TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Ông vua hiếu dâm Hán Thành bị yếu 'tinh binh'?

Thứ tư, 04/07/2012 08:55

Có thật Hán Thành Đế tuyệt tự vì bị chị em Triệu Phi Yến giết mất cHan_Thanh_Deon, hay chính vì bản thân ông ta là kẻ vô sinh do tinh trùng yếu?

Một tạo hình của Hán Thành đế

Hán Thành đế Lưu Ngạo, tự là Thái Tôn. sinh năm 51 trước Công nguyên, tức trưởng nam của Hán Nguyên đế, cháu đích tôn của Hán Tuyên đế. Cái tên Lưu Ngạo được chính Hán Tuyên đế ưu ái tặng cho cháu mình. Chữ Ngạo hàm nghĩa tuấn mã phi ngàn dặm, Thái Tôn ý chỉ người kế thừa của thái tử. Nhưng trái với những kỳ vọng của bậc tiên đế, Lưu Ngạo lại trở thành kẻ chỉ đắm chìm trong sắc dục mà bỏ bê triều chính, là mối họa cho vương triều nhà Hán.

 

Thói ăn chơi hưởng lạc, vui thú sắc dục của Hán Thành đế càng trở nên vô độ khi tức vị lên ngôi. Không màng chuyện chính sự, càng chẳng bận tâm tới cuộc sống cùng cực khốn khổ của bách tính muôn dân, Thành đế truyền lệnh cho xây tới tấp các cung điện để phục vụ chuyện ăn chơi hưởng lạc của mình. Thậm chí, vị vua hiếu dâm này còn triệu đủ 3.000 mỹ nữ vào cung để tha hồ “thưởng hoa vầy nguyệt”. Nhưng vốn hám của lạ, Hán Thành đế thay mỹ nhân bên mình như thay áo. Chán ngán Hứa hoàng hậu nhan sắc tàn phai, nhà vua thờ ơ lạnh nhạt, rồi dồn mọi quan tâm, chăm chút, yêu chiều sang Ban Tiệp dư, sau đó là nàng thị nữ Lý Bình. Nhưng tới khi có sự xuất hiện của chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức, sóng gió chốn hậu cung mới nổi lên dữ dội.

Triệu Phi Yến trong phim

Ngay lập tức, Hứa hoàng hậu bị phế bỏ. Triệu Phi Yến với vóc dáng mảnh mai, nhan sắc khuynh nước khuynh thành được lập làm hoàng hâu. Cô em Hợp Đức cũng chẳng kém cạnh là bao, đứng dưới một người mà đạp trên muôn kẻ, được phong làm Tiệp dư.

 

Mười mươi biết rõ, nhan sắc của mình đủ sức hớp trọn hồn vía của bậc đế vương, chị em họ Triệu đưa ra đủ yêu sách, buộc Thành đế phải răm rắp thực hiện. Một là, không được phép “lâm hạnh” cùng các phi tần, mỹ nữ khác trong cung ngoài họ. Hai là, chỉ con trai do chị em Phi Yến, Hợp Đức hạ sinh mới đủ tư cách làm thái tử, kế vị ngai vàng. Tuy nhiên, suốt 10 năm sống trong hậu cung, cả hai vẫn chẳng sinh nổi cho hoàng đế một mụn “long chủng” (con vua).

Trước đây, Hán Thành đế có được hoàng tử do Hứa hoàng hậu và Ban Tiệp dư sinh hạ, nhưng tất thảy đều đã tuyệt mạng từ khi còn nhỏ. Mối họa không người nối dõi càng đến gần, Hán Thành đế càng lo lắng, tới nỗi thân xác héo mòn. Không muốn chịu cảnh tuyệt tự, nhà vua âm thầm bội ước với chị em họ Triệu, vụng trộm ân ái cùng các phi tần khác trong cung, chỉ mong có con nối dõi.

 

Trong “Hán thư Thành đế kỷ” còn chép rõ, năm Nguyên Đình thứ nhất, tức năm 12 trước Công nguyên, phi tần họ Tào hạ sinh cho vua một bé trai. Triệu Hợp Đức biết chuyện, uất hận nghẹn lòng, sai người hạ độc giết chết Tào thị. Riêng giọt máu rồng hiếm hoi của vua bị người của Hợp Đức mang đi, rồi bặt vô âm tín.

"Độc phụ" Triệu Hợp Đức trong phim

Chuyện nổi cơn ghen sát hại con chồng của chị em họ Triệu không chỉ có vậy. Cuốn “Hán thư ngoại thích truyện” có những tình tiết còn phong phú và cụ thể gấp bội phần. Trong đó, Vương Mãng đảm đương “tổ chuyên án”, Tư Lệ Giải Quang là người trực tiếp điều tra và tiết lộ những tình tiết sinh động, rằng, một năm sau cái chết oan ức của Tào thị, Hứa mỹ nhân - một phi tần khác trong cung - cũng đã mang long thai và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh.

Sau khi biết chuyện, Triệu Hợp Đức khóc than mà rằng: “Ngài luôn miệng nói chỉ yêu mình thiếp, vậy đứa con trong bụng Hứa thị là của ai? Lẽ nào, nhà vua muốn lập họ Hứa kia làm hoàng hậu!”. Nói đoạn, mỹ nhân đấm thùm thụp vào tường, dập đầu vào cột, ngã vật khỏi giường, thậm chí khóc lóc đòi tuyệt thực. Hán Thành đế chỉ còn nước sai người mang con trai Hứa thị tới, rồi cùng nàng ta diễn trò sát hại “long chủng” của mình. Cuối cùng, kẻ hôn quân Hán Thành đế vì chiều lòng mỹ nhân mà mang nhục tuyệt hậu suốt đời, phải lập cháu làm thái tử.

 

Đó là những câu chuyện mặc nhiên được công nhận suốt thời gian qua. Nỗi đau tuyệt tự của Hán Thành đế luôn bị gán ghép với thói ghen tuông và tàn ác của chị em họ Triệu. Nhưng sự thực liệu có hoàn toàn như vậy?

Tra “Tư trị thông giám” thì thấy, suốt 20 năm, từ lúc Hán Thành đế tức vị tới khi Triệu Hợp Đức nhẫn tâm sát hại hoàng tử, triều đình luôn bận tâm, lo lắng chuyện nhà vua không con không cái. Năm thứ 4 tại vị, có đại thần khuyên Thành đế vứt bỏ sự tôn nghiêm “chí cao vô thượng” của hoàng thất mà lo chuyện kế tự. Đến năm thứ 5, "trong ngoài đều hết mực lo lắng chuyện chúa thượng không có người kế vị". Điều đó cho thấy, dù phi tần, mỹ nữ trong cung lên tới 3.000 người, nhưng sự thực không con nối dõi của Hán Thành đế là đại sự hàng đầu lúc bấy giờ.

 

Kỳ thực, khi còn làm thái tử, Thành đế đã lận đận đường con cái. Hứa hoàng hậu bị hỏng thai tới hai lần, không thể hạ sinh “long chủng”. Ban Tiệp dư, một mỹ nữ có thời được hoàng đế hết mực sủng ái, dù sinh được con trai, nhưng đứa trẻ chỉ sống vài tháng đã qua đời.

Từ góc độ y học, nhiều lần hỏng thai chỉ có thể do Hán Thành đế bị khiếm khuyết về sinh lý, tức chất lượng “tinh binh” của bậc đế vương này quá yếu ớt, khiến cho bào thai không sống khỏe. Đó là sự thực mà chính sử không muốn đối diện. Đương nhiên, việc này cũng có mối tương liên với thói mê rượu tới mức cực đoan của nhà vua. Một vị hoàng đế sức cường lực mạnh, thể chất tráng kiện, lại sở hữu hàng ngàn mỹ nhân trong cung, hao tâm tổn sức chìm trong sắc dục gần 30 năm, nhưng không một mụn con nối dõi, ngoài lý do sinh lý, liệu còn nguyên nhân nào xác đáng hơn?

Kể cả trong những “báo cáo điều tra” về chuyện tuyệt tự của người cậu họ Vương bên ngoại, tức Vương Mãng cũng hở ra nhiều đầu mối đáng ngờ.

 

Trong bản tấu của Tư Lệ Giải Quang có viết, năm Nguyên Đình thứ nhất, Tào cung nhân tự xưng là hạ sinh con trai, nhưng bị vua sát hại. Trước khi giết, Thành đế còn quả quyết: “Không cần hỏi là nam hay nữ, là con của ai!”, rồi ban thuốc độc cho Tào thị, buộc nàng ta tự vẫn. Nhưng phi lý ở chỗ, trước lúc ra đi, Tào cung nhân vẫn cho rằng, chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức âm mưu thâu tóm thiên hạ, lại một mực tự nhận con trai mình giống Hiếu Nguyên hoàng đế - tức cha của Thành Đế, chứ không hề đả động tới vị vua tại vị. Đó chắc chắn là chiêu lấy cha ép con để bảo toàn tính mệnh. Chính vì Thành đế mười mươi biết rõ phần khiếm khuyết trong cơ thể mình, nên mới quả quyết không truy vấn đứa trẻ là giọt máu của ai.

Nếu Hán Thành đế không hay biết bản thân khiếm khuyết, tuyệt đối không lập cháu làm thái tử một cách vội vàng tới vậy. Mùa xuân năm Tuy Hòa thứ nhất (tức năm thứ 8 trước Công nguyên), Lưu Hân là con của Định Đào Cung vương Lưu Khang - em ruột của Hán Thành đế được lập làm thái tử. Một năm sau đó, Thành đế băng hà. Chính khoảng thời gian gấp gáp ấy cũng đủ sức minh chứng, vị vua hiếu dâm đã mười mươi biết rõ phần không hoàn thiện trong cơ thể mình, nên ngậm ngùi nhắm mắt xuôi tay với nỗi đau tuyệt tự...

Eva