Bản chất của thái giám chính là để chỉ những vị quan cao cấp thời cổ đại trong số các hoạn quan, sau này lại dùng để chỉ những người đàn ông bị thiến đi để vào cung hầu hạ. Ở thời cổ đại, những người này thường là dân thường hoặc nô lệ, bọn họ trở thành người hầu hạ trong hoàng cung còn gọi là hoạn quan. Nhóm người này không phải chỉ có ở Trung Quốc mà ở nhiều quốc gia khác cũng có hoạn quan nhưng ở mỗi quốc gia thì công việc của họ cũng khác nhau.
Chế độ hoạn quan bắt nguồn từ thời Tiền Tần, ở trong "Kinh Thi" và "Lễ Ký" đều có ghi chép tương tự về điều này. Sau thời Tần và Hán, chế độ hoạn quan càng thêm hoàn chỉnh, bọn họ có quyền lợi chính trị đặc biệt, đối với chính quyền của triều đại có ảnh hưởng rất lớn.
Trong thời kỳ nhà Đường và Tống, hoạn quan rất ít khi can thiệp vào các công việc hành chính, không có ảnh hưởng nghiêm trọng với quốc gia. Thời kỳ nhà Tống từng lập ra Nội thị tỉnh để cho hoạn quan làm chủ quản. Vào thời nhà Tống, việc các hoạn quan nắm nhiều quyền lực can thiệp vào chính trị rất phổ biến nhưng khi đó những quan lại là thân thích bên vợ của vua càng chuyên quyền hơn nên chuyện liên quan đến hoạn quan cũng không mấy ai đi tìm hiểu.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đối với hoạn quan lại rất đề phòng. Ông tuyệt đối cấm hoạn quan tham dự vào chính sự, ông cũng sợ nhất định là hoạn quan tham gia vào chính sự của Hoàng đế. Tuy nhiên vào triều đại nhà Minh thì hoạn quan mới can thiệp vào chuyện triều chính nghiêm trọng nhất. Ví dụ như Ngụy Trung Hiền mà rất nhiều người quen thuộc, ông ta có quyền lực khuynh đảo triều chính, thế lực hiển hách, thậm chí còn hơn cả quyền hành của Hoàng đế.
Nói đến thái giám hay hoạn quan, ấn tượng trong lòng của mọi người đều là gian trá, độc ác và nham hiểm. Thật sự thì trong lịch sử đúng là có rất nhiều thái giám như vậy, trong phim truyền hình cũng tạo nên hình tượng thái giám phần lớn đều là không tốt, rất tiêu cực. Bởi vậy tạo nên cái nhìn có phần phiến diện đối với thái giám. Thực tế thì trong lịch sử thái giám có công lao, làm việc tốt cũng không ít.
Nghề làm giấy chính là một trong bốn phát minh từ Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ triều đại nhà Hán, thời kỳ Tây Hán. Vào năm Nguyên Hưng đầu tiên của triều đại Đông Hán, Thái Luân đã cải tiến kĩ thuật làm giấy, đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Thái Luân cũng là một hoạn quan, từng là Trung Thường Thị. Ông là một người đôn hậu, cẩn thận, luôn quan tâm đến lợi ích của quốc gia, chăm chỉ hiếu học, luôn vì lợi ích của nhân dân mà phấn đấu, có thể nói là một con người ưu tú.
Người ta cũng đã từng nghe qua câu chuyện về Trịnh Hòa vượt biển đi đến các nước Tây Dương, dẫn dắt đội tàu trải qua nhiều khó khăn tạo nên những cuộc chinh phạt ngoài khơi với quy mô lớn khám phá các nước Tây Dương. Ở hoạt động ngoài biển của Trịnh Hòa lúc đó đã đạt đến một trình độ nhất định giúp cho Trung Quốc cùng với các quốc gia khác tạo lập quan hệ hữu nghị về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Có thể nói là có cống hiến không nhỏ và Trịnh Hòa cũng là một hoạn quan. Trịnh Hòa là một người Hồi và hầu hạ bên cạnh hoàng đế thứ ba của nhà Minh - Minh Thành Tổ (trị vì từ 1403 đến 1424). Sau khi quân đội nhà Minh chiếm đóng Vân Nam, ông đã bị bắt giữ khi còn là một cậu bé và bị hoạn trở thành thái giám. Tên gọi Trịnh Hòa là do vua Minh Thành Tổ đặt cho để thưởng công ông giúp đảo chính lật đổ Minh Huệ Đế.
Bởi vậy có thể thấy được thái giám cũng không hoàn toàn là người xấu, trong đó cũng có rất nhiều người tốt. Ví dụ như lần này nói đến một vị thái giám, ông chính là bởi vì cố ý đọc sai một từ trong thánh chỉ mà đã cứu được cả nghìn mạng người. Thái giám là người thân cận bên cạnh Hoàng đế, là người để hoàng đế truyền đạt ý chỉ của mình, đây là một trong những công việc chính của thái giám. Có thể thấy được thái giám rất được hoàng đế tin tưởng. Hoàng đế là người nắm quyền lực cao nhất thời kỳ phong kiến, nói một thì sẽ không có hai, thánh chỉ cũng chính là ý chỉ của hoàng thượng. Nếu như có người nào đó dám giả truyền thánh chỉ thì nhất định sẽ phải chịu sự trừng phạt.
Có người nói rằng việc giả truyền thánh chỉ hay tội danh giả mạo chỉ dụ của vua, mượn danh vua, giả truyền hay bóp méo mệnh lệnh của vua bình thường đều sẽ bị phán tử hình. Có thể thấy rằng vị thái giám này cố ý đọc sai chữ đúng là cực kỳ liều lĩnh. Vị thái giám này chính là Trương Cư Hàn, là hoạn quan cuối đời nhà Đường. Trương Cư Hàn sinh năm 858 và được Trương Từ Hồng nhận làm con nuôi, sau một thời gian được đưa vào cung làm thái giám.
Trương Cư Hàn là người không thích cậy quyền gây sự, tính cách ngay thẳng, chính trực, ngay thẳng, dũng cảm và có tư chất hơn người. Khi Đường Trang Tông lên ngôi, Trương Cư Hàn dù được bổ nhiệm là Xu Mật Xứ chịu trách nhiệm chính về quân sự, chính trị và tuyên cáo mệnh lệnh của Hoàng đế nhưng chưa bao giờ cậy thế lộng quyền. Đường Trang Tông vì tiêu diệt được Hậu Lương mà dương dương tự đắc, hoạn quan vì vậy mà nắm quyền.
Vào năm 926 sau Công nguyên, nhà Hậu Đường vướng vào một số chiêu trò phản loạn. Đường Trang Tông tin rằng hậu duệ của Hoàng đế nhà Thục là Vương Diễn là kẻ đầu sỏ, nhân cơ hội gây rối, là mầm họa tương lai, vì vậy đã ban hành chỉ dụ giết chết Vương Diễn và phe phái của ông ta, thậm chí ngay cả các quan chức, người hầu trước đây của nhà Thục cũng bị vạ lây. Điều này có thể tạo ra một cuộc thảm sát hơn cả ngàn mạng người.
Nhưng may mắn thay người kiểm tra chiếu chỉ và truyền thánh chỉ lúc này chính là Trương Cư Hàn. Sau khi nhìn thấy thánh chỉ, Trương Cư Hàn cảm thấy Vương Diễn nếu như đã đầu hàng thì bây giờ giết đi hắn thì quá là nhẫn tâm, không có tình người, hơn nữa quá mức lạnh lùng vô tình. Vì vậy mà Trương Cư Hàn đã đem chiếu thư đổi chữ "Hành" thành chữ "Gia", chiếu thư từ "Giết Vương Diễn và phe phái của hắn" thành "Giết Vương Diễn và gia tộc của hắn". Nhờ vậy mà bảo toàn được tính mạng cho hơn một ngàn người vô tội, cũng coi như đã rất nhân từ rồi.
Bóp méo hay xuyên tạc chiếu thư chính là phạm phải tội chết nên người ta cũng không nghi ngờ gì. Chẳng ai ngờ rằng Trương Cư Hàn có can đảm dám thay đổi chiếu thư nên chỉ nghe theo lời ông đọc mà làm việc. May mắn thay, lúc đó Đường Trang Tông lại đang bận chinh chiến, không có điều tra đến tận gốc rễ sự việc, Trương Cư Hàn thoát được một mạng.
Trương Cư Hàn ngồi trên vị trí cao nhưng trước giờ không hề lạm quyền. Khi phát hiện hành động không đúng của người ở trên ông có can đảm làm chuyện không ai dám làm để giữ lại hơn ngàn tính mạng vô tội. Đây chính là công đức của ông, cho thấy ông là một người chính trực, dũng cảm như thế nào. Khó trách mà sau đó luôn được người đời sau ca tụng. Sau này khi Đường Minh Tông lên ngôi, vị Hoàng đế này cũng vô cùng tán thưởng việc làm chính nghĩa của Trương Cư Hàn và đặc biệt cho phép vị thái giám trung nghĩa này cáo lão hồi hương, an dưỡng tuổi già. Đến khi Trương Cư Hàn mất, giai thoại về vị thái giám tốt bụng vẫn được lưu truyền.