùng lễ chính thức để gả nó cho công tử, tuy nhiên, lại sợ công tử vì thế mà mang tiếng xấu vì thế mới cho nó cùng với 5 cô gái cùng họ khách theo hầu công tử. Chỉ vì ta đặc biệt yêu đứa con gái nhỏ này nên mới phải dùng tới hạ sách như thế chứ tuyệt đối không có duyên cớ gì khác. Đây là do ta thất lễ, khiến công tử phải chịu nhục, tất cả là do lỗi của ta. Công tử dù có xử lý việc này như thế nào, ta cũng sẽ tuân theo”. Điều này cho thấy, Hoài Doanh không những là con gái ruột của Tần Mục Công mà chính là con gái do Tần Mục Công phu nhân sinh ra, tức là con gái do người chị cùng cha khác mẹ của Trùng Nhĩ sinh ra. Nói cách khác, Hoài Doanh chính là cháu gái gọi Trùng Nhĩ bằng cậu. Vì thế, Hoài Doanh cùng lúc mang hai thân phận, không chỉ là cháu dâu mà còn là cháu gái của Trùng Nhĩ. Tuy nhiên, lời lẽ của Tần Mục Công rất thẳng thắn, khẩn thiết. Điều này càng khiến vấn đề trờ nên khó khăn hơn đối với Trùng Nhĩ.
Trùng Nhĩ trong lòng muốn từ chối cuộc hôn nhân này, nên đã đem chuyện này bàn với các thuộc hạ của mình. Tư Không Lý Tử nói: “Công tử và thái tử Ngữ mặc dù là cùng họ song không cùng tâm, cùng đức. Lấy người mà ông ta bỏ lại để thành đại nghiệp cũng không thể nói là không thể”. Trùng Nhĩ hỏi Hồ Yển, Yển nói: “Sắp cướp nước của y thì vợ của y sao không thể lấy được. Thần chủ trương tuân theo chủ ý của nước Tần”. Trùng Nhĩ vẫn chưa bị thuyết phục, tìm tới gặp Triệu Suy, Suy nói: “Sách ‘Lễ Chí’ có nói rằng: ‘Muốn được người mời tất phải làm việc có lợi cho người ta. Muốn người ta yêu mình tất phải yêu người ta trước. Không làm điều gì cho người ta mà lại muốn người ta phục vụ mình thì đó chính là một tội ác’. Nay công tử và công chúa nước Tần kết hôn, nhận được sự yêu thương của họ, nghe lời của họ khiến họ cảm kích công tử, đó chính là việc cầu cũng không được, có việc gì phải nghi ngờ nữa!”
Do tất cả các mưu sĩ đều có cách nhìn giống nhau, Trùng Nhĩ mới hạ quyết tâm chính thức lấy Hoài Doanh làm vợ. Đầu tiên, Trùng Nhĩ để Hoài Doanh trở về bên Tần Mục Công rồi sau đó mới dùng lễ chính thức để đón về làm vợ. Ý của Trùng Nhĩ là muốn để Hoài Doanh trở thành người vợ được cưới chính thức chứ không phải lén lút đưa về giống như trước. Lễ đón rước chính thức này nằm ngoài hy vọng ban đầu của Tần Mục Công, khiến Tần Mục Công vui mừng khôn tả.
Vài ngày sau, Tần Mục Công thiết yến khoản đãi con rể Trùng Nhĩ, đồng thời bảo đảm rằng mình sẽ ủng hộ Trùng Nhĩ trở về nước Tấn thay thế cho Tấn Hoài Công nắm giữ chính quyền. Tháng giêng năm sau, Tần Mục Công phái binh theo Trùng Nhĩ tấn công nước Tấn. Sau đó, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn trở thành Tấn Văn Công nối tiếng trong lịch sử. Hoài Doanh, vốn là cháu dâu kiêm cháu gái của Trùng Nhĩ trở thành phu nhân của Tấn quốc, sử sách gọi là Văn Doanh.