TIN TỨC » Kiến thức

Bà nội trợ chia sẻ kinh nghiệm đi chợ mua rau là không nên mua cùng một quầy hàng, lý do vì sao?

Thứ bảy, 12/08/2023 08:42

Khi đi mua rau ngoài chợ, bạn nên mua các loại rau ở nhiều quầy hàng khác nhau, điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong việc mua phải rau kém chất lượng.

Ngày nay, vấn đề thuốc trừ sâu trong rau của quả luôn là nỗi lo lắng của nhiều bà nội trợ. Để tránh điều này, ngoài việc sơ chế và nấu nướng đúng quy trình, mỗi người nên chú ý từ khâu lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Bên cạnh việc mua rau trong siêu thị thì rất nhiều chị em chọn mua rau ở chợ. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen mua rau ở 1 quầy hàng cho tiện, đỡ phải đi nhiều nơi để chọn lựa. Tuy nhiên, thói quen này là sai lầm.

Lý do không nên mua rau ở cùng một quầy hàng ngoài chợ

Ở chợ, bày bán đủ các loại mặt hàng từ thịt, cá, gia cầm, rau củ quả tươi. Hơn nữa, nhiều người bán hàng còn rất nhiệt tình, thân thiện, đôi khi họ còn cho thêm một ít gia vị hay thậm chí còn chỉ bạn cách nấu một số món ăn ngon. Vì vậy, có một số người đã trở thành khách quen của một quầy hàng nào đó trong chợ.

Tuy nhiên, một nữ y tá làm việc trong khoa chất độc lâm sàng cho hay, cô không bao giờ mua rau ở cùng một quầy hàng. Theo nữ y tá, việc làm tưởng kỳ quặc này nhưng giúp giảm đáng kể sử dụng số lượng rau có lượng thuốc trừ sâu.

Khi đi mua rau ở chợ, không nên mua cùng 1 quầy hàng.

Ở vùng khí hậu nóng ẩm, có nhiều loại bệnh tật và côn trùng gây hại, khi nông dân trồng rau, họ phải sử dụng hoá chất để ngăn chặn sâu bệnh phá hoại, đảm bảo sản lượng cây trồng. Một số nơi có thể dùng ở ức cho phép nhưng có một số nơi lại sử dụng hoá chất vượt mức tiêu chuẩn. Nhiều người khi bán hàng, nhập rau họ chỉ có thể lấy ở một hoặc hai cơ sở cung cấp rau. Nếu những cơ sở đó là nơi thường sử dụng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép thì những loại rau mà người bán nhập về cũng sẽ có dư lượng hoá chất cao. Nếu bạn mua tất cả các loại rau ở cùng một quầy hàng đó thì tất nhiên bữa cơm nhà bạn cũng sẽ đầy hoá chất.

Như vậy, theo ý kiến của y tá trên, mục đích của việc không mua rau ở cùng một gian hàng chính là để phân tán rủi ro. Khi mua đa dạng khu vực có thể sẽ có những nguồn thực phẩm an toàn. Ngoài ra, khi mua rau nói riêng và thực phẩm nói chung, bạn nên hỏi nguồn gốc thực phẩm lấy ở đâu để đảm bảo rằng mình có thể mua ở các vùng sản xuất khác nhau.

Cách loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả

+ Ngâm nước ấm và rửa dưới vòi nước chảy

Cách đầu tiên để loại bỏ thuốc trừ sâu, các chất độc hại cũng như bụi bẩn từ rau củ quả đó là ngâm trong nước ấm trong khoảng từ 15 - 30 phút. Sau đó rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy mạnh ít nhất 30 giây và lặp lại khoảng 4 - 5 lần.

+ Ngâm rửa rau củ với nước vo gạo

Nước vo gạo là có công dụng khử độc tự nhiên và rất an toàn. Các vitamin nhóm B và một số hoạt tính khác của nước vo gạo có thể giúp làm sạch bề mặt và hoà tan một số chất hữu cơ khi ngâm rau quả. Vì vậy đây là cách loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả được nhiều người áp dụng. Không chỉ loại bỏ độc tố, nước vo gạo còn được dùng để rửa thịt, rửa cá (giúp loại bỏ mùi tanh), ngâm ốc (để loại bỏ nhớt).

Bạn chỉ cần ngâm rau củ trong nước vo gạo từ 5 - 10 phút trung hòa độc tố từ thuốc trừ sâu có thể dư thừa trên rau củ quả. Sau khi ngâm xong, rửa lại 3 - 4 lần với nước sạch.

+ Baking soda là cách loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả

Nghiên cứu từ các nhà khoa học đến từ Đại học Massachusetts cho thấy việc ngâm rửa táo với baking soda khi hòa lẫn nước trong khoảng 2 phút thì lượng thuốc trừ sâu trên táo đã được loại bỏ, hiệu quả hơn so với dung dịch tẩy rửa thông thường. Do đó, baking soda (hay còn gọi là muối nở) là một phương pháp tuyệt vời để làm sạch các loại trái cây, rau quả có chứa dư lượng thuốc trừ sâu.

Cách thực hiện:

- Pha 4 thìa baking soda với 1.5 lít nước, khuấy đều

- Ngâm trái cây vào dung dịch này trong 15 phút rồi lau khô là có thể dùng được

- Với rau củ sẽ ngâm trong dung dịch 5 - 7 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.

+ Loại bỏ thuốc trừ sâu bằng tinh bột nghệ

Một trong những cách làm sạch rau củ quả, loại bỏ độc tố từ thiên nhiên là sử dụng tinh bột nghệ. Nhờ có đặc tính khử trùng mạnh mẽ sẽ loại bỏ vi khuẩn và lượng thuốc trừ sâu còn tồn dư trong thực phẩm. Lưu ý nên dùng tinh bột nghệ thay vì bột nghệ sẽ không làm các loại rau củ bị vàng màu nghệ.

Cách thực hiện:

- Pha 5 thìa tinh bột nghệ vào một chậu nước sôi (tùy vào lượng trái cây cần ngâm), khuấy đều và đợi nước nguội hẳn

- Cho trái cây vào ngâm trong 15 phút

- Vớt ra và rửa lại với nước sạch

+ Loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả bằng giấm

Giấm có tính kháng khuẩn và khử trùng mạnh mẽ. Giấm cũng là gia vị luôn có sẵn trong gian bếp của mỗi gia đình và bạn có thể sử dụng nó để làm sạch rau củ quả, loại bỏ lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư.

Cách thực hiện:

- Pha loãng 100ml giấm với 900ml nước, khuấy đều

- Ngâm trái cây và rau củ quả trong khoảng 10 phút, thỉnh thoảng khuấy đều

- Rửa lại lần nữa với nước sạch hoặc cẩn thận hơn là nước đun sôi để nguội

Nếu không có giấm các bạn có thể thay thế bằng nước cốt chanh. Bạn ngâm rau quả trong nước cốt chanh khoảng 2 - 3 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

+ Trụng nước sôi để loại bỏ thuốc trừ sâu

Trụng nước sôi cũng là cách loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả. Nhiệt độ cao sẽ làm cho thuốc trừ sâu phân giải. Với một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần, măng tây...sau khi rửa sạch nên trụng qua nước nóng 2 phút sẽ làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%. Sau đó nấu ở nhiệt độ cao sẽ giúp loại bỏ 90% lượng thuốc trừ sâu.

+ Ánh nắng mặt trời giúp loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả

Nghiên cứu cho thấy ánh nắng mặt trời có thể làm giảm lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ đến 60%. Ánh nắng mặt trời với nhiệt độ cao sẽ phá vỡ liên kết của các chất hóa học, phân giải thuốc trừ sâu. Trước khi sử dụng rau củ, bạn nên đem chúng đi phơi nắng trong khoảng 7 - 10 phút, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng và dinh dưỡng trong rau củ.

+ Gọt bỏ vỏ trái cây và lớp lá rau củ ngoài cùng

Các chuyên gia cho biết muốn loại bỏ thuốc trừ sâu trong rau củ quả hãy gọt bỏ lớp vỏ ngoài cùng hoặc vứt đi lớp lá ngoài cùng. Đặc biệt là với các loại rau củ có vỏ mỏng, dễ chứa nhiều thuốc trừ sâu và hóa chất ở phần vỏ như dưa leo, cà tím, cà rốt, táo, lê,...

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới