TIN TỨC » Kiến thức

3 thói quen sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông 'tăng chóng mặt'

Chủ nhật, 19/11/2023 22:07

Vào mùa đông, nhiều gia đình sử dụng bình nóng lạnh để phục vụ cho việc tắm rửa. Tuy nhiên, một số thói quen khi sử dụng bình nóng lạnh sẽ khiến tiền điện tăng chóng mặt.

Bật bình nóng lạnh 24/24

Vào tiết trời lạnh giá, nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh ngày càng tăng cao. Chính vì điều này, nhiều gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để lúc nào cũng có nước ấm nóng để dùng.

Tuy nhiên, thói quen bật bình nóng lạnh toàn thời gian là một trong những điều gây ảnh hưởng nhất tới điện năng và sự an toàn của gia đình bạn.

Theo nguyên lý hoạt động, bình nóng lạnh sẽ làm nóng ở các mức độ nhất định từ trong khoảng (40-80 độ C) để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Khi nước đã đủ nóng và duy trì ở nhiệt độ đó, rơ le bình sẽ tự ngắt.

Bình nóng lạnh bật 24/24h sẽ khiến máy nhanh hỏng.

Tuy nhiên, nhiều thời gian trong ngày, chúng ta sẽ không sử dụng đến. Khi đó nước trong bình sẽ tự động nguội dần đi. Do không tắt hoàn toàn nên quá trình đó sẽ lặp đi lặp lại, đun sôi rồi lại nguội, nguội rồi lại tiếp tục đun lại.

Điều này sẽ khiến tiền điện nhà bạn tăng chóng mặt. Trung bình 1 tháng, nếu bình nhà bạn phải hoạt động liên tục 24/24h, thì tiền điện của riêng thiết bị này có thể lên tới 200-300 nghìn đồng.

Thêm vào đó, cơ chế cũng máy sẽ bị mệt vì cứ liên tục phải hoạt động, dẫn đến tình trạng quá tải, khiến linh kiện của bình nhanh hỏng, hiệu suất làm nóng/lạnh không được như ban đầu, thậm chí có thể dẫn đến chập cháy gây nguy hiểm tính mạng.

Để tiết kiệm tiền điện, bạn có thể bật bình nóng lạnh từ 5-10 phút là đã có nước ấm để dùng. Sau đó, không cần sử dụng, bạn nên tắt đi.

Bật bình ngay cả khi đang tắm

Đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra từ thói quen vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh. Tuy nhiên dù được khuyến cáo nhiều lần nhưng các gia đình vẫn vì sự tiện lợi trước mắt mà đánh cược với tính mạng.

Một trong những điều mọi người hay nhầm lẫn về bình nóng lạnh nhất chính là chế độ tự ngắt. Mỗi bình nóng lạnh đều được trang bị 2 loại rơ le. 1 loại là rơ-le (nhiệt) để đóng/ngắt điện khi nhiệt độ nước tăng, giảm và loại khác là rơ-le chống giật.

Trong quá trình tắm và dùng nước nóng, nhiệt độ trong bình sẽ thay đổi. Hệ thống sẽ tự cảm biến và sẽ cấp điện lại cho bình để tiếp tục làm nóng nước, do vậy, khả năng người dùng bị điện giật khi vừa tắm vừa bật bình sẽ tăng cao.

Không vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ

Bình nóng lạnh thường có thể hoạt động trong nhiều năm, nhưng trong nhiệt độ cao, các phản ứng hóa học xảy ra gây ảnh hưởng đến linh kiện trong bình nóng lạnh, có thể dẫn đến hiện tượng, bám cặn thanh đốt, dẫn đến hiện tượng hỏng lớp cách điện, gây rò rỉ điện.

Trung bình từ 1-3 năm nên kiểm tra bình nóng lạnh 1 lần và vệ sinh hoặc thay mới những đường dây hoặc các bộ phận đã cũ. Đặc biệt trước mùa đông, khi mật độ cùng bình nóng lạnh tăng cao, thì càng nên kiểm tra để chắc chắn gia đình bạn không dính vào rủi ro.

Kiểm tra thường xuyên

Ngoài ra, nếu bình nóng lạnh xảy ra các lỗi như đèn không báo sáng, nhảy dây chống giật, tự ngắt điện, nước không nóng...thì cần gọi ngay thợ bảo hành hoặc thợ sửa chữa đến khắc phục các lỗi này, tránh hậu quả về sau.

Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới