Triệu Cơ, người ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu, thời Chiến Quốc. Vẻ đẹp của nàng được miêu tả là môi đỏ như hoa anh đào, răng trắng như bạch ngọc, dáng người lả lướt như chim yến, trông kiều diễm rung động lòng người.
Trước vẻ xinh đẹp lộng lẫy cùng tài múa giỏi, đàn hay của nàng ca kỹ Triệu Cơ, Lã Bất Vi khi ấy là một thương nhân hay qua lại Hàm Đan đã không ngần ngại bỏ rất nhiều tiền bạc để mua nàng về làm thiếp. Khoảng 3 tháng sau thì Triệu Cơ mang thai.
Sau khi biết vợ mang thai, Lã Bất Vi tâm sự với Triệu Cơ rằng, ý định của ông là muốn chiếm lấy thiên hạ nhà Tần. Vì vậy, ông dự định hiến dâng Triệu Cơ cho Tần Công tử - Tử Sở. Nếu Triệu Cơ sinh con trai, Tử Sở tất sẽ lập làm con nối dõi. Nghe Lã Bất Vi nói vậy, Triệu Cơ đồng ý ngay.
Ngày hôm sau, Lã Bất Vi mở yến tiệc linh đình mời Tử Sở đến chiêu đãi. Tại đây, Tử Sở thấy Triệu Cơ ăn mặc rực rỡ, mày ngài mắt phượng, mái tóc như mây, gót sen lả lướt, lại thêm mùi thơm từ tay áo bay ra phảng phất… đã đem lòng si mê. Còn Triệu Cơ cũng đong đưa khóe mắt, uyển chuyển tống tình, thẹn thùng nhìn rồi tiến đến rót rượu mời Tử Sở.
Và rồi Lã Bất Vi không ngần ngại dâng Triệu Cơ cho Tử Sở. Ít lâu sau khi về với Tử Sở, Triệu Cơ đã sinh ra Doanh Chính - người trở thành bạo chúa Tần Thủy Hoàng sau này.
Năm thứ 50 đời vua Chiêu Vương nước Tần. Nước Tần đã mang quân tấn công Hàm Đan, định tiêu diệt nước Triệu. Trước cuộc tấn công này, nước Triệu truy lùng và muốn giết Tử Sở.
Nước Triệu bắt được Tử Sở định đem giết. Lã Bất Vi phải đem sáu trăm cân vàng hối lộ viên quan coi giữ nên hai người mới trốn được về nước Tần.
Để sổng mất Tử Sở, nước Triệu quay sang định giết Triệu Cơ và Doanh Chính. Đây là những ngày tháng trốn chạy khổ cực trên đất Triệu của Triệu Cơ và con trai.
Đến năm 251 TCN, Tần Chiêu Vương mất. Thái tử là An Quốc Quân kế vị, hiệu là Hiếu Văn Vương. Ông lập Tử Sở làm thái tử. Thông tin đó lan rộng khiến nước Triệu không dám truy sát Triệu Cơ và Doanh Chính nữa. Ngược lại, nước Triệu chủ động tìm kiếm Doanh Chính và Triệu Cơ rồi cung kính đưa hai mẹ con trở về nước Tần.
Mới lên ngôi được 3 ngày, Hiếu Văn Vương đã đột ngột qua đời. Tử Sở bỗng chốc trở thành vua của nước Tần và Triệu Cơ mặc nhiên lên ngôi Hoàng hậu của đất nước hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Tử Sở đắm say mê loạn trong chốn phòng the cung cấm. Tinh huyết cạn khô, nguyên khí hao tổn, lại thêm Triệu Cơ đêm đêm tận lực dâng hiến, đem hết kỹ năng nghề tình ra phụng sự, Tử Sở tham hoan thành tật, được ít lâu trở nên suy nhược. Rồi một đêm, trong lúc say sưa hoan lạc, Tử Sở bị trúng gió qua đời ở tuổi 36.
Từ đó, Doanh Chính kế vị cha trở thành Tần vương khi mới 13 tuổi, Triệu Cơ lên ngôi Thái hậu. Quyền lực trong tay nhưng đang ở độ tuổi xuân sắc, Triệu Cơ thấy cuộc sống vô cùng nhàm chán. Đó cũng là lúc nàng bắt đầu để ý đến người đàn ông đang ở rất gần mình - Thừa tướng Lã Bất Vi.
Lúc ấy, vì Doanh Chính còn nhỏ nên toàn bộ quốc sự lúc này ủy nhiệm cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi được tôn là trọng phụ. Đối với Triệu Cơ, Lã Bất Vi trước là chồng cũ, sau là thừa tướng, lại đang lúc chăn đơn gối lẻ, tịch mịch cô đơn trong cung cấm nên nàng nhanh chóng cùng Lã Bất Vi nối lại tình cũ.
Kể từ đó, Lã Bất Vi thường xuyên mượn cớ vào gặp Thái hậu bàn chuyện triều chính để làm chuyện đồi bại. Triệu Cơ lựa chọn những người hầu tâm phúc để chuyện vụng trộm của mình không lọt ra ngoài.
Vụ dan díu giữa Thái hậu đầy ham muốn và vị tể tướng mưu mẹo không kéo dài được lâu vì Doanh Chính ngày một lớn lên. Trong khi ấy, Lã Bất Vi cũng già đi, lực bất tòng tâm, không đáp ứng được ham muốn nhục dục không ngừng của Triệu Cơ.
Lã Bất Vi sợ chuyện vụng trộm của mình bị bại lộ, bèn cho tìm một người có "của quý" kích thước to lớn tên là Lão Ái, bổ nhiệm làm Xá nhân. Ông hết lời tán dương tuyệt kỹ của Lão Ái với Triệu Cơ, khiến Triệu Cơ hâm mộ, muốn đích thân thử một lần cho biết.
Tuy nhiên, đưa một người đàn ông thường dân lên giường của Thái hậu là chuyện chẳng dễ dàng. Vì vậy, Lã Bất Vi nghĩ kế cạo hết râu ria của Lão Ái để giả trang làm thái giám, đem vào cung hầu hạ Triệu Cơ. Quả nhiên, Thái hậu có được Lão Ái, quên mất Lã Bất Vi, suốt ngày tham hoan hưởng lạc.
Được ít lâu thì Triệu Cơ có thai. Hai người kín đáo bàn bạc với nhau, mua chuộc bọn đầy tớ, mượn lời thầy bói nói rằng phong thủy trong cung bất lợi cho Thái hậu nên phải rời cư đến nơi khác tránh tai họa. Doanh Chính không biết đó là điều nói dối, bèn đưa mẫu hậu đến cư trú ở Ung Cung. Lão Ái đương nhiên là người hầu thân cận được lựa chọn để đi theo phục vụ.
Sau đó Triệu Cơ sinh được hai người con trai nhưng Doanh Chính đều không hay biết. Trái lại, do Thái hậu yêu cầu, Doanh Chính còn phong cho Lão Ái làm Trường Tín Hầu, ban cho mấy ngàn nô tỳ và đất đai ở Sơn Dương.
Oai quyền của Lão Ái mỗi ngày một lớn. Tuy nhiên, vốn xuất thân chỉ là dân đầu đường xó chợ, tiểu nhân đắc chí, nên có lần trong lúc quá chén, Lão Ái đã lớn tiếng chửi bới một vị đại thần, nói: “Ta là giả phụ của Tần Vương, ngươi cả gan cùng ta đấu khẩu à?”.
Viên đại thần cũng không chịu nhục, bèn đem chuyện tâu lại với Doanh Chính. Với bản tính hà khắc, Doanh Chính nghe chuyện đã không nén nổi cơn tức giận, lập tức hạ lệnh điều tra hư thực. Kết quả cho thấy Lão Ái không phải Thái giám và chuyện thông gian với Thái hậu sinh được hai người con bị phanh phui.
Biết tin, Lão Ái không chịu khoanh tay chờ chết mà điều động vệ binh đối phó với Tần Vương. Nhưng Lão Ái nhanh chóng binh bại, bỏ chạy. Doanh Chính bắt được Lão Ái đem ra xử tội ngũ mã phây thi và tru di tam tộc. Còn Thái hậu được đưa về cấm tử Hàm Dương Cung.
Riêng Lã Bất Vi lẽ ra cũng phải chịu tội chết nhưng nghĩ đến công lao đã giúp đỡ Tử Sở trước kia nên Doanh Chính chỉ cho bãi chức Tướng Quốc, đuổi về sống ở Hà Nam.
Một năm sau đó, Tần Doanh Chính viết thư gửi cho Lã Bất Vi, buộc y phải tự tận. Vài năm sau, Thái hậu Triệu Cơ cũng qua đời trong sự uất hận, buồn tủi.