Cái chết của Tào Phi vẫn là một ẩn số trong sử sách. Có hai giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất: Thứ nhất, ông qua đời vì nhiễm phong hàn trong lúc thân chinh phạt Đông Ngô, sau khi trở về Lạc Dương không lâu thì mất. Thứ hai, ông ba lần dẫn quân phạt Ngô nhưng đều thất bại, dẫn đến tâm lý u uất, buồn rầu quá mức mà sinh bệnh qua đời.
(Ảnh minh họa)
Nếu giả thuyết thứ hai là thật, điều đó cho thấy gánh nặng tâm lý mà Tào Phi mang theo là không hề nhỏ. Nhưng chỉ vì ba lần chinh chiến thất bại mà sinh bệnh thì có phần khiên cưỡng. Nên nhớ, cha ông là Tào Tháo từng đại bại ở Xích Bích nhưng vẫn giữ vững tinh thần. Tào Phi từng theo cha xông pha trận mạc, lẽ nào lại yếu đuối như vậy?
Vấn đề có thể không đến từ bên ngoài, mà xuất phát từ chính những gì Tào Phi đã làm sau cái chết của cha mình - những hành vi khiến hậu thế phẫn nộ và có lẽ chính ông cũng mang nặng trong lòng.
Tào Phi vừa lên ngôi đã làm hai việc trái luân thường sau cái chết của Tào Tháo, khiến ông mang tiếng xấu và đoản mệnh ở tuổi 40 (Ảnh minh họa)
Tào Tháo cả đời vào sinh ra tử, quyết đoán và có tầm nhìn xa, từng bước xây dựng nền móng vững chắc cho đại nghiệp. Sau chiến dịch phạt Đổng Trác, thay vì tranh giành ngọc tỷ như các chư hầu khác, ông lại "phụng thiên tử dĩ lệnh chư hầu", chính thức bước vào chính trường đỉnh cao.
Dù đầy tham vọng, Tào Tháo vẫn giữ được giới hạn. Cho đến cuối đời, ông cũng chỉ dừng ở danh "Vương", chứ không tự xưng đế. Trước khi qua đời, ông đối mặt với nhiệm vụ quan trọng nhất: chọn người kế vị trong số 25 người con trai.
Theo đánh giá của hậu thế, năm người con trai nổi bật nhất gồm: Tào Ngang, Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực và Tào Xung. Đáng tiếc, khi Tào Tháo qua đời, chỉ còn ba người sống sót. Tào Ngang - người được xem là ứng viên số một đã tử trận vì sai lầm của cha. Tào Xung thông minh và hiền hậu nhưng qua đời khi mới 13 tuổi.
Trong ba người còn lại, Tào Phi tuy toàn diện nhưng có nhiều khuyết điểm; Tào Chương giỏi chiến trận nhưng kém quản lý; Tào Thực thì tài hoa nhưng phong lưu phóng khoáng. Cuối cùng, Tào Tháo chọn Tào Phi vì sự cân bằng giữa các yếu tố.
(Ảnh minh họa)
Nhưng Tào Tháo có lẽ không ngờ rằng, người con trai này sẽ sớm làm hai điều khiến người đời khinh bỉ, làm vấy bẩn danh tiếng của cả một dòng họ.
Việc thứ nhất: Chiếm đoạt hậu cung của cha
Ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên Tào Phi làm là đưa toàn bộ phi tần của Tào Tháo vào hậu cung của mình.
Hành động này thể hiện rõ sự ham mê nữ sắc và coi thường lễ giáo. Dù có thể hưởng lạc trong chốc lát, nhưng Tào Phi chắc chắn luôn sống trong sự dè bỉu từ người đời, thậm chí từ chính mẫu thân mình.
Theo ghi chép trong sử sách, khi Tào Phi lâm bệnh nặng, Thái hậu Biện thị (mẹ Tào Phi) đến thăm thì phát hiện bên cạnh ông toàn là các phi tần từng được Tào Tháo sủng ái. Biết được sự thật, bà thở dài chua chát: "Chó chuột còn không ăn thứ con bỏ lại, huống hồ là người!".
(Ảnh minh họa)
Câu nói ấy như lời nguyền từ chính người sinh ra Tào Phi. Và khi ông qua đời, bà thậm chí không dự tang lễ. Một người mẹ còn như thế, đủ thấy thiên hạ nhìn ông ra sao.
Việc thứ hai: Phá vỡ đạo hiếu, vô lễ với cha
Theo lễ nghi cổ đại, con cái phải để tang cha mẹ ba năm gọi là "đinh ưu". Ngay cả hoàng đế cũng không được miễn trừ. Trong thời gian ấy, cần kiêng ăn ngon, tránh giải trí, giữ trang phục tang lễ nghiêm cẩn.
Thế nhưng Tào Phi lại ngang nhiên vi phạm. Trong thời gian để tang cha, ông không chỉ không giữ tang, mà còn dẫn quân ra ngoài, trên đường đi thì tiệc tùng linh đình, có cả nhạc công, ca vũ phụ họa.
Hành vi đó khiến người ta nhớ đến cái chết của Khổng Dung - một người từng bị Tào Tháo giết vì coi thường lễ nghi. Giờ đây, chính con trai ông lại làm điều tương tự.
Hành động phá vỡ đạo hiếu và lễ nghĩa của Tào Phi đã bị công luận chỉ trích gay gắt. Về sau, ông cố gắng "chuộc lỗi" bằng cách tổ chức một buổi tế lễ lớn cho cha mình vào năm Hoàng Sơ thứ 5.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, hành động này lại bị xem là "làm màu", không thật lòng. Nhiều đại thần thẳng thắn chỉ trích, và kết cục là bị Tào Phi âm thầm xử lý. Việc này càng làm ông bị cho là hẹp hòi, không dung được lời can gián, khiến triều đình ngày càng mất lòng tin.
May mắn thay, lúc đó có Tư Mã Ý đứng ra giải vây, mới giúp Tào Phi tạm thời giữ ổn định triều chính.
Hai hành vi tày trời kể trên đã khiến hình ảnh của Tào Phi trong mắt thiên hạ hoàn toàn sụp đổ. Ông nôn nóng lập công, cố gắng phục hồi uy tín qua các cuộc chinh phạt Đông Ngô, nhưng lại ba lần thất bại.
Cái chết của Tào Phi dù vì bệnh hay tâm bệnh đều phản ánh một sự thật: ông đã tự đào hố chôn mình. Câu nói "Trời làm còn tránh được, người làm tự chuốc không thoát" có lẽ là lời kết thích đáng nhất.
(Ảnh minh họa)
Dù có tổ chức tang lễ long trọng, nhưng trong lòng bá quan văn võ không ai cảm thấy thương xót. Chính mẹ ruột ông cũng không thèm đến dự tang lễ, điều này rất hiếm thấy trong lịch sử phong kiến.
Nếu Tào Phi biết giữ mình, đặt đại nghiệp lên trên dục vọng, thì có lẽ triều đại Tào Ngụy đã không suy yếu nhanh đến vậy. Nhưng tiếc thay, ông đã thua chính bản thân mình. Và kết cục cũng như cái chết ở tuổi 40 là điều khó tránh khỏi.