TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Sợ 'máu' ăn chơi vô độ của ông hoàng triều Lý

Thứ bảy, 25/08/2012 11:26

Lý Cao Tông được sử sách đánh giá là một ông vua muốn tận dụng cơ hội làm thiên tử để thỏa mãn những yêu cầu hưởng lạc thú của bản thân.

Lý Cao Tông (1173-1210) là vị vua thứ bảy của nhà Lý. Ông tên thật là Lý Long Trát, khi mới lên 3 tuổi, đã được đưa lên ngôi. Ông tại vị được 35 năm, băng hà ở cung Thánh Ngọ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Lý Cao Tông: Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong. Vua phạm đủ các điều ấy, còn nói gì được nữa?

Ảnh minh họa.

Theo sử sách, Lý Cao Tông khi còn nhỏ là người ngoan lành, nhưng lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước thì lại sinh nhiều tật xấu. Nhà vua thích phô trương, sống tham thanh chuộng lạ; bắt quân sĩ, dân chúng phải xây dựng, trang hoàng các cung điện thật lộng lẫy. Khi điện Vĩnh Ninh bị sét đánh, Cao Tông bắt tu sửa ngay. Gác Kính Thiên đang làm thì có con chim khách vào làm tổ, đẻ con. Với các quan, đó là điềm xấu, nhưng nhà vua lại thấy vui, ra lệnh phải khởi công và xúc tiến việc xây dựng. Thậm chí, các triều vua trước đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được một số nhạc công, thỉnh thoảng phải trình bày để cho các quan xem, thì Cao Tông liền bắt nhạc công trong cung theo đó mà chế ra khúc nhạc Chiêm Thành. Sách Các vị vua, hoàng tộc triều Lý ghi: Điệu nhạc này tiếng ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt. Một vị sư là Nguyễn Thường nhận xét: "Âm thanh của nước loạn, nghe như ai oán giận hờn. Nay vua thích nhạc này thì là điềm dân loạn, nước nguy - đó là triều bại vong". Lý Cao Tông không quan tâm tới ý kiến đó, cứ bắt tấu nhạc Chiêm Thành để nghe cho thích. Vua Lý Cao Tông còn có thú chuộng những trò phương thuật. Nghe ai có tài vặt gì là nhà vua ra lệnh đưa tới để mua vui. Bản thân nhà vua có tật sợ sấm sét, chỉ nghe tiếng sấm ù ù là kinh hoảng, nên đã truyền cho triều thần rằng, ai có phép làm yên tiếng sấm thì sẽ trọng thưởng. Một người tên Nguyễn Dư tâu có tài phù thủy, có thể ngăn không cho tiếng sấm phát ra. Cao Tông tin và đã nuôi kẻ này trong cung để giúp mình đề phòng. Sử sách chép: một lần mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, Lý Cao Tông cho gọi Nguyễn Dư làm phép, nhưng càng đọc thần chú thì sấm càng kêu to hơn. Nhà vua thấy thế hỏi tại sao? Nguyễn Dư ngụy biện rằng, vì sấm ở trên cao quá nên không nghe được... Tưởng lúc đó nhà vua tỉnh mộng, nào ngờ ông vẫn tin lời Dư. Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đó thì Lý Cao Tông không đến nỗi bị sử sách chê tới vậy. Càng trưởng thành, nhà vua càng lấn sâu hơn vào con đường trụy lạc, ngày đêm chỉ vui thú với cung nữ, rượu chè suốt năm tháng mà không quan tâm gì tới chính sự. Nạn mua quan bán tước, hà hiếp dân chúng, trộm cắp hoành hoành xảy ra. Khi các quan bẩm báo, Vua lại đều cố tình lờ đi. Đỉnh điểm, năm 1208, nạn đói kém triền miên, người chết đói hàng loạt, nhưng vua vẫn bàng quan, rong chơi vô độ, tiêu tiền như nước, xây đền đài không ngớt...

Năm 1209, ở Nghệ An có Phạm Du làm phản, Lý Cao Tông sai Phạm Bỉnh Di đi dẹp loạn. Phạm Du thua trận bỏ trốn. Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết. Cùng năm, để trả thù, Phạm Du ngầm sai người về kinh đút lót cho bọn quan lại trong triều, nói rằng Bỉnh Di tàn ác, giết hại người vô tội và kể lể tình oan, xin về kinh đợi tội. Cao Tông sai Trần Hinh triệu Phạm Du về kinh, lại triệu cả Bỉnh Di về triều. Phạm Du về kinh trước hầu Cao Tông, được vua tin cẩn; Bỉnh Di đến kinh sau, vào triều phụng mệnh. Cao Tông sai bắt Bỉnh Di và con là Phụ giam ở Thủy Viên, toan làm tội, rồi giết chết.   Quá tức giận, thân tín của Bỉnh Di là Quách Bốc đã nổi loạn cướp chính quyền. Vua Lý Cao Tông phải chạy trốn về Tam Nông (Phú Thọ) nương nhờ nhà Hà Vạn, một thủ lĩnh miền thiểu số có thế lực. Thái tử Sảm cùng mẹ là Nguyên phi Đàm Thị và hai em gái chạy về Hải Ấp, Thái Bình dưới quyền cai quản của Trần Lý... Như vậy, rõ là cái sự ăn chơi vô độ của Lý Cao Tông là nguyên nhân khiến vương triều Lý đang vững mạnh... dần lụi bại, để rồi tới ngày nhà Trần cướp ngôi, giành thiên hạ.

Đất Việt