TIN TỨC » Kiến thức

5 lý do không nên làm việc theo cảm hứng

Thứ hai, 10/02/2020 16:45

Phong cách làm việc luôn là yếu tố mang tính then chốt và ảnh hưởng khá lớn đến quá trình lao động, sáng tạo của mỗi người. Dựa vào điều kiện môi trường, tính chất công việc cũng như thói quen cá nhân mà mỗi người tự tạo cho mình những phong cách làm việc riêng.

Làm việc theo cảm hứng cũng là một trong những phong cách ấy, lối làm việc này mặc dù mang tới những hưng phấn và tốc độ cao thế nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế đáng lưu ý. Nếu chỉ làm việc bằng cảm hứng thôi là điều hoàn toàn không nên và tác động tương đối tiêu cực đến quá trình hoạt động, sáng tạo của bạn trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào.

Chia sẻ về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 lí do tại sao không nên làm việc theo cảm hứng.

Không mang lại sự ổn định, bền vững

Rất nhiều người chờ đợi cho đến khi có cảm hứng mới làm việc, điều này có thể mang đến năng lượng và sự tập trung cao độ - nhất là đối với những nhóm nghề nghiệp thuộc về sáng tạo, nghệ thuật. Thế nhưng để tạo lập và duy trì cảm hứng thì không phải là một việc dễ làm vì nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng cũng như tình hình khách quan. Vì thế nếu cứ đợi cảm hứng đến mới làm việc thì rõ ràng sẽ không có tính chắc chắn, bạn sẽ bị thụ động trong quá trình chuẩn bị và lên kế hoạch cho những công việc đòi hỏi tính ổn định cao, Trưởng phòng Nhân sự công ty Tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink chia sẻ.

Làm mất tính chuyên nghiệp

Trong khi đối tác, đồng nghiệp liên tục làm việc và cho ra những sản phẩm có giá trị thì bạn lại thụ động cho rằng phải đợi khi nào có cảm hứng. Hành động này chắc chắn sẽ làm chậm tiến độ làm việc chung và bạn sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Ắt hẳn nhiều người sẽ không có ý định hợp tác nếu như bạn tiếp tục giữ phong cách làm việc này.

Khó xây dựng niềm tin

Đối với những người làm việc theo khuôn khổ doanh nghiệp, công ty thì phong cách làm việc còn quyết định rất nhiều đến độ tin cậy của bạn trong mắt đồng nghiệp và cấp trên. Tương tự như trên, đồng nghiệp sẽ không hài lòng nếu trong dự án tập thể vừa rồi bạn thể hiện mình là người xem nhẹ kế hoạch, thường xuyên trễ hẹn vì lí do “đợi cảm hứng”. Điều này là tối kỵ trong bất kỳ công việc nào, đặc biệt là đối với nhóm ngành nghề thiết kế, sáng tạo. Những người cùng cấp sẽ không đánh giá cao bạn, ít muốn làm đồng sự cùng bạn. Quản lý, cấp trên sẽ không tin tưởng giao phó cho bạn những công việc quan trọng,… dần dần bạn đánh mất niềm tin nơi làm việc vì phong cách làm việc trên.

Không đảm bảo chất lượng công việc

Nhiều người biện minh rằng nếu gượng ép làm việc sẽ khiến chất lượng công việc thấp hơn so với việc làm việc theo cảm hứng. Điều này không hoàn toàn chính xác, sản phẩm lao động chỉ mang lại giá trị và chất lượng cao nhất khi nó được đảm bảo bởi năng lượng từ ý tưởng cùng với tính kỷ luật trong hành động. Bạn không thể nào thực hiện một ý tưởng khi nó chỉ đang nằm trong đầu dưới dạng cảm hứng mơ hồ. Điều bạn cần làm đó chính là thực tế hóa bằng cách ngay lập tức phân tích vấn đề, từ đó tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện để có được một kết quả hoàn thiện nhất.

Khó phát triển bản thân

Và cuối cùng, ảnh hưởng lâu dài của thói quen chỉ làm việc bằng cảm hứng khiến cho bạn dậm chân tại chỗ hoặc phát triển rất chậm trong công việc cũng như cuộc sống. Đó là vì tinh thần cầu thị của bạn quá kém cỏi đồng thời xem thường tư duy, kỷ luật. Đối với những người không chịu học hỏi, trau dồi mà chủ quan tin vào cảm hứng của bản thân sẽ chỉ giúp bạn tồn tại được trong môi trường ít cạnh tranh, áp lực và đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến và phát triển toàn diện là vô cùng thấp. Bạn sẽ không khai thác được những kỹ năng và giá trị của bản thân nếu chỉ làm việc bằng những cảm xúc thoải mái, dễ chịu.

Trên đây là 5 lí do tại sao không nên làm việc theo cảm hứng, hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cách để dung hòa giữa yếu tố cảm hứng và kỷ luật cá nhân. Chúc bạn thành công.

HX (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới