Sau những chiến thắng vang dội của chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch Tây Bắc 1952 đã đẩy quân Pháp ở Đông Dương vào thế lâm nguy. Mặc dù quân số tham chiến tại Đông Dương không ngừng được gia tăng nhưng tình hình với quân Pháp chẳng khả quan hơn chút nào.
Kế hoạch Nava trong tuyệt vọng
Nhằm cứu vớt danh dự cho quân đội Pháp tại Đông Dương cũng như trên toàn thế giới, tướng Henri Eugène Navarre (Nava), tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương đã đề xuất bản kế hoạch có quy mô lớn mang tên ông, kế hoạch Nava. Kế hoạch quân sự đầy tham vọng này nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh nhằm kết thúc chiến tranh Đông Dương trong danh dự. Để chuẩn bị cho kế hoạch đầy tham vọng này, Pháp đã thành lập cụm cứ điểm Điện Biên Phủ án ngự Tây Bắc.
Khi lập cụm cứ điểm này theo như tướng Cogny nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân lý tưởng, là chiếc chìa khoá của Thượng Lào”. Là một cái bẫy để thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công vào đây, theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó. Thậm chí người Pháp còn vỗ ngực tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”.
Trước kế hoạch Nava đầy tham vọng của quân Pháp, Quân ủy trung ương nhận định, kế hoạch Nava ra đời trong hoàn cảnh bị động, trong thế thua nên nó chứa đựng đầy mâu thuẫn và nảy sinh mầm mống thất bại ngay từ đầu. Nắm được sự mâu thuẫn này thì quân Pháp thất bại là không thể tránh khỏi.
Trước tình thế đó Trung ương Đảng hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi Đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương."
Quyết định khó khăn nhất cuộc đời cầm quân của Đại tướng
Với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh đã huy động 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu), 1 trung đoàn pháo binh 75 ly (24 khẩu) và súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 24 khẩu 37 ly (sau được tăng thêm một tiểu đoàn 12 khẩu) vốn là phối thuộc của đại đoàn công pháo 351 (công binh – pháo binh).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Thiếu tướng Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch. Ông Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.
Với địa thế hình lòng chảo, xét về toàn cuộc chiến dịch quân đội Việt Minh ở trên cao đánh xuống nhưng xét từng cứ điểm thì quân đội Việt Minh lại phải đánh từ dưới lên. Với lợi thế về hỏa lực của quân Pháp đồn trú trong các cứ điểm sẽ gây rất nhiều bất lợi cho quân đội Việt Minh.
Địa hình hiểm trở cũng gây nhiều khó khăn cho công tác hậu cần cho một chiến dịch quân sự có quy mô lớn nhất chiến tranh Đông Dương. Việc vận chuyển vũ khí, đặc biệt là pháo 105mm vào trận địa là một công việc cực kỳ khó khăn. Chỉ huy pháo binh tại Điện Biên Phủ Charles Piroth từng tự tin tuyên bố: “ Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến tận đây; nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay”.
Nhưng người Pháp đã lầm to, để đảm bảo tính bí mật và bất ngờ cho chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo cho quân đội bí mật kéo pháo vào trận địa mà quân Pháp gần như không hay biết. Ban đầu khi đề ra quyết tâm thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân ủy trung ương đã nhất trí phương án “đánh nhanh thắng nhanh”. Giờ nổ súng được thống nhất vào ngày 25/01/954.
Trước giờ nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp tham quan trận địa, ngay đêm đó ông đã suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” chứa nhiều nguy cơ bất ổn. Ông kiên quyết tổ chức lại chiến dịch theo phương án "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm.
Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân đội Việt Minh sáng 26/01/1954 không đi đến được ý kiến thống nhất. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hạ quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó. Ông kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".
Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: “Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Với kế hoạch tác chiến mới của đại tướng, sự quyết tâm của toàn quân, sự đòng lòng chung sức của nhân dân tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bóc vỏ dần và buộc phải đầu hàng sau 56 ngày đêm bị tấn công.
Trong hồi kí của mình, tướng Nava thừa nhận: “Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng ngày 25/01 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên một cơn địa chấn trên toàn thế giới, giáng một đòn chí mạng vào thế giới phương Tây cũng như nỗ lực duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ bé tại châu Á đã đánh bại quân đội một cường quốc tại châu Âu.
Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Geneve, trao trả độc lập cho các nước Đông Dương. Theo cuốn The French Secret Services của sử gia Douglas Porch, thảm bại Điện Biên Phủ đã “thay đổi diễn tiến lịch sử nước Pháp”
Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thắng tại Điện Biên Phủ được xem là trận đánh “để đời” của ông. Trận đánh lịch sử này đã đưa tên tuổi của ông bay xa khắp năm châu như là một thiên tài quân sự của thế giới. Với nước Pháp họ hoàn toàn bị khuất phục bởi tài năng quân sự và nhân cách cao cả của ông.