Mansa Musa giàu có như thế nào?
Mansa Musa sinh năm 1280, xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, ông là cháu họ của vua Abubakari Keita II và được chỉ định làm người điều hành việc nước trong những lúc nhà vua vắng mặt. Sau đó, ông được kế thừa ngai vàng khi nhà vua Abubakari, người luôn ấp ủ dự định khám phá Đại Tây Dương đích thân dẫn đầu 2000 tàu bè trong cuộc hành trình khám phá đã mãi mãi không quay trở về, chỉ vì ông không tin 199 tàu thuyền do mình điều đi trước đó đã biến mất một cách bí ẩn trong xoáy nước lớn giữa đại dương và chỉ còn duy nhất 1 con tàu đi cuối đoàn quay lại báo tin.
Mansa Musa là người giàu nhất thế giới mọi thời đại
Mansa Musa lên ngôi năm 1312, trong lúc Mali đã là một Đế quốc hùng mạnh và nắm trong tay các tuyến đường thương mại trọng yếu. Dưới thời của Musa, đế chế Mali mở rộng nhanh chóng đến những vùng đất giàu tài nguyên như vàng và muối. Thời đó, theo ước tính, Mali chiếm gần một nửa số vàng của thế giới cổ đại. Tất cả đều thuộc sở hữu của hoàng đế.
Khi đó, các trung tâm giao dịch hàng hóa lớn, trong đó có trung tâm giao dịch vàng, đều nằm trên lãnh thổ do hoàng đế Masa cai quản, do vậy, ông cũng tích lũy được khối tài sản lớn từ hoạt động này. Cho đến khi qua đời vào năm 1337, ông tích lũy số của cải lớn đến mức các nhà sử học cũng không thể hiểu nổi.
Cuộc hành hương xa xỉ của Mansa Musa
Mansa Musa là một vị vua sùng đạo và luôn tin rằng đạo Hồi chính là cửa ngõ để bước vào thế giới văn hóa của vùng Đông Địa Trung Hải, vì vậy, ông đã ra sức phát triển đạo Hồi trên con đường trở về miền đất Thánh. Chuyến hành hương về Thánh địa Mecca vào năm 1324, hoạt động gây được tiếng vang lớn nhất của ông trong thời gian tại vị.
Chuyến hành hương của Mansa Musa được coi là chuyến đi xa hoa và hoành tráng nhất của một bậc đế vương. Tất cả 60.000 tùy tùng của nhà vua, trong đó có 12.000 nô lệ, 500 sứ giả mặc áo lụa và một hàng dài lạc đà đều phải mang theo vàng thỏi hoặc những chiếc túi chứa đầy vàng để Mansa Musa có thể dễ dàng phân phát cho bất cứ người dân nghèo nào mà ông bắt gặp trên đường đi.
Tuy nhiên, hành động phóng khoáng này vô tình khiến giá vàng trong khu vực xuống đáy 10 năm, gây thiệt hại nặng nề với kinh tế Ai Cập nói riêng, với toàn khu vực nói chung. Trên đường quay về sau cuộc hành hương, khi qua Ai Cập, để sửa chữa sai lầm của mình, Mansa Musa đã mua lại vàng từ những người cho vay nặng lãi ở Cairo. Đây có lẽ là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử tính tới thời điểm này, một cá nhân có thể kiểm soát giá cả của vàng bạc trên khắp vùng Địa Trung Hải rộng lớn.
Rời khỏi Cairo, Ai Cập, đoàn hành hương đến lãnh thổ của tiểu vương Gao, thuộc Vương quốc Songhay (Nigeria ngày nay). Với 2 tấn vàng, vua Musa mua đứt Gao. Và vào cuối triều đại của mình, Musa mở rộng đế chế của mình bao gồm Senegal ngày nay, Gambia, Guinea, Niger, Nigeria, Chad và Mauritania - ngoài Mali.
Vậy Mansa Musa đã làm gì với toàn bộ số tiền, ngoài việc tặng vàng cho những người ngẫu nhiên trên đường?
Sau chuyến hành hương đến Mecca, nhà vua Mansa Musa bắt đầu xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo lớn, cùng các thư viện khổng lồ, cung điện hoàng gia, và những trường học đạo Hồi trên khắp Đế quốc của mình Ngoài ra, Mansa Musa đã đưa Mali và chính bản thân mình lên bản đồ thế giới, theo đúng nghĩa đen.
Trong bản đồ Catalan Atlas từ năm 1375 có một bức vẽ về một vị vua châu Phi ngồi trên ngai vàng trên đỉnh Timbuktu, ông cầm một miếng vàng trên tay. Sau khi Mansa Musa qua đời năm 1337 ở tuổi 57, đế chế của ông được thừa kế bởi những người con trai. Những người này đã không thể cùng nhau duy trì đế chế. Quốc gia đã bị chia cắt và đế chế bị sụp đổ.
Cho đến nay, Mansa Musa vẫn được coi là một trong những người quyền lực nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là người giàu có nhất thế giới.