TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Hiếu Trang Thái Hậu qua đời, 37 năm sau Khang Hi vẫn không chôn cất: Không phải không muốn mà là không dám

Chủ nhật, 05/06/2022 08:07

Hiếu Trang Thái hậu đã phò tá Khang Hi trở thành vị Minh Quân và có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhà Thanh. Đối với Hoàng đế Khang Hi, tổ mẫu Hiếu Trang là người mà ông tôn kính nhất và có ảnh hưởng sâu sắc hơn cả.

Nếu nói người phụ nữ danh giá và được kính trọng nhất trong triều đại nhà Thanh thì không thể không nhắc tới Hiếu Trang Thái hậu (hay còn được gọi là Chiêu Thánh Thái hậu hoặc Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu). Bà là một phi tần của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, thân mẫu của Thanh Thế Tổ Thuận Trị Hoàng đế và là tổ mẫu của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế.

Mặc dù là người thông minh, có trí tuệ hơn người và có công lớn trong việc phò tá hai đời vua lúc nhỏ là Thuận Trị và Khang Hi nhưng không vì thế mà Hiếu Trang Thái hậu chiếm quyền nhiếp chính, bà chỉ âm thầm giúp nhà vua cân bằng các thế lực trong triều.

Hiếu Trang Thái hậu là người có ảnh hưởng lớn tới Khang Hi

Hiếu Trang Hoàng Thái hậu nguyên là Cách cách của Khoa Nhĩ Thấm Bác Nhĩ Tề Cát Đặc thị, sinh ngày 8 tháng 2 (âm lịch) năm thứ 41 niên hiệu Vạn Lịch triều Minh (1613). Tên đầy đủ của bà theo phiên âm Hán là Bố Mộc Bố Thái, có nghĩa là "Thiên giáng Quý nhân". Tương truyền bà còn có Hán danh là Đại Ngọc Nhi, tuy nhiên cái tên này được xác định có từ tiểu thuyết thời Dân quốc cùng phim ảnh hiện đại, nên không rõ nguồn gốc.

Năm Vạn Lịch thứ 42 (1614), Hoàng Thái Cực kết hôn với cô ruột của bà là Triết Triết Phúc tấn. Vì 11 năm mà Triết Triết phúc tấn không sinh được bất kỳ người con nào nên anh của Triết Triết là Bối lặc Trại Tang tiến cử con gái Bố Mộc Bố Thái nhập cung làm phúc tấn cho Hoàng Thái Cực. Năm Thiên Mệnh thứ 10 (1625), anh trai Ngô Khắc Thiện đưa em gái Bố Mộc Bố Thái đến Thịnh Kinh, Hoàng Thái Cực thu nạp làm vợ, trở thành Phúc tấn, năm đó bà mới 13 tuổi.

Năm Sùng Đức nguyên niên (1636), Hoàng Thái Cực xưng Hoàng đế, triều đại nhà Thanh chính thức thành lập. Hoàng Thái Cực học theo quy chế Trung nguyên, thiết lập hậu cung tần phi với danh hiệu được tham khảo theo lịch sử Trung nguyên. Bố Mộc Bố Thái được phong là Tây cung Trắc Phúc tấn, phong hiệu Trang phi. Năm Sùng Đức thứ 3 (1638), ngày 13 tháng 1 (tức ngày 15 tháng 3 dương lịch), Trang phi Bố Mộc Bố Thái sinh hạ cho Hoàng Thái Cực Hoàng tử thứ 9, đặt tên là Phúc Lâm

Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), ngày 9 tháng 8 (tức ngày 21 tháng 9 dương lịch), Hoàng Thái Cực băng hà tại Thịnh Kinh.

Khi còn sống, Hoàng Thái Cực rất sủng ái Hải Lan Châu (Đông cung Đại Phúc tấn), thậm chí ông còn hy vọng con trai của Hải Lan Châu sẽ kế thừa ngai vàng sau này, nhưng không may con trai của bà mệnh yểu nên đã sớm qua đời. Vào thời điểm Hoàng Thái Cực qua đời, ông chưa lập ai làm Trữ quân, cũng không để lại chiếu thư, điều này đã gây nên sự xung đột tranh chấp ngôi vị trong nội bộ hoàng tộc. Lúc bây giờ, hai thế lực mạnh nhất là Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn, người em thứ 14 cùng cha khác mẹ của Hoàng Thái Cực, là tướng soái đứng đầu Bát Kỳ, và người kia là Túc Thân vương Hào Cách, con trai cả của Hoàng Thái Cực. Nhưng vì sợ nếu chọn một trong hai thế lực trên thì cũng đều làm mất thế cân bằng, gây ra sự xung đột và chiến tranh ngay trong nội bộ triều nhà Thanh nên cuối cùng, Đa Nhĩ Cổn quyết định ủng hộ con trai thứ chín của Hoàng Thái Cực là Hoàng tử Phúc Lâm kế vị.

Phúc Lâm đăng cơ (sử gọi Thanh Thế Tổ Thuận Trị Hoàng đế) đã phong Trang phi Bố Mộc Bố Thái làm Thái Hậu và Đa Nhĩ Cổn làm nhiếp chính vương, có quyền hành cao nhất trong triều.

Hỗ trợ Khang Hi lên ngôi

Hiếu Trang Thái hậu xuất thân trong gia tộc Mông Cổ cao quý mang dòng dõi trực hệ của em trai Thành Cát Tư Hãn. Bà được biết đến là “đệ nhất mỹ nhân của tộc Mãn - Mông”, tinh thông cả ba thứ tiếng Mãn, Mông, Hán. Với tài trí và khả năng chính trị của mình, bà được sử sách tôn vinh là người có sức ảnh hưởng và đóng góp to lớn trong việc ổn định trong buổi ban đầu khi lập quốc của triều đại nhà Thanh, giúp con trai bà Thuận Trị Đế ổn định ngai vàng khi mới 6 tuổi.

Những tưởng có thể lui về hậu trường an hưởng tuổi già nhưng không ngờ năm Thuận Trị thứ 18 (1661), ngày 7 tháng 1 (tức ngày 5 tháng 2 dương lịch), Thuận Trị Đế băng hà vì bệnh đậu mùa, khi chỉ mới 24 tuổi. Tình hình triều đình lại rối ren, Hiếu Trang Thái hậu nhanh chóng chọn ra người kế vị từ các cháu trai của mình. Hoàng tam tử Huyền Diệp là người được chọn tức Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế sau này. Khi lên ngôi Khang Hi mới 8 tuổi.

Đối với Hoàng đế Khang Hi mà nói, tổ mẫu Hiếu Trang có thể xem là người mà ông tôn kính nhất, cũng là nhân vật để lại cho ông nhiều ảnh hưởng sâu sắc hơn cả. Khang Hi kế vị khi mới lên 4 sau cái chết đột ngột của người cha là Thuận Trị đế. Chỉ vài năm sau khi đăng cơ, thân mẫu của ông cũng rời xa trần thế. Trong bối cảnh đó, người đã một tay bồi dưỡng, chăm lo và dốc hết tâm sức cho vị Hoàng đế này chính là tổ mẫu Hiếu Trang Thái hậu.

Vì người con Thuận Trị đế qua đời khi mới chỉ ngoài 20, cho nên khoảng thời gian mà vị Thái hoàng Thái hậu này chăm sóc cháu trai có lẽ còn gắn bó và lâu dài hơn so với con trai ruột của bà. Tình cảm giữa Khang Hi và tổ mẫu gắn bó thân thiết tới mức mỗi khi Khang Hi đi vi hành, ngày nào cũng gửi thư cho Hiếu Trang Thái hậu để hỏi han về việc ăn uống và sinh hoạt của bà, đồng thời báo cáo vị trí và hoạt động hàng ngày của mình. Nếu Khang Hi và tổ mẫu cùng lúc đi vi hành, chỉ cần đường gập ghềnh, Khang Hi sẽ đích thân xuống và giữ ghế cho bà. Điều này cho thấy Thái hậu có vị trí rất quan trọng trong lòng cháu nội mình. Năm Khang Hi thứ 26 (1687), tháng 12, Thái hoàng thái hậu lâm trọng bệnh rất nguy kịch. Trước khi qua đời, bà đã để lại di ngôn với Khang Hi Đế: "Thái Tông (chỉ Hoàng Thái Cực) cung phụng an cửu đã lâu, tránh vì ta mà kinh động đến. Huống hồ tâm huyết của ta dành trọn cho hai cha con Hoàng đế, chỉ cần an táng gần Hiếu lăng là ta mãn nguyện rồi"

Chính lời trăn trối trên đã khiến Khang Hi đế lúc bấy giờ rất đau đầu và khó xử. Đây cũng là nguyên nhân khiến thi thể của Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang dù đã qua đời 37 năm vẫn chưa thể an táng vì chẳng tìm được nơi thích hợp.

Tại sao Hiếu Trang Thái hậu lại không muốn được an táng cùng Hoàng Thái Cực?

Có ba lý do suy đoán, thứ nhất là do Hoàng Thái Cực đã chết nhiều năm, lăng mộ đã đóng cửa, muốn chôn chung thì phải mở lại lăng mộ, điều này làm phiền giấc ngủ ngàn thu của Hoàng Thái Cực, mặt khác cũng sẽ gây ra tốn kém tiền của cho nhân gian. Đây là điều mà Thái hậu không muốn thấy.

