TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Vì sao không ai dám trộm mộ Gia Cát Lượng?

Thứ tư, 26/04/2023 22:04

Là một mưu sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ Tam Quốc, Gia Cát Lượng để lại cho hậu thế vô vàn giai thoại về cuộc đời của mình. Ngay cả khi ông mất, ngôi mộ của ông cũng thu hút rất nhiều sự chú ý.

Trộm mộ đã xuất hiện ở Trung Quốc hàng ngàn năm. Để ngăn chặn việc bị đánh cắp sau khi chết, vô số hoàng đế đã thiết lập rất nhiều cạm bẫy trong lăng mộ của họ. Tuy nhiên vẫn có không ít những ngôi mộ bị những kẻ trộm mộ phá hủy, chỉ có một số ít những ngôi mộ chưa được phát hiện rõ vị trí nên chưa bị đào trộm, trong số đó có lăng mộ Quan Vũ. Tuy nhiên, có một lăng mộ dù được phát hiện ra vị trí nhưng không ai dám trộm đó là lăng mộ của Gia Cát Lượng - vị thừa tướng nước Thục thời kỳ Tam Quốc.

Tạo hình nhân vật Gia Cát Lượng trong phim ''Tam quốc diễn nghĩa" phiên bản năm 1994.

Trong tác phẩm "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Gia Cát Lượng được xem là vị cao nhân “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, sở hữu tài năng tiên đoán mọi việc vô cùng chuẩn xác. Và cho đến nay, sau hàng nghìn năm vẫn không ai dám trộm mộ Gia Cát Lượng, nguyên nhân là gì? Có khá nhiều truyền thuyết về phần mộ của ông.

1. Tể tướng nhà Minh - Lưu Bá Ôn nghe tin trong mộ của Gia Cát Lượng có thiên thư nên lập tức dẫn quân đào mộ của ông. Khi đào khu mộ thì phát hiện có tới bảy ngôi mộ. Bên trong là những thùng dầu lớn nối sát nhau bằng dây thừng, sáu thùng đầu đã cháy hết, thùng dầu cuối cùng vẫn còn một ít dầu. Lưu Bá Ôn đột nhiên phát hiện ra trên một vòng tròn bằng tre bên cạnh có một dòng chữ, khi ông bước tới và nhìn kỹ năm ký tự viết "Chỉ có Bá Ôn đến" do chính Gia Cát Lượng viết. Lưu Bá Ôn tái mặt vì sợ hãi cùng với đó là sự ngưỡng mộ dành cho Gia Cát Lượng nên vội vã quỳ lạy trước mộ rồi từ bỏ công việc đào mộ. Hóa ra Gia Cát Lượng từ ngàn năm trước đã biết được ai là người đầu tiên viếng mộ của ông, nên đã để lại đề bút cảnh cáo trước, xem ra trí tuệ của Gia Cát Lượng là không ai có thể so sánh được.

2. Ngày 8/10/234, Gia Cát Lượng qua đời ở Kỳ Sơn, Bảo Kê, Thiểm Tây vì bạo bệnh. Nhưng trước khi chết, Gia Cát Lượng vẫn tự mình lên kế hoạch mọi việc. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện (tên tự A Đẩu - con Lưu Bị) đã tìm 4 người khiêng quan tài theo di huấn của ông đi về phía Nam, hễ đứt dây đứt chỗ nào là chôn ngay tại đó. Bốn người khiêng quan tài đi hồi lâu cũng mệt, nhưng dây vẫn còn nên trong lòng chợt lóe lên quyết định tìm chỗ chôn luôn quan tài Gia Cát Lượng xuống đất rồi về kinh. Sau khi Lưu Thiện biết được chuyện này, cảm thấy kỳ quái nên đã bắt người khiêng quan tài tra khảo, sau khi hỏi ra chân tướng, trong cơn thịnh nộ đã giết chết cả bốn người họ nên không còn ai đã biết nơi chôn cất chính xác của Gia Cát Lượng.

Trong dân gian có nhiều lời đồn đại về Gia Cát Lượng, ông được miêu tả trong tiểu thuyết là người biết thiên văn, địa lý toàn tài, trong suy nghĩ của mọi người, người tài giỏi như vậy nhất định đã an bài cho mình sau khi chết để tránh bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ.

Hiện Lăng mộ của Gia Cát Lượng hay còn gọi là mộ Vũ Hầu được cho là nằm dưới chân núi Định Quân, diện tích lên tới hơn 300 mẫu. Tuy nhiên, người Trung Quốc đến nay vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: “Mộ thật thì không thật mà mộ giả lại không giả”. Trên thực tế, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngay cả ngôi mộ có tên “Mộ Vũ Hầu” này cũng không phải là thực.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)