TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Tưởng Giới Thạch và những bí mật phong thủy ít người biết

Thứ tư, 28/03/2012 21:14

Trong lịch sử Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch được coi là một kỳ nhân. Từ khi rời khỏi Khê Khẩu, Phụng Hóa cho tới khi trở thành Tổng thống rồi sau đó thất bại, bất cứ lúc nào, quyền lực cũng nằm trong bàn tay của Tưởng.

Ngay cả khi đại cuộc không thể vãn hồi, buộc phải chạy khỏi đại lục, an phận giữ một góc nhỏ Đài Loan, Tưởng Giới Thạch vẫn nghiễm nhiên ngồi ở chức vị cao nhất. Người ta đã có không ít những tranh cãi về nguồn gốc tạo nên vận may của họ Tưởng.

Có người nói, bản mệnh Tưởng tốt, có người lại nói có lẽ là nhờ phúc đức một đời ăn chay, niệm Phật của mẹ Tưởng, có người lại nói, nguyên nhân bắt nguồn từ phong thủy…

1. Một trong những bằng chứng chắc chắn của những người theo thuyết phong thủy chính là địa lý của Khê Khẩu, Phụng Hóa lẫn nơi đặt mộ tổ của nhà họ Tưởng đều là những nơi quý tướng, là nơi bảo địa long huyệt mà không phải lúc nào cũng có thể gặp được.

Nếu nhìn ra xa, đây là nơi đầu gối Tứ Minh Sơn, lưng dựa vào Thiên Đài Sơn, chân đạp Quát Thương Sơn, mặt hướng ra biển Đông, tay nắm Tượng Sơn cảng, đây có thể nói là một bức tượng thần. Nếu nhìn hẹp hơn, Tuyết Đậu Sơn giống như một con rồng bơi tới Khê Khẩu, rồng lượn vòng ở Khê Khẩu, miệng ngậm châu, đó là biểu tượng của điềm đại cát, ở Khê Khẩu sẽ có quý nhân. Đây chính là lý do mỗi khi Tưởng Giới Thạch gặp khó khăn trên con đường sự nghiệp của mình, ông ta lại quay trở về Phụng Hóa để ở, mà thông thường là ở tại chùa Tuyết Đậu để lấy lại phúc khí và điềm lành của tổ tiên. Trong sự nghiệp của mình, Tưởng Giới Thạch rất nhiều lần mất chức về quê, tuy nhiên sau mỗi lần trở về Phụng Hóa như vậy, người ta lại thấy Tưởng leo lên một địa vị cao hơn cũng có lẽ là vì nguyên nhân này. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là truyền thuyết mà thôi.

Khi đề xướng cuộc vận động lối sống mới, ấn tượng mà Tưởng Giới Thạch để lại cho mọi người vừa là một nhân vật cấp tiến lấy tri thức khoa học làm nền tảng lại vừa là một quân nhân rất tin vào sự logic và triết học phương Tây.

Tưởng Giới Thạch.

Đáng tiếc trong suốt cả cuộc đời của mình, tư tưởng phong thủy, bói toán không hề rời bỏ được Tưởng. Thậm chí, ngoài chuyện bói toán, thuật số, phong thủy của Trung Quốc, Tưởng còn tìm hiểu và vận dụng cả thuật số của phương Tây. Tưởng tin Phật, tin ma quỷ, thần tiên, tin linh hồn, thượng đế, tướng số,… nghĩa là tin toàn bộ những ngoại lực bên ngoài cơ thể.

Vào năm 1926, quân Bắc phạt bao vây thành Nam Xương, bộ tổng tư lệnh được đặt ngay trên một chiếc xe chỉ cách Nam Xương khoảng 30 dặm. Ở gần nơi đặt bộ tư lệnh có một ngôi miếu nhỏ, trong miếu chỉ có vài hòa thượng, tuy nhiên, hương khói lúc nào cũng nghi ngút. Những người dân quanh vùng tin rằng, rút quẻ ở ngôi miếu này rất linh. Vì vậy, Tưởng Giới Thạch đã mời Bạch Tông Hỷ, một trong ba người đứng đầu tập đoàn quân phiệt Quảng Tây cùng mình tới ngôi miếu để xin quẻ.

Mật Hy, đội trưởng đội bảo vệ đặc biệt của Tưởng Giới Thạch, hơn 20 năm làm công việc này vẫn còn nhớ rất rõ, đêm hôm đó, ông cùng với hơn 10 người vệ sĩ đi theo Tưởng Giới Thạch và Bạch Tông Hy tới miếu. Khi tất cả mọi người chuẩn bị bước vào điện chính của ngôi miếu thì từ bên trong bước ra một lão hòa thượng râu tóc bạc phơ. Tưởng Giới Thạch đưa mắt nhìn, Mật Hy lập tức lệnh cho các vệ sĩ ở lại bên dưới rồi một mình cùng Tưởng Giới Thạch và Bạch Tông Hỷ bước lên bậc tam cấp vào điện chính. Vị hòa thượng chắp tay niệm “A di đà phật”, rồi mời khách vào bên trong. Theo ghi nhớ của Mật Hy thì đây là một ngôi miếu thờ Quan Vũ.

Khi bước vào bên trong, Tưởng Giới Thạch không nói không rằng, bước tới hương án tự mình rút một quẻ, rồi cũng không nói gì đưa quẻ cho vị hòa thượng trụ trì. Vị hòa thượng này cũng không nói gì, sau khi xem xong đưa trả lại cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch lúc này mới xem quẻ, bên trên là một bài thơ thất tuyệt của Lưu Vũ Tích, bài Thạch Đầu thành: "Sơn vi cố quốc chu tao tại, Triều đả không thành tịch mịch hồi, Hoài thủy đông biên cựu thời nguyệt, Dạ thâm hoàn quá nữ tường lai" (Nghĩa là: Núi bao bọc thành cũ, vây kín chung quanh, Ngọn thủy triều đập vào thành trống rồi rút lui lặng lẽ, Vầng trăng xưa, ở phía đông sông Hoài (sông Tần Hoài), Ðêm khuya vẫn chiếu qua bức tường con trên thành). Tưởng Giới Thạch đọc đi đọc lại nhiều lần, song vẫn không hiểu nội dung quẻ muốn nói gì.

Lão hòa thượng nói: “Có phải tiên sinh tới đây để hỏi chuyện chiến tranh?”. Tưởng Giới Thạch nghe một câu của lão hòa thượng, đã ngầm khâm phục, hỏi: “Chuyện chiến tranh thắng bại ra sao?”. Sư trụ trì nói: “Tiên sinh chính là Tưởng tổng tư lệnh?”. Tưởng Giới Thạch đáp: “Đúng”. Sư trụ trì không hiểu vì sao lại biết được thân phận của Tưởng Giới Thạch, nghiêm sắc mặt nói: “Bài thơ này nói rằng trận này ngài được phù trợ, quân địch tất thua, có điều nên đề phòng kẻ tiểu nhân hãm hại sau lưng”. Sau đó, sư trụ trì lấy từng câu thơ giảng giải cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng nghe xong gật gù, cho là phải, rồi sai phó quan tùy tùng của mình lấy 200 đồng gửi cho sư trụ trì, rồi quay người trở về doanh trại không nói nửa câu.

Ngay khi về tới bộ tư lệnh, Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho hai đoàn quân dự bị cấp tốc di chuyển tới gần bộ tổng tư lệnh. Đã chuẩn bị kỹ như vậy nhưng dường như Tưởng Giới Thạch vẫn chưa cảm thấy yên tâm, cho rằng lời của vị sư trụ trì sẽ linh nghiệm, vì vậy, lại sai Mật Hy bố trí, tăng cường cả số lượng lẫn thực lực của lực lượng cảnh vệ. Chẳng biết lão hòa thượng biết trước được tương lai hay là sớm biết quân Bắc Dương trong thành Nam Xương đã có kế hoạch đánh úp bộ tổng tư lệnh của Tưởng Giới Thạch. Ngay trong đêm hôm đó, sau khi Tưởng Giới Thạch bố trí lực lượng canh phòng cẩn mật, thì vào lúc 12 giờ đêm, Lô Hương Đình, tướng dưới quyền của quân phiệt Bắc Dương Tôn Truyền Phương phái hai đội vượt thành Nam Xương đánh úp vào bộ tổng tư lệnh của quân Quốc dân đảng. Do đã có chuẩn bị sẵn từ trước, hơn một ngàn quân Bắc Dương đánh úp bộ tổng tư lệnh đã bị bao vây và tiêu diệt sạch.

Sau khi hạ được thành Nam Xương, nhớ lại nhờ quẻ bói của sư trụ trì ở ngôi miếu nhỏ mà mình thoát chết, đồng thời đánh bại quân Bắc Dương tại thành Nam Xương, Tưởng Giới Thạch đã sai quân nhu trưởng Du Phi Bằng tự thân tới ngôi miếu tặng cho sư trụ trì một khoản tiền lớn.

2. Càng những năm về sau thì Tưởng Giới Thạch càng tin nhiều hơn vào phong thủy, tướng thuật. 

Sau khi xảy ra sự biến Tây An đúng 10 ngày (Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương và Dương Hổ Thành bắt, nhằm gây sức ép buộc Tưởng hợp tác với Đảng Cộng sản chống Đế quốc Nhật Bản vào ngày 12 tháng 12 năm 1936, khi Tưởng đến Tây An), Tống Mỹ Linh ngồi máy bay tới Tây An để thăm Tưởng Giới Thạch khi đó đang bị Trương và Dương bắt giữ. Tưởng Giới Thạch nhìn thấy Tống Mỹ Linh nói: “Mặc dù tôi không muốn bà tới Tây An nhưng tôi cảm thấy tôi không thể cản bà làm việc đó. Hôm nay, khi giở sách Kinh Thánh, câu đầu tiên mà tôi nhìn thấy là: “Yehovah hiện tại muốn làm một việc mới, ông ấy sai một người con gái tới bảo vệ người đàn ông”.

Do sự ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch, những tay chân thân tín của ông ta đều rất tin vào thuật số, phong thủy. Chẳng hạn như sủng tướng Trần Thành hay Hồ Tông Nam. Khi Hồ Tông Nam còn làm quan ở vùng Tây Bắc, chức tới Chủ nhiệm bình định Tây An, trong tay có ba tập đoàn quân, cộng với 10 quân đoàn trực thuộc, tổng cộng có tới 150 ngàn quân, tuy nhiên, vị tướng quân này cũng rất tin vào phong thủy.

Hồ cho người nói rằng, ở Lạc Dương đào được một tấm bia cổ, bên trên có khắc một câu thơ rằng: “Nhất luân cổ nguyệt chiếu trung hoa” (Một vầng trăng chiếu khắp cả nước Trung Quốc), “Cổ nguyệt” hợp lại chính là chữ “hồ”, ám chỉ Hồ Tông Nam.

Nam Kinh.

Không chỉ tin theo phong thủy, nhiều thuộc hạ của Tưởng biết ông ta tin chuyện tướng số phong thủy nên tìm mọi cách để lấy lòng ông theo cách này. Chẳng hạn như có lần, Dương Sâm tới Đài Loan thay Tưởng tìm được một mảnh đất có phong thủy cực tốt nằm tại công viên Khẩn Đinh của Đài Bắc. Ngay sau đó, Tưởng Giới Thạch đã cho xây dựng một tòa biệt thự tại đây, gọi là Thất tinh bán nguyệt.

