Là con trai thứ 5 của Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và bà Chi hậu Diệu Nữ, Lê Long Đĩnh làm vua được 4 năm thì qua đời, thọ 24 tuổi. Sử sách ghi: Đó là ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) - đánh dấu sự kết thúc của triều Tiền Lê, nhưng khai sáng vương triều Lý.
Cũng theo sử sách, sau khi Vua Lê Đại Hành mất, bốn hoàng tử tranh giành ngôi trong 8 tháng. Năm 1006, Lê Long Việt, anh cùng mẹ của Long Đĩnh giành được ngôi vua, lấy hiệu là Lê Trung Tông. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, Long Đĩnh đã làm binh biến, giết chết anh để giành ngôi. "Lấy sự giết người làm trò chơi" Trong suốt thời gian trị vì, Vua Lê Long Đĩnh để lại trong dân gian hình ảnh của một hôn quân, lấy việc tra tấn người làm thú vui tiêu khiển. Ông đã nghĩ ra nhiều cách tra tấn dã man để hành hạ người phạm tội, kể cả tội nặng và tội nhẹ.
Trong cuốn Việt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim đã đúc kết toàn bộ sự nghiệp của ông vua cuối cùng nhà tiền Lê: "Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò vui: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi hài hay là nhại tiếng làm trò".
Sách Đại Việt sử lược cũng viết: Phàm đánh trận, bắt được quân địch thì Long Đĩnh cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống thì sai làm cái chuồng dưới nước, rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Khi nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết... Vua còn bắt tù nhân treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây. Có khi nhà vua đi chơi ở sông Chi Ninh, sông có nhiều thuồng luồng, bèn trói người ở một bên ghe, rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước, khiến cho thuồng luồng sát hại đi... Không dừng ở đó, Vua Lê Long Đĩnh còn có một quy định bất thành văn là những con vật (nuôi để cúng tế) đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiêng vào để tự tay nhà vua đâm chết, rồi sau mới giao cho người nấu. Hoặc đêm đến, Vua sai làm thịt mèo để cho các tướng vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tước vương đều mửa thốc mửa tháo...