TIN TỨC » Kiến thức

Ba nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam cùng được xây dựng trên dòng sông nào?

Chủ nhật, 28/07/2024 06:16

Đây là chuỗi nhà máy trên một dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp khoảng 30% sản lượng điện quốc gia.

Sông Đà còn có tên gọi khác là sông Bờ hay Đà Giang, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Đà với lãnh thổ Việt Nam ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại điểm này, người dân tộc Thái thường gọi sông Đà là Nậm Tè. Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành. Trong một số tiếng châu Âu, sông Đà được dịch là sông Đen.

Ba nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam cùng được xây dựng trên sông Đà.

Sông Đà chảy từ Lai Châu qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Sông dài 910km, có diện tích lưu vực lên tới 52.900km2. Đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam của sông Đà dài khoảng 527km (có tài liệu ghi là 543km).

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sông Đà là phụ lưu lớn nhất trong hệ thống sông Hồng. Ba nhà máy thủy điện trên dòng sông Đà gồm Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu là 3 nhà máy thuỷ thiện lớn nhất nước ta. Đây cũng là chuỗi nhà máy trên một dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp khoảng 30% sản lượng điện quốc gia.

Công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng sớm nhất trên dòng sông này. Thủy điện Hòa Bình là công trình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979. Sau gần 15 năm xây dựng, đến năm 1994, công trình đã hoàn thành với 8 tổ máy, tổng công suất lắp đặt là 1.920MW. Trước năm 2010, khi chưa có các thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, thủy điện Hòa Bình là nguồn điện có công suất lắp đặt lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Thủy điện Hòa Bình.

Tiếp đó, nhà máy Thủy điện Sơn La - dự án trọng điểm quốc gia được khởi công vào ngày 2 tháng 12 năm 2005, sau 7 năm miệt mài xây dựng, nhà máy đã chính thức khánh thành vào ngày 23/12/2012. Ở thời điểm đó, dự án này trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

So với mức vốn dự kiến ban đầu trong khoảng 31.000 - 37.000 tỷ đồng, tổng mức vốn đầu tư cho Nhà máy Thủy điện Sơn La đến thời điểm hoàn thành đã lên tới 58.483,412 tỷ đồng, tăng gần 60%.

Thủy điện Sơn La.

Điện lượng trung bình hàng năm của Nhà máy Thủy điện Sơn La đạt 10.246 GWh. Giả sử mỗi hộ gia đình tiêu thụ khoảng 3.600 kWh/năm thì với con số trên Nhà máy Thủy điện Sơn La có thể cung cấp điện cho khoảng 2.846.111 hộ gia đình Việt Nam mỗi năm. Đây là sản lượng điện nhiều nhất mà một nhà máy điện ở Việt Nam có thể sản xuất.

Công trình Thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/2011 và khánh thành vào ngày 20/12/2017. Để xây dựng công trình này, hàng nghìn cán bộ, công nhân các đơn vị xây dựng đã đào đắp gần 15 triệu mét khối đất đá cùng lắp đặt khối lượng sắt thép, máy móc hàng chục nghìn tấn.

Thủy điện Lai Châu.

Công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu và làm lợi cho đất nước 7.000 tỷ đồng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới