Hai cha con lấy hai chị em rồi 2 kẻ cựu thù lại trở thành anh em cọc chèo. Câu chuyện hôn nhân giữa Quang Trung, Nguyễn Ánh, Quang Toản, Ngọc Hân, Ngọc Bình có lẽ là câu chuyện “lằng nhằng” nhất thế kỷ 18.
Hai cha con lấy hai chị em
Mối tình Ngọc Hân – Quang Trung lâu nay vẫn được xem là một mối tình đẹp: trai anh hùng, gái thuyền quyên. Mối tình ấy có căn nguyên từ những diễn biến lịch sử chính trị dồn dập. Nửa cuối thế kỷ 18, ở hai miền Nam – Bắc nước ta, hai thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn sau 7 lần chiến tranh thôn tính nhau không thành đều sức cùng lực kiệt mà nhân dân thì lầm than cơ cực. Giữa lúc đó, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo nổi lên và đã mau chóng đánh tan thế lực họ Nguyễn ở Đàng trong.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra đánh quân Trịnh và cũng rất nhanh chóng đè bẹp những đội quân chỉ quen ức hiếp dân chúng của họ Trịnh. Chúa Trịnh Tông chạy khỏi Thăng Long lên Sơn Tây nhưng bị dân chúng bắt giải về cho quân Tây Sơn. Nửa đường Tông tự tử. Vậy là kết thúc gần 200 cơ nghiệp họ Trịnh.
Với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, sau khi tiêu diệt chúa Trịnh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long yết kiến vua Lê để dâng sổ sách quân dân tỏ ý tôn phò. Cuốn sử Đại Nam liệt truyện chép rằng: “ Mùa thu tháng 7, ngày mồng 7, xin vua Lê thiết đại triều ở điện Kính Thiên. Huệ đem tướng sĩ từ cửa Đoan Môn vào làm lễ năm lạy ba lần cúi đầu, tự trình bày về nghĩa diệt họ Trịnh, đem sổ sách quân dân tiến trình và nghe lời xử đoán. Vua Lê nhận lấy, ban chiếu thư nhất thống ở ngoài cửa Đại Hưng. Ngày hôm sau, phong Huệ làm Nguyên súy dực chính phù vận, Uy quốc công”.
Ngay sau đó, Vua Lê lại theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Năm đó công chúa Ngọc Hân vừa tròn 16 tuổi. Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức 4/8/1786 Dương lịch). Mối tình của Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn thất nhà Lê nhằm tạo một sự ràng buộc bằng tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê.
Tuy nhiên, sau đó, cuộc tình này lại trở thành một thiên tình sử đẹp. Khi Nguyễn Huệ xưng Quang Trung hoàng đế để tiến ra Bắc đánh quân Thanh đã phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Đến khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng vẫn không quên cho người mang một cành đào cấp tốc đưa về Phú Xuân cho Ngọc Hân. Đặc biệt nhất, khi vua Quang Trung mất, Ngọc Hân đã viết nên tác phẩm Ai Tư Vãn bất hủ để khóc Quang Trung khiến cho mối tình của họ đi vào văn học.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như năm 1795 không có một cuộc hôn nhân thứ hai liên quan đến công chúa Ngọc Hân. Đó là đám cưới giữa công chúa Ngọc Bình với hoàng đế Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh tên là Nguyễn Quang Toản, là con của vua Quang Trung với hoàng hậu họ Phạm, người Bình Định. Còn công chúa Ngọc Bình là con gái thứ 23 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông. Mẹ công chúa Ngọc Bình là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, cùng làng với bà Nguyễn Thị Huyền – mẹ công chúa Ngọc Hân.
Hiện tại, về năm sinh của công chúa Ngọc Bình vẫn còn chưa sáng tỏ. Có thuyết nói rằng, công chúa Ngọc Bình sinh năm 1783, tức là bằng tuổi vua Cảnh Thịnh và kém Ngọc Hân đúng 12 tuổi. Tuy nhiên theo sách Mười tám vị công chúa Việt Nam thì Ngọc Bình sinh năm 1775, kém Ngọc Hân 4 tuổi và hơn Cảnh Thịnh đến 8 tuổi.
Con vua lại lấy hai chồng làm vua
Cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt họ cùng với Ngọc Hân và Quang Trung vào một mối quan hệ họ hàng vô cùng phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em lại vừa là mẹ chồng nàng dâu. Vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em cọc chèo.
Tuy nhiên, sự trớ trêu của lịch sử chưa dừng ở đó. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, ông lại góp mặt vào chuỗi quan hệ phức tạp này. Cuốn Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực soạn dưới thời Tự Đức có chép: “Năm Nhâm tuất, Gia Long năm đầu (1802)... Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua...Dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua...”.
Mặc dù nhiều quan lại can ngăn, nhưng say đắm trước nhan sắc của Ngọc Bình, vua Gia Long vẫn quyết định lấy bà làm phi. Nhà vua nói “Mọi thứ trong thiên hạ này có thứ già mà ta không lấy từ tay giặc”. Công chúa Ngọc Bình sinh cho vua Gia Long được 2 hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Bà mất năm 1810, khi tuổi đời còn khá trẻ.
Chuyện tình của Ngọc Bình với Gia Long được dân gian đặt thành câu vè: “Số đâu có số lạ lùng, con vua lại lấy hai chồng làm vua”. Trước đây người ta vẫn lầm lẫn câu vè này ám chỉ công chúa Ngọc Hân nhưng thời nay, bằng các dẫn chứng xác đáng hơn, ta xác nhận không phải. Tác giả Lê Nguyễn trong cuốn Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử dựa vào bài văn tế của Phan Huy Ích viết giúp vua Cảnh Thịnh hoàng hậu Ngọc Hân cùng với gia phả dòng họ Nguyễn ở Phù Ninh – Từ Sơn – Bắc Ninh (họ ngoại của công chúa Ngọc Hân) đã xác nhận công chúa Ngọc Hân mất từ năm 1799, do đó không thể lấy vua Gia Long được.