Thứ hai, Hiếu Trang biết rằng mình chưa bao giờ thực sự chiếm được trái tim của Thái Tông Hoàng Thái Cực. Cuộc hôn nhân của bà với Hoàng Thái Cực giống như một cuộc hôn nhân chính trị. Thực chất, trái tim của Hoàng Thái Cực đã dành trọn cho sủng phi Hải Lan Châu, và bà không muốn dính líu gì đến họ thêm nữa.

Thứ ba, trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, Đa Nhĩ Cổn đã giúp đỡ hết mình để con trai Hiếu Trang là hoàng tử Phúc lâm được lên ngôi. Về quyết định khó hiểu này của Đa Nhĩ Cổn, rất nhiều nhận định cho rằng chủ yếu là do mối quan hệ tình cảm giữa Đa Nhĩ Cổn và Hiếu Trang Thái hậu. Đó cũng là một trong những lý do khiến người đời tin rằng giữa hai người có quan hệ tình cảm. Có lẽ đến cuối đời, Hiếu Trang cảm thấy có lỗi với Hoàng Thái Cực nên đã không muốn chôn cạnh chồng.

Tại sao thi thể của Hiếu Trang Thái hậu vẫn chưa được an táng trong 37 năm?

Hiếu Trang qua đời vào mùa đông năm 1687, nhưng thi thể của bà vẫn được đặt tại Từ Ninh Cung trong suốt nhiều tuần lễ.

Tháng giêng năm sau ấy, di thể của Thái hoàng Thái hậu được dời đến Tấn cung.

Tháng 4 cùng năm, Khang Hi lại tự mình hộ tống quan tài của Hiếu Trang, đưa di thể bà tới đặt tại Tạm An Phụng điện gần với Hiếu Lăng của Thuận Trị đế.

Thực chất, tổ chế của Thanh triều vốn không cho phép bất kỳ vị người phụ nữ nào trong hoàng tộc được phép xây dựng lăng tẩm riêng. Dù là Hoàng hậu, Thái hậu hay Thái hoàng Thái hậu, những người này sau khi qua đời đều phải được hợp táng chung mộ với chồng mình. Tuy nhiên quy định trên vốn đi ngược với di ngôn của Hiếu Trang, mà Hiếu lăng của vua Thuận Trị khi ấy vốn đã không còn chỗ trống thích hợp xây lăng tẩm. Đây cũng là lý do khiến Khang Hi đế vô cùng đau đầu vì không biết nên chôn cất tổ mẫu của mình ở nơi nào. Sau cùng, ông dã quyết định lập nên một tòa "Tạm An Phụng điện" và đặt linh cữu của Thái hậu ở đó. Để xây dựng nên tòa điện này, Khang Hi đã cất công hủy bỏ 5 gian phòng phía đông Từ Ninh cung và đem toàn bộ kiến trúc ở đó "sao chép" đến Tạm An Phụng điện. Tuy nhiên đây cũng chỉ có thể xem như một nơi tạm đặt linh cữu, còn di thể của Hiếu Trang thực chất vẫn chưa có lăng tẩm để an táng đàng hoàng.

Cũng kể từ đó, Khang Hi hàng năm đều đi tới Tạm An Phụng điện để yết tế tổ mẫu. Và di thể của Hiếu Trang cứ được đặt ở tòa cung điện này trong vòng 37 năm cho tới tận khi Tiên đế băng hà.

Phải đến thời đại Ung Chính tại vị, hoàng tộc Ái Tân Giác La mới tìm được phương án ổn thỏa để an táng di thể của Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu. Theo đó, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành thân của Hiếu Trang và Hoàng Thái Cực, người chắt Ung Chính đã hạ chiếu xây dựng Chiêu Tây Lăng, coi đó là lăng tẩm riêng để an táng Thái hoàng Thái hậu.

Nhờ vào chiếu chỉ trên mà di thể của Hiếu Trang sau gần 4 thập kỷ cuối cùng cũng tìm được nơi chôn cất. Bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Đại Thanh được xây dựng lăng tẩm một cách độc lập. Thực ra không phải là Ung Chính thông minh hơn Khang Hi, mà là bởi vì Khang Hi và Hiếu Trang Thái hậu có quan hệ rất sâu sắc. Cũng vì thế mà Khang Hi đã quá coi trọng từng lời nói của Hiếu Trang nên mới không dám làm trái di nguyện của bà nội. Trong khi đó, Ung Chính đối với Hiếu Trang tình cảm không quá sâu đậm, vì vậy ông có thể đưa ra giải pháp mà không phải đắn đo suy nghĩ nhiều.

Phương Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)