Đó là thảm kịch đau lòng xảy ra với thôn nữ Đào Thị Hương, con gái của đôi vợ chồng nghèo họ Đào ở làng chài Đồ Sơn (Hải Phòng) và cũng là người vợ kém may mắn "chưa kịp kết hôn" của Chúa Trịnh Doanh.
Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1720 - 1767) là vị chúa Trịnh thứ bảy, con thứ ba của Chúa Trịnh Cương, em ruột Chúa Trịnh Giang; quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông có tài văn võ song toàn, có công đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng ngoài, ổn định lại chính trị ở Bắc Hà vốn suy yếu trầm trọng thời Chúa anh. Sắc đẹp thôn nữ... làm rung động trái tim Chúa Sử sách chép, vì Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc, từ nǎm 1736, đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó ông mới 17 tuổi. Để nắm rõ chính sự, cũng như thấu hiểu cuộc sống của người dân, ngay trong năm, Chúa Trịnh Giang đi kinh lý Ðồ Sơn. Khi thuyền rồng đang dạo cảnh ở vùng núi Độc, thì bỗng đâu... vang lên tiếng hát trong veo, thánh thót, êm dịu như rót mật vào lòng người, cảm giác khiến đất, trời, sông, biển quyện vào làm một. Không thể kiềm chế lòng mình, Trịnh Doanh vội truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được nàng Hương, sắc đẹp tuyệt trần và mùi thơm "phả" ra từ da thịt của cô gái quê đang tuổi dậy thì đã khiến vị tướng trẻ ngỡ ngàng, bối rối, sinh lòng yêu mến. Họ vốn lạ... thành thân, rồi mê đắm nhau. Thế là cả tháng trời, Trịnh Doanh và nàng Hương quấn quýt không dời một bước. Song giữa người đẹp và công việc quốc gia, Trịnh Doanh vẫn phải dứt áo về kinh và hẹn "người tình" sớm đem thuyền hoa về rước.
Về sự ra đời của nàng Hương, truyền thuyết kể rằng, vào năm 1718, ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn, dưới chân núi Độc, có đôi vợ chồng họ Ðào đã hai mươi năm không có con. Họ tu thân, tích đức, cầu xin trời phật cho một mụn con. Trời phật động lòng, chứng giám, rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát, phát ánh hào quang và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên, nàng Hương càng xinh đẹp, lộng lẫy. Giọt máu Chúa và kết cục thảm Sau khi chia tay Trịnh Doanh, nàng Hương phát hiện mình mang cốt nhục của Chúa, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa. Hàng Tổng biết chuyện, đòi phạt nhưng gia đình không có tiền, nên nàng Hương bị trói và đem ra khu núi Ðộc dìm xuống biển. Trước khi chết, nàng Hương ngửa mặt lên trời khóc than: "Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương, tôi đâu dám chống; nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên lệ làng... Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần". Quả nhiên, xác của nàng Hương nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Thế nhưng, bọn hào lý không tha, tiếp tục lấy dây thừng quấn nàng vào cối đá thủng, cắm sào, dìm cho nàng chết... Lúc đó, bất ngờ sóng to gió lớn nổi lên làm đứt dây thừng, rồi đám ác nhân không biết sao lần lượt lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Dân làng cho rằng, chúng đã bị Trời đánh... Lại nói Trịnh Doanh giữ lời hẹn ước, mang thuyền rồng đến đón người đẹp thì mới biết nàng Hương đã thác oan. Nhà Chúa quá đau buồn, cho lập đàn giải oan và truyền lệnh cho Hàng Tổng lập đền thờ. Vào thời Vua Tự Đức triều Nguyễn, trong một lần thăm đền nàng Hương, nhà vua đã ban sắc phong là "Đông nhạc Đế bà - Trịnh Chúa phu nhân" và từ đó, ngôi đền được gọi là đền Bà Đế. Sau này, thương tiếc và khâm phục lòng thuỷ chung của nàng Hương, nhiều danh nhân đã đề thơ ca ngợi: Lòng sáng như băng trời đất biết/ Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay/ Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy/ Ðể giải hồn oan cõi thế này.