TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Vì sao Tào Tháo cho 3 con gái lấy chung một chồng?

Chủ nhật, 24/03/2013 09:30

Tào Tháo không màng hôn nhân và hạnh phúc của những đứa con đứt ruột đẻ ra, chỉ chăm chăm củng cố và mở rộng quyền lực của mình trong triều đình nhằm khống chế Hán Hiến Đế, sự tàn nhẫn có thể nói là không ai sánh bằng.

Ba con gái chung một chàng rể

Con cái của Tào Tháo, cả nam lẫn nữ đều rất đông. Tuy nhiên, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, cả đời Tào Tháo sinh được mấy người con gái thì không thấy sử sách ghi chép rõ. Tuy nhiên, việc Tào Tháo lợi dụng những cuộc hôn nhân của con gái để duy trì và củng cố quyền lực của mình, đem rất nhiều con gái của mình gả cho các vương công, đại thần, thậm chí là… hoàng đế được sử sách ghi chép khá đầy đủ.

Từ những gì được ghi chép trong các sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ và “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp, chúng ta có thể biết rằng, chí ít Tào Tháo có 7 cô con gái, bao gồm: Tào Hiến, Tào Tiết, Tào Hoa, Thanh Hoà Trương Công chúa, An Dương Công chúa, Kim Hương Công chúa và Lâm Phần Công chúa. Trong đó, câu chuyện ba nguời con gái của Tào Tháo cùng lấy một chồng là câu chuyện được sử sách nhắc tới nhiều nhất.

Theo sử sách chép lại vào năm Kiến An thứ 18, tức năm 213, Tào Tháo đem ba cô con gái của mình là Tào Hiến, Tào Hoa, Tào Tiết cùng gả cho Hán Hiến Đế Lưu Hiệp làm phi tử.

Sách "Hậu Hán thư" của Phạm Diệp có ghi lại tình hình lúc bấy giờ như sau: Năm Kiến An thứ 18, Tào tiến cử ba cô con gái là Hiến, Tiết, Hoa làm phu nhân (vợ vua), sính lễ là 50.000 cuộn lụa. Những người còn nhỏ thì đợi đến khi lớn sẽ vào hầu vua”. Những ghi chép này cho thấy chuyện ba cô con gái của Tào cùng lấy một chồng là chuyện có thực. Thậm chí, ngoài ba cô con gái đã trưởng thành này, những cô con gái còn nhỏ tuổi cũng được Tào cho “đính hôn” trước với Hán Hiến Đế, tới tuổi trưởng thành thì cho vào cung hầu hạ vua.

Ảnh minh họa

Tào Hiến, Tào Tiết, Tào Hoa vừa được đưa vào cung đã được phong làm phu nhân. Chỉ sau một năm, ba chị em nhà họ Tào cùng một lúc được phong lên làm quý nhân. Hoàng hậu của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp  vốn là Phục Thọ, thấy Tào Tháo ngày ngày lộng hành, đã viết một bức mật thư gửi cho cha mình là Phục Hoàn, hy vọng cha mình có cách trừ bỏ Tào Tháo, giúp Hán Hiến Đế thoát khỏi sự kìm kẹp của Tào. Việc bại lộ. Tào ép Hán Hiến Đế phế truất hoàng hậu, giam vào lãnh cung. Phục hoàng hậu không lâu sau đó đã chết trong lãnh cung.

Tào đứng ra làm chủ, "giúp" Hán Hiến Đế chọn lựa một mỹ nữ khác làm hoàng hậu. Căn cứ vào nguyên tắc tuyển người hiền không ngại người thân, Tào quyết định chọn cô con gái thứ hai của mình là Tào Tiết làm hoàng hậu. Vì vậy, vào năm Kiến An thứ 20, tức năm 215, dưới sự chèn ép của Tào, Hán Hiến Đế ra chiếu sắc phong cho Tào Tiết làm chính cung.

Mặc dù biết rõ đây là hành động chèn ép hoàng đế của Tào nhưng văn thần võ tướng trong triều không ai dám nói nửa lời. Tào Tiết, con gái thứ hai của Tào Tháo, chính là “Hiến Mục Hoàng hậu”, mà sử sách sau này nhắc tới.

Cô con gái chống lại cha

Liên quan tới ba người vợ họ Tào của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, sử sách trước nay không ghi chép nhiều. Người được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là người được sắc phong hoàng hậu – Tào Tiết. Bà là một người phụ nữ truyền thống, khác hẳn bản tính người cha gian xảo và tàn bạo của mình. Bản tính Tào Tiết dịu dàng, hiền lành. Vì vậy, kể từ ngày được gả cho Hán Hiến Đế, Tào Tiết gần như hoàn toàn đứng về phía chồng chống lại cha mình.

Sau khi Tào Tháo qua đời, mọi thứ đều thay đổi. Tào Phi, con trai cả của Tào Tháo, kế thừa vương vị của cha, bắt đầu uy hiếp Hán Hiến Đế phải nhường lại ngai vàng. Tào Phi còn cho xây dựng hẳn một đài thoái vị ở Hứa Xương, buộc Hán Hiến Đế phải thoái vị để mình danh chính ngôn thuận tiếp nhận ngôi hoàng đế. Mọi việc bên ngoài Tào Phi đã sắp đặt cả, chỉ thiếu việc tiếp nhận ngọc tỷ truyền quốc nữa là có thể chính thức lên ngôi.

Tuy nhiên, ngọc tỷ lại nằm ở chỗ hoàng hậu Tào Tiết. Tào Phi nhiều lần cho người tới chỗ Tào Tiết lấy, nhưng Tào Tiết nhất định không chịu đưa ngọc tỷ ra. Theo ghi chép của sách "Hậu Hán thư" thì khi đó, Tào Phi sai Hoa Hâm tới chỗ Tào Tiết lấy ngọc tỷ. Tào Tiết nổi giận, nói không đưa, đồng thời còn sai người đẩy bọn Hoa Hâm ra khỏi cửa. Nhưng Tào Phi không vì thế mà bỏ cuộc, năm lần bảy lượt phái người tới đòi.

Tào Tiết buộc phải đưa ngọc tỷ ra cho Tào Phi. Tuy nhiên, trước mặt của tất cả các thuộc hạ của Tào Phi, Tào Tiết lớn tiếng mắng anh trai mình, đồng thời cầm ngọc tỷ truyền quốc ném xuống thềm, nước mắt dàn dụa nói: “Trời sẽ trừng phạt ngươi”. Những thuộc hạ của Tào Phi không dám nhìn Tào Tiết, chỉ biết cúi đầu len lén nhặt ngọc tỷ đem về.

Từ khi được Tào Tháo gả cho Hán Hiến Đế cho tới lúc bị phế, Tào Tiết làm hoàng hậu được 7 năm. Tào Phi lên ngôi vẫn không đuổi tận giết tuyệt Hán Hiến Đế mà phong cho làm Sơn Dương công. Tào Tiết vì thế từ hoàng hậu trở thành Sơn Dương công phu nhân. Tào Phi cũng phong cho con cháu của Lưu Hiệp đủ để có một cuộc sống giàu sang, an nhàn.

Tới năm 234, sau khi làm Sơn Dương công được 14 năm, Lưu Hiệp mắc bệnh qua đời, thọ 54 tuổi. Tào Phi tổ chức tang lễ cho Lưu Hiệp theo nghi thức của hoàng đế triều Hán. Sau khi Lưu Hiệp chết 26 năm, tới năm 260, Tào Tiết cũng qua đời. Tào Phi đã cho mai táng Tào Tiết cùng chỗ với Lưu Hiệp theo nghi thức của hoàng hậu triều Hán.

Số phận 2 người con gái còn lại của Tào Tháo được gả cho Hán Hiến Đế không được sử sách nhắc tới. Tuy nhiên, vào những năm 70 của thế kỷ trước, trong mộ gia tộc Tào Tháo ở Hào Châu, tỉnh An Huy, người ta phát hiện được mộ của Tào Hiến. Đây là một điều khiến các nhà khảo cổ rất ngạc nhiên, bởi lẽ, một người phụ nữ đã đi lấy chồng vì sao lại được chôn trong khu mộ của nhà họ Tào?

Đương nhiên vẫn thiếu bằng chứng để khẳng định rằng ngôi mộ được tìm thấy chắc chắn là một của con gái cả của Tào Tháo. Tất cả vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu thêm của các nhà khảo cổ học.

Hôn nhân & Pháp luật