Những chuyện tin phong thủy của Tưởng Giới Thạch được kể lại rất nhiều. Trong số những câu chuyện phong thủy liên quan tới Tưởng Giới Thạch thì câu chuyện xảy ra vào năm Đới Lạp chết do tai nạn máy bay được nhiều người nhắc tới nhất. Đây là sự kiện mà Tưởng Giới Thạch đã vào vai một thầy phong thủy cực kỳ thành công. Một điều kỳ lạ là Đới Lạp tên tự là Vũ Nông và máy bay của ông ta gặp tai nạn tại Đới Vũ Câu trên núi Đới Sơn thuộc thị trấn Bản Kiều, Giang Ninh gần Nam Kinh, còn Đới Lạp thì chết ở Đới hồ. Sau cái chết của Đới Lạp, cả nước gần như vỗ tay hoan hô, song với Tưởng Giới Thạch, đó là một mất mất lớn khi mất đi một đặc vụ trung thành tuyệt đối. Vì vậy, Tưởng đã tự mình tới nơi Đới Lạp gặp tai nạn máy bay đồng thời có một buổi giáo huấn đối với các thành viên của Cục quân thống. Tưởng Giới Thạch muốn tìm một nơi có phong thủy thật tốt để chôn cất cho kẻ tôi tớ trung thành của mình. Vì thế, lĩnh cữu của Đới Lạp để mãi trong Linh Cốc tự không được an táng.

Mao Nhân Phượng, người được cử thay thế Đới Lạp tiếp quản Cục quân thống đồng thời cũng được giao nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân cái chết và lo tang lễ cho Đới Lạp. Biết Tưởng Giới Thạch là một người thông hiểu tướng số phong thủy, nên Mao Nhân Phượng đã tự mình tìm hiểu rất nhiều sách tướng số, phong thủy. Tuy nhiên, trong lần chôn cất Đới Lạp, may mà Mao Nhân Phượng không tự mình đưa ra quyết định lựa chọn nơi chôn cất cho Đới Lạp, nếu không thì đã có chuyện không hay xảy ra khi Tưởng Giới Thạch đòi tự mình lựa chọn nơi chôn cất cho ông trùm đặc vụ Quốc dân đảng. Thực tế, trước khi xảy ra sự kiện Đới Lạp tử nạn, có một câu chuyện phong thủy ảnh hưởng lớn tới tâm tư của Tưởng Giới Thạch.

Sau khi con trai cả của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc kết hôn với Chương Á Nhược và sinh được hai người con song sinh, đã mời một thầy tướng số về xem vận mệnh cho hai đứa con của mình. Kết quả của quẻ bói nói rằng, vận mệnh của cặp song sinh này sẽ rất tốt. Tuy nhiên, thầy tướng này khi đi từ Giang Tây tới Quảng Tây đã nói với Chương Á Nhược và một người bạn của là Quế Huy rằng, chỉ sợ rằng do Chương Á Nhược không phải là vợ được cưới chính thức, hai đứa con sẽ khó nuôi, thậm chí có thể chết yểu. Trương và Quế nghe xong giật mình.

Quả thực, Chương Á Nhược và Tưởng Kinh Quốc không hề có cưới hỏi chính thức mà chỉ là một chuyện nhân tình nhân ngãi. Thầy tướng số này lại nói: “Hai người con này không chỉ sau này sẽ gặp nạn mà hiện tại cũng có nạn. Những người lớn tuổi trong gia tộc họ Tưởng ắt sẽ không nhận chúng”. Chương nghe xong sợ lắm hỏi: “Vậy phải làm thế nào?”. Thầy tướng lại nói: “Chỉ cần nghe lời của ta, không những hóa dữ thành lành mà còn có thể trở thành nhân vật lớn, được gia tộc họ Tưởng chấp nhận”.

Quế Huy cùng Chương Á Nhược vội vàng đưa cho thầy tướng 200 đồng để ông ta chỉ cho mình cách giải quyết. Sau khi nhận tiền, vị thầy tướng nói: “Chỉ cần tìm một người mẹ nuôi tuổi hổ cho hai đứa con này, đồng thời người này phải từ nước ngoài trở về thì chắc chắn mọi việc sẽ được giải quyết”. Sau này, Quế Huy nhớ lại việc này nói rằng, lúc đó rất trùng hợp là Vương Tôn, vợ của Phan Nghị Chi, thứ trưởng bộ kinh tế Quốc dân đảng từng là một du học sinh lại cũng là một người tuổi hổ. Vương Tôn cũng rất thích hai đứa con song sinh của Chương Á Nhược. Vì vậy Chương Á Nhược đã tới nhờ Vương Tôn làm mẹ nuôi hai đứa con của mình. Không ngờ rằng, sau khi làm xong thì mọi chuyện trở nên thuận lợi lạ thường.

Từ Trùng Khánh, Tưởng Giới Thạch đánh mật điện nói rằng, gia đình họ Tưởng sẽ nhận hai đứa cháu ngoài giá thú này, đồng thời đổi tên ban đầu là Chương Hiếu Nghiêm và Chương Hiếu Từ thành Tưởng Hiếu Nghiêm và Tưởng Hiếu Từ, công nhận là một thành viên của gia tộc họ Tưởng. Cặp song sinh này sau này cũng trở thành những người có máu mặt trong chính quyền Quốc dân đảng. Một người là phó bộ trưởng ngoại giao Quốc dân đảng, một người là viện trưởng học viện luật học thuộc đại học Đông Ngô của Đài Loan.

Sự việc hai đứa cháu ngoài giá thú cũng có phần nào ảnh hưởng tới Tưởng Giới Thạch. Nên vào lúc này khi thuộc hạ được sủng ái nhất của mình chết, Tưởng Giới Thạch đã quyết định phải chọn cho được một nơi chôn cất thật đẹp cho Đới Lạp. Bình thường, Tưởng Giới Thạch rất ít khi để lộ ra cho mọi người biết rằng mình là người rất hiểu chuyện thuật số, phong thủy. Tuy nhiên, lần này thì hoàn toàn khác. Mao Nhân Phượng nhận được thông báo của đội cảnh vệ của Tưởng Giới Thạch nói rằng, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh muốn tới xem linh cữu của Đới Lạp. Mao Nhân Phượng cho gọi Uông Túy và Lưu Khải Thụy tới cùng mình cung cung kính kính chờ đợi.

Ba giờ chiều hôm đó, một chiếc xe hơi nhỏ đưa Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh tới Linh Cốc tự. Hai người bước vào trong điện chính tới gần linh cữu của Đới Lạp, đứng lặng nhìn di ảnh của Đới Lạp hồi lâu không nói một lời. Trầm mặc trong vòng hơn 10 phút, Tưởng Giới Thạch mới quay sang hỏi Mao Nhân Phượng: “Chuẩn bị an táng ở nơi nào?”. Mao Nhân Phượng vội vàng đáp: “Báo cáo, vẫn chưa chọn được nơi. Vẫn còn đang tìm kiếm nơi thích hợp, mong ủy viên chỉ thị!”. Tưởng Giới Thạch trầm ngâm gật đầu nói: “Được! Hôm nay ta đến viếng linh cữu của Vũ Nông (Đới Lạp) cũng đã chuẩn bị một nơi an táng tốt cho ông ấy. Chúng ta không nói chuyện mê tín nhưng có kiêng thì có lành, chỉ là đừng để người ngoài cười cho mà thôi. Người Trung Quốc thì vẫn là người Trung Quốc, không giống người Âu Mỹ, mọi người đều được đưa tới một nơi gọi là nghĩa trang. Người Trung Quốc thì phải có phong thủy, nếu không con cháu sẽ không phát triển được”.

Mao Nhân Phượng nghe Tưởng Giới Thạch nói liên tục gật đầu: “Vâng, vâng, lãnh tụ sáng suốt, lãnh tụ sáng suốt. Nhất định phải chọn cho Cục trưởng Đới một nơi có phong thủy thật đẹp”. Tưởng Giới Thạch lại nói: “Không phải nơi có phong thủy thật tốt cũng chẳng làm sao cả nhưng cũng không được để người ngoài bàn ra tán vào, nói rằng người học trò yêu của ta đã chết mà việc chôn cất lại chẳng phù hợp với truyền thống của cha ông thì ta chẳng còn mặt mũi nào cả!”

Nói xong, Tưởng Giới Thạch cầm gậy đi lên ngọn núi phía sau chùa tìm nơi chôn cất Đới Lạp. Tống Mỹ Linh ban đầu đi cùng Tưởng, tuy nhiên sau đó vì đeo giày cao gót nên không thể đi đường núi được, mọi người đành đưa Tống Mỹ Linh quay trở lại chùa. Thấy vậy,  Tưởng Giới Thạch cũng bỏ cuộc tìm kiếm của mình, quay trở lại cùng Tống Mỹ Linh.

Lần đó, trước khi lên xe trở về, Tưởng Giới Thạch còn dặn dò Mao Nhân Phượng nói nhất định ông ta sẽ quay trở lại để tìm cho được nơi thật tốt an táng Đới Lạp. Nửa tháng sau, Mao Nhân Phươnng vẫn không dám chôn cất Đới Lạp vì vẫn chưa thấy Tưởng Giới Thạch quay trở lại. Tuy nhiên, đúng lúc đang lo lắng không biết xử trí ra sao đối với linh cữu của Đới Lạp thì Tưởng Giới Thạch một mình tới Linh Cốc tự. Hôm đó, Tưởng Giới Thạch đi một mình, mặc áo ngắn, đeo kính đen rồi cùng một đặc vụ đi lên ngọn núi sau chùa tìm kiếm nơi có phong thủy đẹp. Sau khi lượn một vòng quanh ngọn núi, Tưởng Giới Thạch dừng lại bên một chiếc ao nói với Mao Nhân Phượng: “Đây là nơi đất tốt, phong thủy không tệ. Điều cần phải chú ý là việc chôn cất phải chọn hướng Tý, Ngọ”.

Uông Túy sau này có nói: “Khi nghe câu nói đó cũng đủ biết ông ta là một người rất có nghề. Bề ngoài, Tưởng Giới Thạch thường xuyên đi lễ nhà thờ, tay không bao giờ rời cuốn kinh thánh, vậy mà hóa ra lại là một  nhà phong thủy có hạng". Sau khi chọn xong địa điểm và phương hướng, Tưởng Giới Thạch đã gọi Mao Nhân Phượng tìm người chọn giờ chôn cất lúc nào thì thích hợp. Đồng thời dặn dò sau khi chọn xong phải thông báo cho ông ta biết.

Uống Túy kể rằng, sau khi Tưởng Giới Thạch rời đi, Mao Nhân Phượng có mời mình tới nhà để bàn hai chuyện: Một là chọn ngày nào để chôn cất Đới Lạp, hai là làm cách nào để gia cố được mộ phần của Đới Lạp. Vị trí chôn cất là do Tưởng Giới Thạch đích thân chọn lựa, việc chọn ngày là mời thầy giỏi, vì vậy chẳng có gì phải bàn cả. Tuy nhiên, làm cách nào để một người giết người không gớm tay sau khi được chôn cất không bị những kẻ thù ghét quật mộ thì quả thực không dễ dàng chút nào.

Cuối cùng, Uông Túy và Mao Nhân Phượng đã tìm ra được một cách, đe xi măng trộn với than rồi cho đổ đầy xuống mộ của Đới Lạp khiến cho quan tài và phần mộ dính liền thành một khối. Như vậy, nếu như có người muốn đào mộ của Đới Lạp cũng không thể đào được ngoài trừ dùng thuốc nổ. 

Việc tự mình xem phong thủy, chọn mộ cho ông trùm đặc vụ quốc dân đảng Đới Lạp của Tưởng Giới Thạch được rất nhiều người nhắc tới. Có người cho đó là sự tận tâm với kẻ dưới, lại có người khẳng định đây là bằng chứng chứng minh tuyệt học phong thủy của Tưởng Giới Thạch mà ông ta luôn giấu bên trong vẻ ngoài rất Tây học của mình. Trên thực tế, nếu bỏ qua chuyện chính trị thì có thể nói học vấn của Tưởng Giới Thạch không hề thua kém Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, khí số vận mệnh của một thể chế không thể chỉ dựa vào những kiến thức phong thủy mà có thể thay đổi được. Trường hợp của Tưởng Giới Thạch cũng không ngoại lệ.

Phunutoday