TIN TỨC » Kiến thức

Ăn tôm hấp bia, cá hấp bia, bò sốt rượu vang... thổi nồng độ cồn có lên không?

Thứ ba, 09/01/2024 10:18

Đây là thắc mắc chung của không ít người sau khi thưởng thức những món ăn được chế biến mà trong đó có nguyên liệu rượu bia.

Ngoài rượu bia, Dân Trí dẫn lời các chuyên gia cho biết, một số loại thực phẩm, dược phẩm, chế phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi chúng ta hấp thu vào cơ thể.

Một số món ăn có sử dụng rượu trong quá trình tẩm ướp hoặc chế biến như: cá, tôm hấp bia, các món sử dụng sốt rượu vang… có thể vẫn còn tồn tại, dù ở mức rất nhỏ, chất cồn (ethanol) khi chúng ta ăn.

Ngoài ra, có nhiều thực phẩm bản thân đã lên men một phần, hình thành ethanol trước khi đưa vào cơ thể, ví dụ như loại sữa chua nếp cẩm "nhà làm" sử dụng nếp cẩm đã lên men. Vì bản chất của món ăn này là người ta trộn rượu nhẹ vào sữa chua.

Tương tự, một số loại sản phẩm lên men khác cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn như nước quả lên men.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP), người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn ở mức trên 0mg/lít khí thở sẽ bị phạt, tức là không có "vùng xanh" như nhiều nước trên thế giới, và mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô ở Việt Nam hiện nay rất cao.

Việc này khiến nhiều tài xế lo ngại nguy cơ bị "dính án" nồng độ cồn oan dù không uống trực tiếp rượu bia.

Trao đổi với VTC News, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết thực tế, các loại quả ngọt hoặc quả lên men như nho, sầu riêng, dứa, táo, siro đều chứa cồn nhưng rất ít.

Những món ăn như tôm cá hấp bia, bò sốt vang thường trộn lẫn với nhiều loại gia vị khác nên lượng cồn không nhiều như uống trực tiếp.

Việc ăn những thực phẩm này không ảnh hưởng đến điều khiển phương tiện giao thông, song vẫn khiến hơi thở có cồn.

Để tránh việc thổi nồng độ lên cồn, bạn chỉ cần nghỉ ngơi 30 phút, súc miệng, uống thêm nước lọc. Trường hợp đo vẫn lên, bạn có thể đề nghị cán bộ cho nghỉ thêm 15 phút rồi đo lại.

Chuyên gia cũng cho biết, căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn.

Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Theo bác sĩ Hoàng, người trưởng thành có sức khoẻ bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.

Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan.

Hiện không có con số chính xác tuyệt đối sau uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể. Tùy vào từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.

Hoàng Vũ (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới