TIN TỨC » Hồ sơ tư liệu

Vua cũng bị ép duyên?

Thứ hai, 16/04/2012 09:54

Cuộc "đảo chính" cung đình êm ả và hữu hiệu vào cuối năm 1225 đầu 1226 đã chấm dứt 215 năm trị vì của nhà Lý để chuyển ngôi vị sang một triều đại mới do họ Trần nắm giữ.

Đạo diễn và thực hiện cuộc đảo chính này là Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (1194 - 1264).

Lăng mộ Trần Thủ Độ ở tỉnh Thái Bình. (Ảnh minh họa)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu và là sức của Thủ Độ cả, cho nên quốc gia phải như vậy, quyền hơn cả vua"  và vì vậy "quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm".

Về vai trò của Trần Thủ Độ trong lịch sử, nhiều sử gia đã đề cập đến, song việc Trần Thủ Độ buộc vua Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên Công chúa (chị dâu của vua) là chuyện khác.

Rút kinh nghiệm từ triều Lý để mất quyền lực vào tay họ ngoại và để bảo vệ triệt để quyền lợi gia tộc, nhà Trần đã cho thực hiện chế độ hôn nhân nội tộc: Các tôn thất Trần chỉ kết hôn với nhau tuyệt đối không kết hôn với các dòng họ khác, đặc biệt hoàng hậu chỉ có thể là người của họ Trần mà thôi.

Không rõ ở đây Trần Thủ Độ với vai trò tổ chức dòng họ và với quyền lực thực tế trong tay có phải là người đề xuất chế độ hôn nhân đồng tộc này hay không, hay đó là tập tục còn sót lại của những người dân chài vùng sông nước.

Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép trong lịch sử, có thể khẳng định ông là người đã cổ vũ và triệt để lợi dụng chế độ hôn nhân này để bảo vệ, củng cố ngai vàng của họ Trần. Và ông đã thực hiện chủ trương đó bằng việc lấy Trần Thị Dung - hoàng hậu nhà Lý, đồng thời là chị họ của mình làm vợ. Nhưng cũng chính ông lại đi ngược chế định ấy khi ép vua Thái Tông lấy Thuận Thiên Công chúa (là người họ Lý) và là vợ của anh trai (tức Trần Liễu) lúc này đang có thai.

Sử sách chép rằng: "Lúc ấy Chiêu Thánh chưa có con, mà Lý Thị (công chúa Thuận Thiên) đã có mang được ba tháng. Thủ Độ cùng Thiên cực công chúa (tức là Trần Thị Dung) bày mưu riêng với nhà vua nên nhận liều lấy để có lợi về sau, vì thế mới đem Lý Thị vào ở cung".

Giải thích về nguyên nhân của sự việc này, sử gia Trần Trọng Kim cho rằng: "Thủ Độ chỉ lo làm thế nào cho ngôi nhà Trần được vững bền, cho nên không những là tàn ác với nhà Lý mà thôi (chỉ việc Trần Thủ Độ chôn sống một lúc 370 tôn thất nhà Lý), đến luân thường ở trong nhà cũng làm loạn cả. Chiêu Thánh hoàng hậu lấy Thái Tông đã được 12 năm mà vẫn chưa có con, Thủ Độ bắt Thái Tông bỏ đi và giáng xuống làm công chúa, rồi đem chị bà Chiêu Thánh (tức vợ Trần Liễu) vào làm hoàng hậu bởi vì người chị đã có thai được 3 tháng".

Người Đưa Tin