Lê Cung Hoàng (1507 – 1527) có tên húy là Lê Xuân, cháu bốn đời của Vua Lê Thánh Tông, em cùng mẹ với Vua Chiêu Tông; là hoàng đế thứ 11 và cuối cùng thời Lê Sơ, ở ngôi 5 năm, thọ 21 tuổi.
Con rối của Mạc Đăng Dung
Theo sử sách, khi Vua Chiêu Tông chạy khỏi hoàng cung, Mạc Đăng Dung sai thủ hạ Hoàng Duy Nhạc đuổi theo nhưng bị nhà vua dùng quân huyện Thạch Thất đánh trả, bắt giết. Lúc đó, với mục đích tiếp tục thao túng triều chính, Dung lập Lê Xuân nối ngôi, lấy niên hiệu là Thống Nguyên, lúc đó 16 tuổi.
Nhận xét về mưu đồ này của Đăng Dung, các sử thần đương lời cho rằng, Hoàng đế Cung Hoàng thực chất chỉ là con rối trong tay họ Mạc.
Sách Các vị vua trong lịch sử Việt Nam ghi: Vì sợ Chiêu Tông ở ngoài hiệu triệu binh mã về đánh, Mạc Đăng Dung không dám ở kinh thành, đã chuyển hết của cải về Gia Phúc (Hải Dương). Sau khi đánh bại các cánh quân Cần vương của Chiêu Tông, mùa xuân năm Quý Mùi (1523), Đăng Dung đưa Vua Cung Hoàng về đóng ở hành dinh Bồ Dề, cho các quan vào chầu. Năm đó, triều đình vẫn cho mở khoa thi hương, thi hội ở bãi giữa sông Nhị. Vua ra đầu đề "Về đạo làm vua làm thầy". Nhưng bất chấp đạo làm tôi, tháng 7 năm đó, Đăng Dung dùng chiếu lệnh của Cung đế, phế bỏ vắng mặt Chiêu Tông xuống tước Đà Dương vương. Năm sau, Giáp Thân (1524), Đăng Dung tự mình thăng lên tước Bình Chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân quốc công. Tháng 10 năm Ất Dậu (1525), Đăng Dung tự làm đô tướng dẫn tất cả thủy và lục quân vào đánh Thanh Hóa. Vua Chiêu Tông bị bắt đưa về kinh sư và bị giết vào tháng 12 năm Bính Tuất (1526). Sau sự kiện bi thảm đó, Đăng Dung rút lui về làng Cổ Trai (huyện Nghi Dương), nhưng trong thực tế vẫn chế ngự triều đình. Năm Đinh Hợi (1527), Đăng Dung tự thăng tước Thái sư An Hưng vương, gia thêm cửu tứ. Tháng 4 năm Đinh Hợi (1527), Vua Cung Hoàng sai Trùng dương hầu Vũ Hữu, Lan xuyên bá Phan Đình Tá và Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ mao tiết, mang kim sách và mũ áo ô lọng, đại ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, tán tía đến làng Cổ Trai, để tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương. Đăng Dung đón tiếp sứ bộ của nhà vua, ở bến đò An Tháp huyện Tân Minh (Tiên Lãng, Kiến An ngày nay). Vua còn tặng Đăng Dung bài thơ "Chu công giúp Thành Vương" có ý khuyên Đăng Dung hãy giúp vua và triều đình theo gương Chu công đời xưa. Chết khổ chết sở Sau cái chết của Chiêu Tông, tham vọng "tiếm" ngôi vua trong Mạc Đăng Dung ngày càng lớn. Đồng thời lúc bấy giờ, xét về mọi khía cạnh thì Vua Cung Hoàng cũng đã hết giá trị lợi dụng. Thế là, vào ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), chớp thời cơ giành quyền lực tối cao cai trị đất nước cho họ Mạc, Đăng Dung đem quân vào thành, ép nhà vua phải nhường ngôi báu. Thảm cảnh của Vua Lê Cung Hoàng được sách Đại Việt thông sử viết: “Đăng Dung cướp ngôi, phế truất Vua xuống làm Cung vương, giam Vua và Thái hậu vào cung Tây Nội, không cho ăn uống gì cả trong 7 ngày, đến nỗi phải xé áo mà nhai”. Trong khi đó, sách Lê triều dã sử chép: “Giáng vua xuống làm Cung vương, lại giam vua cùng mẹ là Hoàng thái hậu vào cung nội, trời tháng 7 mà một giọt nước cũng không cho uống, đến nỗi phải xé áo mà ăn...". Không dừng ở đó, với quan niệm "diệt cỏ phải diệt tận gốc", Mạc Đăng Dung đã sai quân hầu mang dải lụa vàng bắt hai mẹ con Vua Lê Cung Hoàng phải tự tử; sau đó đem xác hai người phơi bày ngoài quán Bắc Sứ (nay thuộc khu vực phố Quán Sứ, Hà Nội,) rồi đưa về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình).
Sử sách lưu truyền, trước khi chết, Thái hậu khấn trời rằng: "Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, con cháu mày ngày sau cũng thế". Sau này, khi bàn về hậu vận đen tối của Vua Lê Cung Hoàng, sứ thần triều Lê cho rằng, lúc ấy vận nước đã suy, lòng người đã lìa, tài vua lại vào hạng kém, thì làm sao có thể trị nước, dẹp loạn thần tặc tử.